Hôm nay 19.4, tại Hà Nội, Bộ KH-CN tổ chức lễ hưởng ứng Ngày sáng tạo và đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, từ năm 2017, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 21.4 hằng năm là Ngày sáng tạo và đổi mới sáng tạo thế giới với mục đích nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững. Từ năm 2022, Việt Nam bắt đầu tổ chức các hoạt động để hưởng ứng ngày này.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, từ năm 2017, bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (được gọi tắt là GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố hằng năm đã được Chính phủ sử dụng như một công cụ quan trọng nhằm tham khảo, xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Cũng từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện (tăng từ vị trí 59 năm 2016 lên vị trí 46 năm 2023). Việt Nam luôn duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp và là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc và Trưởng đại diện các tổ chức của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, chia sẻ đổi mới và sáng tạo có tiềm năng thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình nghị sự 2030, thúc đẩy những thay đổi tích cực phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân Việt Nam.
Đổi mới và sáng tạo cũng khơi gợi cảm hứng cho các hành động và giải pháp mới nhằm giải quyết những thách thức quan trọng mới nổi, đặc biệt là thông qua các công nghệ xanh. Những công nghệ này có thể giúp giảm lượng khí thải carbon, tăng cường tính bền vững của môi trường, cải thiện cuộc sống con người và mang lại các cơ hội kinh tế, cải thiện mức thu nhập cho người dân.
Bà Pauline Tamesis cũng đánh giá cao những tham vọng của Việt Nam về tầm nhìn đổi mới, công nghệ và chuyển đổi số. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 xếp Việt Nam ở vị trí thứ 46/132 quốc gia, đứng đầu trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Sự tiến bộ này là trọng tâm để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 và Liên Hiệp Quốc hỗ trợ Việt Nam trên hành trình hướng tới mục tiêu này.
"Chúng ta hãy nhớ rằng, hành trình hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và khát vọng của Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 phụ thuộc vào việc giải phóng tính sáng tạo và đổi mới. Chúng không chỉ là công cụ mà còn là yếu tố cốt lõi sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm sáng tạo và đổi mới của khu vực", bà Pauline Tamesis nói.
Bình luận (0)