Phiên họp đáng ra phải kéo dài vài tiếng đồng hồ như thông lệ, đã chỉ diễn ra trong 10 phút, bởi các địa phương, các thành viên Chính phủ đã được gửi tài liệu để góp ý trước đó. 4/6 thành viên Chính phủ vắng mặt do đi công tác vẫn có thể bỏ phiếu cho ý kiến online (trừ 2 người đang ở trên máy bay).
tin liên quan
Chính phủ họp phiên đầu tiên qua hệ thống e-cabinetCuộc ra mắt đã đủ gây ấn tượng. Chính phủ cũng có một mục tiêu rất rõ ràng với e-cabinet - đến cuối 2019 sẽ họp không giấy tờ (100% là văn bản điện tử, trừ văn bản mật) và giảm 30% số cuộc họp. Các cụm từ định tính kiểu “phấn đấu”, “đẩy mạnh”, “tăng cường” đã được thay bằng các con số rất tường minh.
Để triển khai hệ thống này, không có gì khó khăn về kỹ thuật (loài người đã bay vào vũ trụ từ thế kỷ trước rồi). Vấn đề vẫn quay lại chỗ muôn thuở là con người. Hệ thống điện tử có thể chuyển các thông tin, văn bản điện tử đến các thành viên Chính phủ, các cơ quan liên quan… chỉ trong phút mốt, nhưng bản thân hệ thống ấy không quản trị nhà nước được. Vẫn cần phải có người đọc văn bản, suy nghĩ về nó và đưa ra quyết định.
Thế nên, để e-cabinet vận hành hiệu quả, đội ngũ cán bộ sẽ phải thay đổi thói quen làm việc một cách thực sự. Văn bản điện tử sẽ chẳng có ích gì nếu đến lúc triệu tập họp mới được mang ra đọc quáng quàng và góp ý khi còn chưa hiểu hết.
Không phải chúng ta chưa được chứng kiến những tiền lệ chưa tốt của việc này. Đơn cử, Quốc hội đã áp dụng việc gửi văn bản điện tử từ lâu, quy định rõ ràng tài liệu phải được gửi đến đại biểu 20 ngày trước kỳ họp, nhưng rất nhiều trường hợp đêm trước phiên thảo luận, tài liệu mới được gửi đến. Rất nhiều đại biểu đến hội trường họp trong trạng thái chưa đọc một chữ tài liệu nào.
Đó là chưa kể việc tài liệu gửi đến sớm, nhưng người nhận có đọc không.
Cuối cùng, phương tiện vẫn chỉ là phương tiện, dù hiện đại đến đâu. Thế giới tuy đã nói nhiều đến trí tuệ nhân tạo, những cỗ máy siêu việt có thể đưa ra quyết định chính xác hơn con người rất nhiều, nhưng tại thời điểm này, vẫn là con người mang yếu tố quyết định.
Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng nhấn mạnh đến việc mỗi cán bộ phải thay đổi chính mình, dù thay đổi bao giờ cũng khó.
Tiết kiệm chi phí và thời gian họp hành nhờ e-cabinet chỉ là tác động trước mắt. Cái lâu dài và có ý nghĩa hơn là tăng tính minh bạch và hiệu quả cho các hoạt động của Chính phủ.
Điều quan trọng hơn nữa, là sẽ rất thiếu thuyết phục nếu Chính phủ luôn nêu cao phát triển kinh tế số, về cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng vẫn làm việc theo cách của thế kỷ trước. Bản thân công nghệ không phải là thứ đưa loài người đến văn minh, mà chính là ở chỗ công nghệ bắt con người phải thay đổi.
Bình luận (0)