Đội RMIFConquerors của Trường ĐH RMIT Việt Nam gồm sinh viên Hồ Nguyễn Vân Anh, Lê Nguyễn Phương Vy (ngành truyền thông chuyên nghiệp) và Vũ Quang Vinh (ngành marketing kỹ thuật số).
Sân chơi độc đáo và phù hợp xu hướng
Sau 4 tháng tranh tài gay cấn trong cuộc thi khởi nghiệp từ ý tưởng sáng tạo của sinh viên L'Oréal Brandstorm 2023 Việt Nam, đội RMIFConquerors giành chiến thắng ở vòng chung kết hôm 5.4.
Ý tưởng khởi nghiệp "Also Artist" của các sinh viên Trường ĐH RMIT Việt Nam xuất sắc vượt qua 7 đội thi trong vòng chung kết từ Trường ĐH Tài chính-Marketing, Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM), Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Ngoại thương ( cơ sở Hà Nội), Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
"Also Artist" là công nghệ giúp lưu giữ bản quyền tác phẩm của các nghệ sĩ trang điểm bằng cách chuyển đổi từng tác phẩm cụ thể thành NFT (tài sản số không thể thay thế). Trong 4 năm L'Oréal Brandstorm được tổ chức ở Việt Nam, Trường ĐH RMIT Việt Nam có hai đội sinh viên đăng quang trong cuộc thi tại Việt Nam.
Hôm nay (2.5), đội RMIFConquerors của Trường ĐH RMIT Việt Nam tham gia vòng thi quốc tế L'Oréal Brandstorm 2023 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Nếu giành chiến thắng thì đội RMIFConquerors sẽ có cơ hội ở lại Pháp trong 3 tháng để thực hiện ý tưởng sáng tạo của mình dưới sự hướng dẫn của các quản lý cấp cao từ Tập đoàn L'Oréal.
Chủ đề của L'Oréal Brandstorm năm nay tập trung vào ý tưởng sử dụng sức mạnh công nghệ để "mở khóa những quy tắc mới nhằm hướng đến cái đẹp". Những người tham gia được khuyến khích sử dụng các công cụ như công nghệ tương tác thực tế ảo (AR), thực tế ảo (VR), trí tuệ nhân tạo (AI) và vũ trụ ảo (metaverse) để phát triển sáng kiến của riêng mình.
Riêng L'Oréal Brandstorm Việt Nam đã tạo nên sân chơi độc đáo, thu hút hơn 2.200 sinh viên từ 70 trường ĐH trên toàn quốc đăng ký tham gia.
Kỳ vọng cho vòng thi quốc tế
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, đội RMIFConquerors của Trường ĐH RMIT Việt Nam kỳ vọng sáng kiến "Also Artist" của đội có thể chứng minh bản quyền tác phẩm của những nghệ sĩ trang điểm, đồng thời NFT (tài sản số không thể thay thế) của họ cũng có thể lên sàn giao dịch và chuyển nhượng.
Vũ Quang Vinh, sinh viên năm 2 ngành marketing kỹ thuật số Trường ĐH RMIT Việt Nam, cho biết thêm NFT có thể giúp kết nối các nghệ sĩ tạo ra tác phẩm trang điểm với nhau, từ đó hình thành cộng đồng trao đổi ý tưởng trang điểm và cập nhật những xu hướng mới.
Bên cạnh đó, Hồ Nguyễn Vân Anh, sinh viên năm 2 ngành truyền thông chuyên nghiệp Trường ĐH RMIT Việt Nam, cho biết đội RMIFConquerors chỉ có 4 tuần để nâng cấp ý tưởng từ vòng thi L'Oréal Brandstorm tại Việt Nam cho phù hợp với vòng thi quốc tế. "Vòng thi trực tuyến vô cùng cạnh tranh và đầy khó khăn. Mỗi đội chỉ có thể trình bày ý tưởng gói gọn trong vòng 3 slide và 1 phút trình bày", Vân Anh chia sẻ.
Bình luận (0)