Chân dung “phó nháy”
Để trở thành một thợ chụp hình dạo không hề đơn giản. Điều kiện cần là phải có một khoản tiền tròm trèm 3 triệu đồng để mua máy ảnh cơ, đầu tư cho nghề nghiệp. Máy cơ có thể chụp được tấm ảnh theo ý muốn, khẳng định tay nghề của người thợ ảnh về bố cục, ánh sáng, khẩu độ... (ưa chuộng nhất là các hiệu máy Nikon, Canon, Minolta...). Máy kỹ thuật số hay tự động không thể hành nghề vì không đáp ứng được yêu cầu trên. Trong đó, chi phí cho ống kính khoảng 1 triệu đồng. Hai phần ba số vốn còn lại chia cho body (thân máy), vài cuộn phim dự phòng, gương, lược (để khách “tút” lại dung nhan), rọi sẵn vài tấm hình mẫu giới thiệu... Quan trọng nhất và được coi là điều kiện đủ là bắt buộc phó nháy phải biết... chụp hình. Có thể tự học từ người thân trong gia đình hay tham gia các khóa học ngắn hạn (học phí chừng vài trăm ngàn đồng/khóa). Cuối cùng, đóng giày Tây, sơ mi, chọn một địa bàn "đóng đô". Thêm chiếc nón lưỡi trai hay nón rộng vành với phó nháy nữ cho thêm phần "style" (phong cách). Nơi hành nghề phải có phong cảnh đẹp, mát mẻ và đông người. Tốt nhất nên chọn các công viên, khu di tích, lăng chùa cổ kính... vì những nơi này có nhiều khách thập phương từ xa đến, nhu cầu chụp hình lưu niệm cao. Nên nhớ, tuyệt đối không vào "vườn có chủ" vì lý do cạnh tranh, những rắc rối có thể dẫn đến "bươu đầu mẻ trán".
Trong thời buổi "người khôn của khó", việc thuyết phục những thượng đế khó tính cũng là một đòi hỏi gắt gao để tồn tại với nghề. Thông thường khi đến một khu di tích, công viên, lăng chùa... dù có nổi tiếng thì sự xa lạ với du khách là điều không thể tránh khỏi. Nhiều phó nháy coi việc tìm hiểu lịch sử trên địa bàn hành nghề như một yêu cầu bắt buộc. Chị Dung chụp hình dạo ở Công viên 23/9, sau nhiều lần mời mọc một tốp 5 người vẫn chưa "nháy" được tấm nào. Định bỏ cuộc "tìm mối khác" bỗng một người thắc mắc: Vì sao công viên có tên 23/9 ? Lật lại quá khứ của công viên này, chị đưa những người khách lạ kia đến với tên của người nữ anh hùng Quách Thị Trang, rồi những ngày tháng nhân dân Nam Bộ kháng chiến. Kết quả, cuộn phim lắp khi sáng cũng nháy được 12 lần.
Gian truân với nghề
Theo ông Huỳnh Tấn Sỹ, một thợ hình ở Công viên 23/9, nghề này đã có ở Sài Gòn trên dưới 80 năm. Một thời nó là nghề ăn nên làm ra, có danh phận và thu hút nhiều người. Ngày ấy, muốn trở thành một "phó nháy"
Ông Huỳnh Tấn Sỹ |
Anh P. học ở gia đình có truyền thống nghề chụp hình từ trước giải phóng. Ngày ấy, chỉ với những cuộn phim trắng đen, quanh quẩn trong Thảo Cầm Viên anh cũng dễ dàng nuôi tổ ấm của mình. Thấy ăn nên làm ra, P. truyền nghề cho vợ. Chị bỏ buôn bán theo chồng chụp hình, từ ngày đứa con gái đầu chỉ ba tuổi, đến nay cháu ngoại của chị đã qua thôi nôi được 2 năm. Vậy mà hiện tại, dù hai vợ chồng anh chị "không hề biết đến giấc ngủ trưa" cũng chẳng dư dật gì ! Anh xin vào Công viên Đầm Sen chụp ăn theo sản phẩm 1.500 đồng cho mỗi tấm hình. Theo sự chỉ dẫn của anh P., không khó khăn lắm chúng tôi gặp chị T. vợ anh, một phó nháy "kỳ cựu" ở khu vực chùa Vĩnh Nghiêm. Quan sát chị từ xa và nhẩm đếm thời gian, hơn 5 giờ đồng hồ trôi qua chị vẫn chưa chụp được tấm nào, dù hôm nay lượng khách tham quan chùa khá đông.
Gặp chị K., chụp hình đã hơn 20 năm ở chùa Vĩnh Nghiêm. Bước qua tuổi 45 chị vẫn chưa chồng. Ngày ông thân sinh chị qua đời, tài sản thừa kế duy nhất là chiếc máy Canon cũ sờn từng mảng da và cái nghề "lưu giữ kỷ niệm cho thiên hạ". Còn bản thân mình, chị lưu giữ những tiếng nấc giữa đêm với phòng không gối chiếc. Biết tôi có ý định thực hiện bài viết này, giọng chị buồn buồn đầy mặc cảm: "Có chiếc máy hình này làm bầu bạn thôi. Đừng nêu tên trên báo nghen! Ai đọc được tội nghiệp tui"...
Kiếm tiền với bất cứ nghề nào lương thiện cũng đã khó khăn. Với nghề chụp ảnh này còn "chua" hơn gấp bội. Người dễ chịu không nói, khách khó tính chê bai đủ điều khi tấm ảnh không theo ý muốn (phải trả lại tiền coi như đi tong tấm phim), chụp với số lượng nhiều không tránh khỏi những cuộc mặc cả "cò kè bớt một thêm hai". Hơn nữa, nhiều phó nháy còn phải cố phục vụ những yêu cầu quái gở của "thượng đế". Chị Dung kể, có lần một đôi trai gái hôn nhau bảo chị chụp ở cự ly gần cho thấy... "hai đôi môi nồng cháy", dù rất khó chịu nhưng chị cũng phải mở mắt lấy ánh sáng. Chuyện của anh Đ. còn rùng rợn hơn, hôm đó anh nhận show chụp đám tang. Ảnh là một xác chết tai nạn giao thông, gia đình muốn có hình gương mặt để lưu giữ buộc anh phải "nghía" cái xác thật lâu tìm góc ảnh... Đó là chưa kể những sự cố nghề nghiệp dường như lúc nào cũng có: máy hỏng lắp phim không ăn, bấm cả ngày không được tấm nào. Tiền phải trả lại, khách chửi là chuyện thường tình...
Và ước mơ...
Thời đại lên ngôi của các phương tiện kỹ thuật hiện đại, việc bỏ khoảng vài trăm ngàn, hay vài trăm USD để mua một máy ảnh kỹ thuật số quá dễ dàng. Chụp xong coi hình ngay, hơn nữa không cần phải tốn phim, thao tác đơn giản... khách du lịch chủ động hơn là việc có anh thợ chụp hình kè kè. Thêm vào đó, các studio chen vai thích cánh mọc lên như nấm càng đẩy người thợ hình sa vào ế ẩm.
Dạo một vòng các công viên, khu di tích trong thành phố mới thấy "phiên chợ chiều" của đời ảnh dạo. Ở mỗi nơi như thế chỉ lèo tèo vài người. Lâu lâu mới kiếm được mối đám tiệc chụp vài cuộn phim. Trong khi đó thời gian ế ẩm bù trừ lại quá dài. Hầu hết họ đều không bám trụ nổi với nghề, có người nghỉ hẳn kiếm kế khác mưu sinh. Người may mắn xin vào làm thợ ảnh cho các studio kiếm vài trăm ngàn lương một tháng đắp đổi qua ngày. Dù chỉ là nghiệp dư nhưng ở họ vẫn canh cánh tình yêu với nghề nhiếp ảnh. Phần lớn trong số họ đều mong muốn mở được một minilab để mưu sinh và sống vui với niềm đam mê có chút "nghệ sĩ" của mình. Nhưng ước mơ đó có giá đến 100 triệu đồng là ít, xa gấp nhiều lần khoảng ngắm tele...
Đêm. Những người khách cuối cùng rồi cũng rời khu vui chơi. Người ta kéo nhau về, nói cười vui vẻ, không quên hỏi nhau về số phim đã chụp. Trong số đó có những cuộn phim ngậm ngùi bởi chưa một lần được bấm máy trong ngày...
Thanh Văn - Đông Dương
Bình luận (0)