Trước đây, xe ôm ở núi Cấm chỉ có các loại đặc chủng như Bridgestone, Honda 67, Cup 78, Suzuki... nhưng giờ có cả những chiếc Exciter, Wave, Win... mới toanh để đưa đón khách.
Như đang chơi trò cảm giác mạnh
Chị Nguyễn Thu Hương (39 tuổi, ngụ xã Tân Lợi, H.Tịnh Biên, An Giang) cho biết, ở núi Cấm có khoảng 100 phụ nữ hành nghề xe ôm như chị. Trước đây chị làm nghề chụp hình dạo, nhưng do khách ngày càng giảm, thu nhập bấp bênh nên chị chuyển sang chạy xe ôm.
Để hành nghề này, chị đầu tư hơn 20 triệu đồng mua chiếc xe gắn máy, sau đó đem xe “độ” lại để có thể vượt núi. “Xe chạy khoảng 1 - 2 năm thì phải làm máy lại 1 lần. Riêng vỏ xe, dây thắng phải được thay hằng tháng, nhớt xe 10 ngày thay một lần, nhông - sên - dĩa phải kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn cho khách và người lái xe”, chị Hương chia sẻ.
|
Theo chị Hương, lúc trước đi đường lên núi gồ ghề, gập ghềnh, ngổn ngang sỏi đá, phải khiêng xe lên hơn nửa đường mới có thể chạy lên để đưa, rước khách. Người ngồi sau xe lúc nào cũng hồi hộp, tim muốn “nhảy” ra ngoài. Còn bây giờ, hầu hết đường được đổ bê tông, tráng nhựa nên dễ đi, chỉ trừ lúc đổ dốc là khá nguy hiểm.
Chia sẻ kinh nghiệm chở khách, chị Hương nói: “Khi xe lên dốc thì kêu người ngồi sau ôm người lái. Còn khi xuống dốc phải vịn thật chắc cảng xe phía sau. Do chở khách lên núi khó hơn ở đồng bằng rất nhiều nên mỗi khi lên, xuống dốc tôi đều nhắc khách ngồi cho đúng tư thế, bởi vì chỉ cần sơ suất nhỏ cũng rất nguy hiểm”.
|
Để trải nghiệm cảm giác lên “tiên cảnh” bằng xe ôm, tôi xin chị Hương cho theo sau. Chị vui vẻ nhận lời, đưa nón bảo hiểm cho tôi đội và không quên nhắc những quy tắc “vàng” để ngồi xe an toàn. Chị Hương đạp số lạch cạch, tay rồ ga, tiếng máy xe gầm gú chát chúa khiến tôi muốn “dựng tóc gáy”. Đến được nửa đường núi, dưới là vực thẳm sâu hun hút, phía trên là vách núi sừng sững, chưa qua được đoạn dốc thì lại gặp khúc cua rất “gắt” trước mặt, trong tiếng gió hòa lẫn tiếng động cơ xe lần lượt vượt qua như đang chơi một trò chơi cảm giác mạnh. Khi chiếc xe đến nơi tôi vẫn chưa hết hồi hộp.
'Không được phép sai lầm'
Theo chị Hương, trước khi theo nghề chạy xe ôm đường núi, chị phải học hỏi kinh nghiệm rất nhiều. Ngoài đoạn đường khá dễ khi lên chùa Phật lớn thì những nơi tham quan khác như điện Bồ Hong, điện Cửu Huyền, điện Cửu Phẩm, Cao Đài tự... đường đều nhỏ hẹp, dốc cao dựng đứng kéo dài, lởm chởm đất đá nên phải tập trước mới dám chạy chở khách. Việc tập chủ yếu là nắm địa hình để điều khiển xe thật chắc chắn.
“Không chỉ chở khách mà còn đang đánh cược mạng sống của mình nên tôi luôn đề cao sự an toàn, tập trung cao độ khi lái xe, tuyệt đối không cho mình mắc phải sai lầm nào dù nhỏ nhất. Do đường gồ ghề, nhiều dốc, cua lắc léo nên khi chạy phải có nhiều kỹ thuật như đối với đoạn dốc đó thì mình phải vô số mấy hoặc khúc cua đó mình phải chạy thế nào… mới an toàn”, chị Hương chia sẻ.
|
Một số phụ nữ xe ôm tại đây cho biết do không vốn, không ruộng đất, không nghề nghiệp nên chỉ biết chạy xe ôm kiếm sống. Bà Lê Thị Mộng (48 tuổi, ngụ xã Tân Lợi, H.Tịnh Biên), người có thâm niên hơn 10 năm trong nghề, bộc bạch: “Lúc trước tôi làm thuê, chồng chạy xe ôm nhưng cuộc sống cứ thiếu trước, hụt sau. Để có tiền nuôi 2 đứa con ăn học, tôi quyết định nghỉ làm thuê, theo chồng chạy xe ôm”.
|
Theo bà Mộng, lúc đầu có rất ít khách chịu đi xe do những người phụ nữ chở vì cho rằng phụ nữ “chân yếu tay mềm”. Dần dần cũng có nhiều khách đòi nữ chở vì chạy cẩn thận hơn.
“Nghề xe ôm chủ yếu “lấy ngày đông nuôi ngày vắng”. Mỗi ngày, một người chở khoảng 1 - 2 lượt khách. Thời điểm “bội thu” là những dịp lễ, tết, có thể kiếm 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Ngoài những ngày đó thì khách chỉ lai rai, có khi chỉ chạy được duy nhất 1 cuốc xe”, bà Mộng nói thêm.
Bình luận (0)