"Góp" nhiều hơn "đóng"
Đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) khẳng định: "Tôi ủng hộ Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) rằng cần phải thay đổi cơ chế tài chính, nhưng đọc đề án thì thấy thất vọng". Cái làm ông Trường thất vọng nhất chính là việc đề án này dường như chỉ đề cập đến chuyện tăng học phí mà không đưa ra cơ chế để đảm bảo hiệu quả cho các nguồn đầu tư, nguồn đóng góp quốc dân cho giáo dục. "Tôi thấy buồn cười khi đề án có những quy định như tiền thu học phí phải gửi vào kho bạc và coi đó như biện pháp để sử dụng hiệu quả nguồn lực. Đấy đâu phải là vấn đề mới cần phải đề cập trong đề án. Theo quy định hiện hành thì ngay cả tiền thỏa thuận thu với phụ huynh học sinh cũng phải gửi kho bạc cơ mà", ông Trường bức xúc. Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH, ông Nghiêm Vũ Khải đồng quan điểm: "Trong đề án, phần tăng thu thì rõ nhưng sử dụng hiệu quả thì mờ nhạt".
Ông Bùi Trí Dũng |
|
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại đoàn TP.HCM với tư cách khách mời
|
|
Đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) thắc mắc rằng Bộ GD-ĐT gửi QH rất nhiều tài liệu nhưng hoàn toàn không làm rõ được nếu thực hiện theo đề án này thì tổng thu của ngành giáo dục là bao nhiêu? Bao nhiêu là ngân sách nhà nước và người đi học phải đóng góp bao nhiêu? Bà Dung nói: "Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục là 20% GDP, không phải là nhỏ, thế nhưng đầu tư không rõ ràng dẫn tới việc vẫn phải lấy một phần học phí để trả lương. Nên có chuyện đau lòng rằng, đến tháng giáo viên nói với học sinh rằng các em không đóng học phí thì cô không có lương. Tại sao lại như vậy?". Bà Dung cho rằng đề án này cần phải làm rõ nhiều vấn đề, chẳng hạn như ngân sách chi toàn bộ lương giáo viên, chi đủ, còn lại đóng góp xã hội hóa là để đầu tư cơ sở vật chất: "Bởi trên thực tế hiện nay người học cũng đang phải đóng góp rất nhiều từ bóng đèn, chổi quét lớp, điều hòa...".
Ông Nghiêm Vũ Khải nêu câu hỏi, cũng là câu hỏi của rất nhiều đại biểu QH khác: "Đề án đặt vấn đề tăng thu như vậy đã là trọn gói chưa? phụ huynh có phải nộp thêm khoản gì nữa không? Bởi vì trên thực tế hiện nay, đặc biệt ở các thành phố lớn "góp" nhiều hơn là "đóng"”.
“Tôi rất buồn là trong báo cáo của Bộ GD-ĐT nói rằng, Bộ không có điều kiện đánh giá hiệu quả đầu tư cho giáo dục. Vậy thì ai có đủ điều kiện? Tôi cảm thấy đề án này chỉ tập trung vào việc nâng cao thu nhập của giáo viên, liệu có đúng như thế hay không? Theo tôi nếu chỉ để nâng cao thu nhập của giáo viên thì chất lượng dạy và học chưa thể cải thiện được. Trong khi vấn đề chất lượng giáo dục cần đánh giá tổng thể, mà tài chính chỉ là một nội dung”. Đại biểu Phạm Thị Loan |
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) dẫn chứng rằng ngoài đầu tư của ngân sách, chi phí quốc dân (gồm các khoản đóng góp xã hội) cho giáo dục là rất lớn. Tuy vậy, cái mà người ta kỳ vọng ở Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục để sử dụng hiệu quả tất cả các nguồn lực ấy thì không có.
Ông Xuân nói: "Khó khăn về học phí xảy ra chủ yếu đối với phụ huynh học sinh ở vùng sâu, vùng xa, các hộ nghèo. Còn ở thành thị, học phí trường công mấy chục nghìn đồng/tháng không là gì so với các khoản: học thêm, học môn năng khiếu, sách giáo khoa, sách tham khảo, bảo hiểm, quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp, quà cáp, chạy trường, tiền nội trú, tiền giữ xe... Thậm chí cả tiền công... cho cháu ăn sáng! Còn với các trường đại học, thu nhập của nhà trường, ngoài học phí, còn có rất nhiều thứ chưa được hạch toán vào ngân sách giáo dục như: bán giáo trình, cho thuê mặt bằng làm dịch vụ, mở các trung tâm tin học, ngoại ngữ, dạy tại chức, đấu thầu căn-tin, bãi giữ xe... và cả tiền học và thi lại".
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (Hà Nam) kể: "Tôi đã nói chuyện với Bộ trưởng GD-ĐT rằng cần xem lại việc tăng học phí cấp đại học vì tôi thấy giảng viên đại học thu nhập đã rất cao rồi. Đồng chí Bộ trưởng nói với tôi rằng, cao là do đào tạo tại chức", và đặt vấn đề: "Sao lại kỳ vậy? Tại chức cũng là đào tạo, sử dụng giáo viên của mình, cơ sở vật chất của mình nhưng kinh phí đóng góp lại không được hạch toán mà lại chi hết cho lương giáo viên là sao?". Còn ông Lê Việt Trường nói thẳng: "Tổng kết cho thấy giáo dục là lĩnh vực sử dụng vốn trái phiếu yếu nhất, có tiền nhưng không chi được, năm nào cũng không hoàn thành kế hoạch chi. Như vậy đòi tăng thu làm gì?".
Nhiều đại biểu cũng đề nghị trước khi tăng học phí, ngành GD-ĐT nên xem xét lại việc chi tiêu của mình. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) không hài lòng khi trong điều kiện còn hạn hẹp nhưng ngành giáo dục lại chi rất nhiều tiền cho các đề án và hiệu quả của các đề án này rất thấp.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Đề án mới chỉ nói đến việc thu học phí
Học phí được coi là giá cả của giáo dục. Thế mà trong khi đời sống khó khăn, chúng ta phê phán giá cả leo thang mà giáo dục cũng "tăng giá" hằng năm từ nay đến 2014 thế này thì khó thuyết phục lắm. Đây là điều mà các đồng chí ở Bộ GD-ĐT cần phải nghiên cứu thêm, để đưa ra một đánh giá chính xác. Tôi thấy trong tờ trình các đồng chí nói về 8 vấn đề mà "ngành giáo dục phải đối mặt" rất là hay nhưng thực chất đề án lại chỉ đề cập đến việc tăng học phí mà chưa nói gì đến đổi mới cơ chế tài chính. Các đồng chí nói Nhà nước khuyến khích cái này, tăng cường cái kia, hỗ trợ thế này, đó không phải là cơ chế. Nếu như thế này thì chỉ nên trình để QH thông qua một vấn đề học phí thôi chứ không nên đặt vấn đề đổi mới cơ chế gì cả. Tôi buồn vì tôi ở trong ngành giáo dục, mà lại nghe những điều buồn của ngành giáo dục. Tôi được kiểm toán nói về việc trang thiết bị do Bộ trang bị cho các nhà trường thì đắp chiếu nằm đấy, vì không có phòng để đặt, không có người để sử dụng. Trong khi vẫn xin kinh phí mua sắm. Lãng phí một khoản tiền vô cùng lớn của ngân sách. Quản lý ngân sách, quản lý học phí và các khoản đóng góp của học sinh như thế, thì chúng ta phải xem lại cách giảng dạy, trang bị như thế nào. An Nguyên (ghi) |
An Nguyên - Xuân Toàn - L.Q.P
Bình luận (0)