Một trong nhiều vấn đề được người dân quan tâm nhất trong những ngày qua là các phương án về môn thi trong kỳ thi chung sắp tới mà Bộ GD-ĐT vừa công bố. Cả ba phương án đều có những bất cập. Và người hoang mang nhất vẫn là học sinh, đặc biệt là các em chuẩn bị vào lớp 12 không biết phải học thế nào.
|
Điểm chung trong cả ba phương án là ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc. Trong tình hình phát triển và hòa nhập với thế giới, tiếng Anh là công cụ vô cùng cần thiết. Nhưng đưa tiếng Anh vào môn thi bắt buộc liệu có công bằng cho tất cả các em?
Sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng ở nước ta vẫn chưa đồng đều. Ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa, việc phổ cập ngoại ngữ vẫn chưa thể toàn diện. Đưa ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc từ năm 2015 về sau thì trước hết phải đảm bảo việc dạy và học tiếng Anh ở tất cả các địa phương đồng đều như nhau.
Nhiều học sinh chọn khối A,B,C để ôn thi vì không có lợi thế ở môn ngoại ngữ này. Nếu bây giờ các em phải làm một bài thi tiếng Anh bắt buộc liệu có ổn không? Môn ngôn ngữ cần phải học tích lũy dần chứ không thể nhồi nhét một lúc. 10 tháng có đủ để các em có thể lấy lại nền tảng tiếng Anh để thi?
Nếu đọc qua cả ba phương án, phương án một có lẽ là “dễ thở” nhất cho học sinh trong năm học 2014-2015 sắp tới. Bởi ở phương án hai và ba có quá nhiều môn, học sinh không thể ôm hết kiến thức được. Tuy nhiên, khả thi nhất không có nghĩa là không có hạn chế. Phương án một chỉ có lợi đối với những học sinh ôn thi ban D khi Toán, ngữ văn, ngoại ngữ là ba môn bắt buộc và một môn tự chọn. Hơn thế, thí sinh còn phải đăng ký thi thêm để sử dụng vào đợt CĐ-ĐH.
Như vậy, việc thi cử không hề nhẹ đi chút nào, trái lại càng ngày càng tăng áp lực cho học sinh, trong khi tình trạng học lệch vẫn tiếp diễn. Học sinh thờ ơ với các môn xã hội, chỉ tập trung vào các môn khoa học tự nhiên vẫn là vấn đề lớn chưa được giải quyết triệt để.
Phương án hai và ba dàn trải với kiến thức quá rộng. Ở Việt Nam hiện nay, cái đích cuối cùng của thi cử là được vào đại học. Tích hợp để học sinh thi 8 hay 11 môn nhưng sau này sử dụng được bao nhiêu vào việc học đại học của mình? Mỗi trường đại học, cao đẳng có những yêu cầu khác nhau về lĩnh vực của mình. Dựa vào đâu để họ tuyển chọn, hay sẽ có một kỳ thi tuyển riêng của từng trường? Như vậy, các em còn phải học gấp hai, gấp ba lần so với trước đây. Kỳ thi chung quốc gia những tưởng sẽ giúp các em học sinh giảm bớt gánh nặng học hành, nhưng thực tế thì ngày càng tăng áp lực.
Thi tốt nghiệp rồi thi đại học theo từng khối đã là truyền thống của giáo dục Việt Nam. Hiện nay, đa phần các em học sinh, nhất là các em lớp 12 khi biết tin về các phương án vẫn không biết mình phải học như thế nào. Cả mùa hè tập trung cho khối thi của mình, bây giờ phải bỏ hết để quay sang đi học thêm ngữ văn và ngoại ngữ?
Nếu như áp dụng, tại sao không bắt đầu từ lứa học sinh năm lớp 10 để có thời gian chuẩn bị và có cách học cho phù hợp. Phương án thi quá mới, học sinh không thể nào thích nghi kịp dẫn đến kết quả kỳ thi sẽ không như mong muốn. Tình trạng tiêu cực trong thi cử chắc chắn sẽ xuất hiện.
Vậy phương án nào mới tốt để áp dụng vào giáo dục ở Việt Nam? Theo tôi, đầu tiên cần phải lắng nghe học sinh. Bởi vì chính các em là người trực tiếp học tập, ôn thi và tham gia vào các kỳ thi đó. Chỉ người trong cuộc mới có những cảm xúc chính xác.
Bất kỳ những thay đổi mới mẻ nào cũng nhận được những suy nghĩ trái chiều. Đặc biệt trong việc học thì đổi mới là điều rất khó để thích nghi. Đổi mới giáo dục để phù hợp với xã hội là điều tốt, nhưng tôi hy vọng những vị chức trách hãy đặt bản thân vào tâm thế của những em đang tích cực ôn luyện. Suy cho cùng, áp lực lớn nhất vẫn ở trên vai các em, người khổ nhất vẫn là học sinh.
Ngọc Diệp*
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng
>> Bỏ thi đại học là cần thiết nhưng phải có lộ trình
>> Bộ GD-ĐT giải thích về dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp THPT
>> Đổi mới thi đối với bậc THPT
>> Đề án đổi mới thi và tuyển sinh: Tăng cường giám sát thi và trao quyền xét tuyển cho các trường
Bình luận (0)