Có thể dự thảo sẽ còn điều chỉnh sau khi nhận được ý kiến đóng góp của dư luận để hoàn thiện hơn, đặc biệt là dự kiến bỏ ngưỡng chất lượng đầu vào (điểm “sàn”) ở ĐH. So với những quy định trước đây, dự thảo lần này rất thoáng, cởi bỏ nhiều ràng buộc được cho là làm giới hạn cơ hội trúng tuyển của thí sinh và quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, qua những thay đổi liên tục gần đây của Bộ này về thi, tuyển sinh cũng như các vấn đề khác liên quan đến giáo dục, dư luận vẫn lo ngại đổi mới sau một vòng sẽ quay về chỗ cũ.
Nhiều năm trước khi có kỳ thi ĐH, CĐ theo kiểu “3 chung”, các trường tuyển sinh riêng. Năm 2014 và đặc biệt 2015, lần đầu tiên nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH vào làm một với kỳ thi mang tên THPT quốc gia, nhiều trường ĐH được phép tuyển sinh theo đề án riêng, trong đó có ĐH Quốc gia Hà Nội. Thế nhưng với những diễn biến chuẩn bị cho kỳ thi 2017, nhất là mới trong tuần này khi ĐH Quốc gia Hà Nội gây bất ngờ tuyên bố năm nay không tuyển sinh riêng bằng kỳ thi đánh giá năng lực mà theo kỳ thi THPT quốc gia, thì những trường nào có ý định xét tuyển bằng một kỳ thi riêng phải xem xét lại. Lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã giải thích lý do nhưng những ai có hiểu biết vẫn không khỏi băn khoăn rằng tại sao một kỳ thi mà mới hơn 2 năm trước đây được lãnh đạo ngành giáo dục ngợi khen hết lời và xem như là mô hình để trường khác học hỏi thì nay phải dừng lại? Như vậy sau nhiều năm loanh quanh, tuyển sinh ĐH ở VN vẫn chưa thoát khỏi vòng lẩn quẩn chung - riêng.
Đi vào chi tiết kỹ thuật, sự thay đổi còn chóng mặt hơn. Chỉ mỗi việc được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng cũng mất không biết bao nhiêu tranh cãi. Việc có hay không cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng cũng vậy. Sau khi để thí sinh thoải mái điều chỉnh trong năm 2015 dẫn đến tình trạng “vỡ trận” xét tuyển như báo chí thời điểm đó phản ảnh, năm 2016 Bộ dứt khoát không ai được thay đổi nguyện vọng đăng ký. Nay thì dự thảo lại quy định thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng sau khi thi. Cũng như vậy, trước năm 2015 thí sinh đăng ký xét tuyển trước thi. Qua 2 năm thực hiện đăng ký xét tuyển sau khi thi, nay theo dự thảo, sẽ quay về như trước năm 2015...
Tất nhiên lãnh đạo Bộ GD-ĐT có thể lập luận rằng sự quay trở lại này không hoàn toàn giống như cũ mà đi kèm với những giải pháp...
Chính vì cứ năm nào cũng hết mới rồi trở về cũ mà tuyển sinh thay vì là chuyện bình thường lại trở thành vấn đề được cày xới liên tục trong dư luận. Đó là chưa kể không phải địa phương, giáo viên, học sinh nào cũng bắt kịp với những thay đổi quay như chong chóng thế này. Vậy nên mới có chuyện kỳ thi THPT quốc gia 2016 kết thúc vài tháng mà vẫn có thí sinh là học sinh giỏi quốc gia, vượt điểm trúng tuyển nhưng không được vào học, làm đơn “cầu cứu” gửi Bộ GD-ĐT vì không biết những thay đổi của Bộ trong xét tuyển!
Chắc cũng không nhiều nơi như VN khi còn mấy tháng nữa chuẩn bị tuyển sinh mà lãnh đạo nhiều trường ĐH cho rằng không biết gì để thông báo vì phải còn chờ xem Bộ GD-ĐT có thay đổi gì không!
Bình luận (0)