Quá tập trung vào những thay đổi trong thi cử, nên dường như mọi người lơ là với những điều cốt lõi làm nên giá trị của giáo dục. Đổi mới trong thi cử, đánh giá kết quả học tập là cần thiết vì nó có thể làm cơ sở thúc đẩy các quá trình khác như giảng dạy, học tập… thay đổi đồng bộ.
Từ đó hy vọng làm biến chuyển chất lượng giáo dục. Tuy vậy, chọn đổi mới thi cử, suy cho cùng, chỉ là giải pháp tạm thời, không phải là cái gốc để có thể làm thay đổi bền vững, căn cơ.
Trong việc tuyển sinh vào các trường ĐH, nhiều người khẳng định quan trọng là chất lượng đầu ra. Cứ để các trường mở rộng đầu vào, siết chặt đầu ra thì sẽ có chất lượng. Các nước khác đều làm được, sao mình không làm được?
Vẫn có nhiều điều các nước khác làm được nhưng ta thì chưa bởi suy cho cùng họ đàng hoàng, minh bạch, đâu ra đó. Còn ta thì chưa. Chất lượng thật sự liệu có đảm bảo khi giờ đây từ hệ đào tạo chính quy đến ngoài chính quy, từ cao đẳng đến sau đại học, từ trường công đến trường tư đều thiếu độ tin cậy. Làm thế nào để sau những giờ dạy, nhiều giảng viên không tự hỏi sẽ phải tiếp tục như vậy đến bao giờ? Dạy như thế để làm gì? Có an tâm với chất lượng khi chỉ một việc đăng ký tín chỉ mà sinh viên phải vật vạ ngày đêm, ăn ngủ một chỗ, không dám rời máy tính mới có thể đăng ký được?
Học sinh có nên người khi thấy việc giở tài liệu trong giờ kiểm tra đã là chuyện phổ biến mà nhiều giáo viên cố tình làm ngơ. Phụ huynh và học sinh có lựa chọn nào hơn cho con đi học thêm chính giáo viên đang dạy nếu không muốn gặp trở ngại trong học tập. Học sinh sẽ học được gì khi thấy những lời rao giảng trong sân trường, trên lớp học không hoàn toàn đúng với những gì người nói thực hiện hằng ngày.
Có một điều phải ghi nhận là phần lớn những trẻ mẫu giáo, học sinh lớp nhỏ được giáo dục để có ý thức khá tốt. Chúng biết phải chấp hành luật lệ giao thông khi đi trên đường; biết không nên có hành vi xấu nơi công cộng như giẫm đạp lên cỏ, hái hoa, làm ồn, xả rác bừa bãi...; biết trung thực với mọi người; biết khi nào nói lời cảm ơn, xin lỗi… Nhưng điều đáng lo ngại, càng lên cấp học trên, học sinh càng có khuynh hướng không duy trì được những điều này. Chất lượng giáo dục cũng nên nhìn ở góc độ này.
Chọn đổi mới thi cử trước có thể vì đây là chuyện dễ làm, dễ thấy. Có một hy vọng nhỏ rằng đây sẽ tạo đà cho những quyết tâm thay đổi quan trọng hơn trong giáo dục, để trong tương lai, người trẻ hôm nay không nhìn thế hệ mai sau mà cảm thán vì những giá trị cần có của một con người đã vượt ngưỡng rồi!
Bình luận (0)