Thông báo trên được công bố vào thời điểm khởi đầu hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của 18 thành viên thuộc Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương, AFP đưa tin.
Theo đó, ông Biden tuyên bố chính quyền Washington công nhận quần đảo Cook và Niue là hai nhà nước "có chủ quyền và độc lập" và Mỹ sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với hai đảo quốc này.
Chủ nhân Nhà Trắng khẳng định đây là động thái cho phép duy trì "một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Tổng thống Mỹ nói thỏa thuận công nhận hai đảo quốc trên cũng mang đến sự hỗ trợ của Mỹ trong nỗ lực ứng phó nạn đánh cá phi pháp, biến đổi khí hậu và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Quần đảo Cook và Niue đều là nền dân chủ nghị viện tự trị trong liên minh tự do với New Zealand. Dù có dân số gộp chưa đầy 20.000 người, cả quần đảo Cook và Niue đều sở hữu vùng đặc quyền kinh tế bao phủ một khu vực rộng lớn ở Nam Thái Bình Dương.
Chẳng hạn, quần đảo Cook sở hữu vùng đặc quyền kinh tế bao phủ đến 1,8 triệu km² đại dương.
Tầm quan trọng của các đảo quốc Thái Bình Dương gần đây đã được công nhận trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại khu vực.
Trong đó, Trung Quốc đẩy mạnh dấu ấn về kinh tế, chính trị lẫn quân sự tại vùng biển chiến lược này.
Diễn ra trong hai ngày 25-26.9, hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương đánh dấu lần thứ hai ông Biden mời các nhà lãnh đạo ở Nam Thái Bình Dương đến Nhà Trắng, theo sau lần đầu tiên vào tháng 9.2022.
Nhà Trắng cho biết hầu hết các thành viên của diễn đàn đều cử lãnh đạo hoặc ngoại trưởng tới hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, AFP ghi nhận sự vắng mặt của ông Manasseh Sogavare, Thủ tướng quần đảo Solomon vốn có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh trong thời gian gần đây.
Còn theo Reuters, Thủ tướng Vanuatu Sato Kilman cũng không tham dự hội nghị. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Vanuatu.
Bình luận (0)