Đã có rất nhiều cuộc trao đổi, họp bàn nhằm mong muốn chương trình - sách giáo khoa sau năm 2015 phải thật sự đổi mới, có ý nghĩa thiết thực đối với người học. Thế nhưng những ý kiến đóng góp này sẽ không có giá trị gì nếu quan điểm và cách thức tổ chức, thực hiện sách giáo khoa không thay đổi.
Thời gian qua, chúng ta thấy có vô số trường hợp sai sót trong sách giáo khoa (SGK) dẫn đến việc lần tái bản nào cũng phải đính chính. Dư luận cũng không ít lần đưa ra những trường hợp “không hiểu nổi” về những kiến thức đó vừa hàn lâm, xa lạ vừa không có giá trị gì đối với lứa tuổi học sinh khiến cả người dạy và học đều khổ sở. Đây chính là hậu quả của quá trình thực hiện SGK như thời gian qua.
Một chuyên gia biên soạn SGK cho Thanh Niên biết là phần lớn những người viết SGK hiện nay đều làm nghề “tay trái”. Họ là những nhà nghiên cứu sâu về một chuyên môn nào đó chứ không giảng dạy bậc phổ thông. Thậm chí, có người chưa từng giảng dạy ngành sư phạm. Vì thế không ngạc nhiên khi nội dung SGK quá chuyên môn, cao siêu, xa rời thực tế. Đó là lý do mà có lần PGS Văn Như Cương khẳng định 30% kiến thức toán (phổ thông) là vô bổ nếu học sinh không theo chuyên ngành toán! Đó là chưa kể quy trình viết SGK như vừa qua đang theo một quy trình ngược, chưa thông qua chương trình chính thức thì đã biên soạn xong SGK. Cũng theo các chuyên gia, sách sau khi viết xong có trải qua quá trình thực nghiệm nhưng lại không có hội đồng đánh giá nên hay có sai sót.
Trong khi đó, một chuyên gia kể rằng ở Brisbane (thủ phủ bang Queensland, Úc), khi làm SGK, Bộ Giáo dục bang gửi thông báo giới thiệu đến những người có thể tham gia xây dựng chương trình các môn học. Đó thường là những người có uy tín trong lĩnh vực giáo dục và hiệu trưởng các trường phổ thông. Các chuyên gia sau khi đã được lựa chọn bắt tay vào biên soạn chương trình học. Chương trình này sẽ được lấy ý kiến từ người học đến phụ huynh, giáo viên và cộng đồng. Sau khi nhận được các ý kiến phản hồi, các chuyên gia xây dựng một chương trình để bộ phê duyệt.
Với nhiều nước, SGK chỉ là một trong những tài liệu tham khảo để giảng dạy nên không nhất thiết mọi thứ phải để trong SGK. Vì vậy, chương trình -SGK của họ hết sức cơ bản và nhẹ nhàng. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên được quyền quyết định chuyển tải bao nhiêu phần nội dung trong SGK miễn đúng quy định. Từ chương trình đã có, giáo viên bộ môn phải cùng nhau xây dựng các bài giảng và bài giảng này phải được những người có trách nhiệm về giáo dục của các hạt (một cấp dưới bang) phê duyệt. Trên cơ sở chương trình được phê duyệt, Bộ Giáo dục ở những nước này thường khuyến khích các tác giả, nhà xuất bản biên soạn nhiều SGK để nhà trường và học sinh có thể lựa chọn một SGK tốt nhất.
Vấn đề với chúng ta hiện nay là nhiều khoa của các trường sư phạm vẫn chưa đưa môn xây dựng chương trình học vào đào tạo giáo viên. Đây thật sự là một khó khăn nếu muốn đổi mới việc xây dựng chương trình - SGK. Năm 2015 ở ngay trước mắt mà mọi thứ nền tảng chuẩn bị cho sự đổi mới này còn quá ngổn ngang. Mà nếu bỏ qua mốc thời gian này, bao giờ sẽ thay đổi? Vậy là, vẫn còn rất nhiều âu lo về một chương trình - SGK sắp thay đổi.
Thùy Ngân
Bình luận (0)