Ông Phước đang giăng lưới trên sông Hậu - Ảnh Hồng Ánh |
Không sợ sóng dữ
Những ngày này, dòng sông Hậu đỏ ngầu phù sa báo hiệu một mùa lũ nữa sắp về. Đây là thời điểm giao thoa giữa 2 con nước, cũng là lúc cá lớn từ thượng nguồn đổ về nên ngư dân tranh thủ đánh bắt. Nhìn dòng sông sâu, ông Phước nói: “Hổm rày trời đã trở gió Nam nên sông thường xuất hiện sóng dữ. Nhưng đây lại chính là thời điểm làm ăn trúng nhất của ngư dân vì cá lớn ở những khúc sông sâu dạt về hạ nguồn. Còn chuyện sóng to, gió lớn, chúng tôi cả đời đối mặt với nó nên quen rồi, không còn sợ nữa”.
Đầu mùa nước đổ về đến nay, ngày nào ông Phước cũng giăng lưới dính nhiều cá to có giá trị kinh tế cao như sửu, ngát, leo, cóc, kết. Đặc biệt, có hôm ông bắt được cá sửu nặng gần 8 kg; cá kết, cá leo nặng hơn 2 kg. Mỗi lần đem những con cá to lên bờ ai cũng trầm trồ trước cái tài giăng lưới của ông Phước. Ông Phước cho biết: “Hổm rày tôi liên tục dính cá sửu nặng từ 6 - 7 kg. Khi bắt được cá đem lên bờ là có khách đến mua nguyên con”.
Từng bắt cá hô “khủng”
|
Nhắc lại ngày đầu theo nghề hạ bạc, mắt ông Phước sáng lên rồi ông nói đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời. Ông Phước kể: “Buổi trưa hôm đó, con nước “rúng ròng”, tôi mang 2 tay lưới dài khoảng 300 m bơi xuồng ra sông bủa lưới. Rê giàn lưới về hạ nguồn khoảng 200 m thì lưới giật mạnh, một luồng hơi ục dài, biết là dính cá lớn, tôi liền phăng lưới lên. Khi phăng được khoảng 100 m lưới thì bất ngờ con cá hô nổi lên và vọt mạnh làm tôi chới với. Tôi nắm chặt lưới nên con cá kéo chiếc xuồng chạy một đoạn trên sông. Sau một hồi “vật lộn”, tôi đã tóm gọn và đưa con cá khủng vào bờ”. Hay tin ông Phước bắt được “thủy quái”, bà con đến xem rất đông. Một số người nhảy xuống sông cưỡi trên lưng con cá mà không hề hấn gì. Khi khiêng lên cân, con cá nặng đến 145 kg. Cũng từ cái ngày bắt dính cá hô to đến nay thì hầu như chưa lần nào ông Phước giăng dính thêm con cá hô “khủng” mà thỉnh thoảng chỉ bắt được vài con nặng từ 30 - 40 kg.
Giăng câu, thả lưới quanh năm trên sông nên ông Phước hiểu rất rõ chỗ sâu, chỗ cạn. Chỉ tay về khúc sông từ thị trấn Cái Dầu đến bến phà Năng Gù, ông Phước quả quyết: “Đoạn sông này có nhiều nơi uốn khúc và chảy xiết. Đặc biệt, từ bến đò Cái Dầu đổ xuống có một bùng binh rất rộng, dưới đáy sông có một lòng chảo rộng khoảng 2.000 m2, sâu trên 30 m, cá lớn trú ẩn nhiều, thậm chí có cá hô to hơn trăm ký”.
“Khoảng 2 tháng trước, gió Nam thổi mạnh, dòng sông xuất hiện nhiều sóng to phía dưới bến đò Cái Dầu, những người đi ghe thấy con cá hô khoảng hơn 100 kg phóng lên khỏi mặt nước. Mấy bữa rày, nước đổ nên không thấy loài cá “khủng” này xuất hiện nữa. Điều này cũng bình thường, khoảng 20 năm trước ở khúc sông Hậu có rất nhiều cá hô trú ngụ, vào những đêm sáng trăng chúng nhào ầm ầm như quái vật”, ông Phước kể.
Theo ông Phước, nghề giăng câu, thả lưới ai cũng có “bí quyết” riêng. Còn những đúc kết từ ông bà truyền lại theo ông Phước thì khi thấy nước “hừng lớn” hay nước “rúng ròng” đem lưới ra thả sẽ dính nhiều cá, vì đây là thời điểm cá to trú ẩn dưới đáy sông ngoi lên mặt nước ngớp. Cũng nhờ làm theo quy luật này mà mỗi lần thả lưới, ông Phước đều dính nhiều loại cá to. Nghề giăng câu, lưới trên sông là nghề hạ bạc, tuy nhiên cũng nhờ nghề này mà nhiều người có việc làm quanh năm. Có nhiều gia đình đã ba đời làm “ngư phủ” trên sông.
Hồng Ánh
Bình luận (0)