20 triệu lít nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn Tiền Giang, Bến Tre

28/03/2020 19:41 GMT+7

KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 và Báo Thanh Niên đã phối hợp với các tỉnh Tiền Giang , Bến Tre mang 20 triệu lít nước ngọt cho người dân ở vùng bị xâm nhập mặn .

Từ chiều 25.3, Khu Công nghiệp (KCN) Chuyên sâu Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu), Báo Thanh Niên phối hợp với chính quyền huyện Châu Thành (Bến Tre) và huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) trao 20 triệu lít nước ngọt (đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế) cho cư dân bị ảnh hưởng bởi hạn mặn.

Người dân xã Phú Đức, H. Châu Thành (Bến Tre) lấy nước từ chương trình tài trợ

ẢNH: NGUYỄN LONG

Theo thống kê, tính toán của 2 địa phương trên, lượng nước 20.000 m3 sẽ cấp đủ nước ngọt cho toàn bộ cư dân 2 huyện đến cuối tháng 4.2020.

Lan tỏa nghĩa cử tốt đẹp

Theo kế hoạch, các sà lan của đơn vị tài trợ vận chuyển nước từ Nhà máy cấp nước ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Đồng Tháp về neo đậu, bơm nước lên các phương tiện vận chuyển mà chính quyền địa phương và người dân đưa đến.

20 triệu lít nước ngọt về cứu dân Bến Tre, Tiền Giang đang ngột ngạt vì hạn mặn

Trưa 27.3, chuyến sà lan chở 500 m3 nước ngọt đầu tiên di chuyển từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vượt Biển Đông đã cập cảng Vàm Láng (TT. Vàm Láng, H. Gò Công Đông) và bắt đầu cấp nước cho dân. Khi đó, đã có trên 10 phương tiện vận chuyển nước chờ sẵn với dòng chữ “Chở nước miễn phí cho người dân bị thiên tai”.

“Tôi đã rất phấn khởi sau khi nghe đài truyền thanh huyện Gò Công Đông thông báo có Báo Thanh Niên và KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 đến hỗ trợ địa phương đến 10 triệu lít nước ngọt. Thế là tôi quyết định sử dụng số tiền chạy xe hơn 200.000 đồng/buổi sáng của mình để mua dầu cho xe tải của thằng cháu ruột rồi 2 chú cháu đến nhận nước chở đi phát cho bà con", người đàn ông chay xe ôm tên Nguyễn Văn Quý (56 tuổi, ngụ ấp 3, TT. Vàm Láng) nói.

Ông Nguyễn Văn Quý vui vẻ dùng tiền chạy xe ôm vào buổi sáng để chiều mua dầu cho xe tải chở nước đến cho bà con ở Gò Công Đông

ẢNH: BẮC BÌNH

PV cùng đi trên xe tải chở 3 bồn được khoảng 4 m3 nước của chú cháu ông Quý đến khu vực ấp 3, xã Tân Tây đã thấy hàng chục người với dụng cụ chứa nước loại 30 lít trên tay đứng chờ. Sau khi chọn được điểm có đông người dân chờ nhất, chú cháu ông Quý dừng xe lại xả nước để bà con hứng mang về.

“Hơn 2 tuần nay chỉ cần chịu khó mang phuy ra các ngã 3 chờ là có xe tải nhỏ chở nước đến cho. Có hôm được nước ngọt trắng phau, uống được luôn nhưng cũng có hôm nước ngọt nhưng đục nên đem về nhà lắng lại, phần còn đục dưới đáy thì tắm giặt, phần trong ở trên thì nấu ăn, uống. Gia đình tôi không thuộc diện khó khăn nhưng có tiền cũng đâu có mua được nước tốt trong lúc này", bà Đoàn Thị Lùn (65 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân Tây) cho biết.

Bà con xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông nhận nước ngọt từ một phương tiện chở miễn phí từ nguồn nước cấp của chương trình do KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 tài trợ

ẢNH: BẮC BÌNH

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sỏi (ấp 3, xã Tân Tây) thì đứng ra sắp xếp cho bà con trong ấp lấy nước được trật tự và có hôm mãi lo “việc bao đồng” mà đến tối ông mới về nhà tối với can chưa đầy nước trong tay.
“Tôi cũng muốn tham gia chở nước ngọt cho bà con nhưng không có điều kiện nên tôi cảm thấy việc ổn định trật tự, đảm bảo cho hộ nào cũng lấy được nước từ các xe từ thiện là niềm vui vậy”, ông Sỏi chia sẻ. 

Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, trong 2 ngày đầu tiên cấp nước đã có gần 20 cá nhân, tổ chức đồng hành cùng chương trình để mang nước ngọt đến cư dân vùng thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn huyện Gò Công Đông, cũng như các huyện lận cận.

Đông đảo tổ chức, cá nhân ở Gò Công Đông tham gia với Chương trình hỗ trợ nước của Báo Thanh Niên, KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3

ẢNH: NGUYỄN LONG

 

"Không biết nói gì ngoài lời cảm ơn"

Ông Dương Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Bến Tre) nói về giải pháp tiếp nhận và phân phối 10 triệu lít nước từ chương trình: “UBND huyện đã yêu cầu một số đơn vị có phương tiện vận chuyển như CSGT, Quân sự… và kêu gọi cá nhân, tổ chức tham gia vận chuyển nước cho bà con với giá dưới 100.000 đồng/m3. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn Châu Thành có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện trên địa bàn mình. Riêng đối với các hộ dân già yếu, neo đơn, hộ cận nghèo, nghèo không có khả năng thuê mướn phương tiện vận chuyển và cũng không điều kiện đến nơi cấp phát trực tiếp lấy về thì các cấp đoàn, hội phụ nữ, lực lượng vũ trang tại chỗ trên địa bàn huyện có trách nhiệm vận chuyển đến tận nhà”.

Lực lượng CSGT Công an huyện Châu Thành (Bến Tre) tham gia chở nước từ chương trình cho bà con nghèo ở vùng hẻo lánh trên địa bàn huyện

ẢNH: BẮC BÌNH

 
Người dân ở huyện Châu Thành hết sức phấn khởi. Ông Trần Văn Trí, ngụ xã Phú Đức, nói: “Nguồn nước này có chất lượng tốt hơn nhiều so với nước mà tôi đã mua từ các xe bồn khác với giá 250.000 đồng/m3. Nước trong, ngọt mát hơn hết thảy những nguồn nước ngọt mà tôi đã sử dụng trong đợt thiên tai này".
Ông Ngô Thanh Quý, Chủ tịch UBND xã Phú Đức, cho biết toàn bộ hơn 240 ha cây ăn trái của xã đã bị nhiễm mặn trên 6‰. Trong khi cư dân trong xã đã không có đủ nước ngọt sinh hoạt từ sau Tết Canh Tý.
“Lượng nước ngọt có chất lượng tốt mà Báo Thanh Niên, Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 mang tới thật sự đã tưới mát cho người dân chúng tôi trong cơn hạn mặn khốc liệt này. Chúng tôi cũng không biết nói gì ngoài lời cảm ơn”, ông Quý bày tỏ.

Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Chủ tịch UBMT TQ Việt Nam tỉnh Bến Tre đánh giá cao tấm lòng hào hiệp cũng như chất lượng nước mà chương trình đã mang đến cho người dân địa phương.

“Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 hoành hành nhưng Báo Thanh Niên, KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 vẫn kiên trì cấp nước ngọt cho dân gặp thiên tai hạn mặn khiến cho nghĩa cử hào hiệp ấy càng có thể nhiều ý nghĩa! Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc”, ông Linh cho biết.

Ông Linh cho biết hiện tỉnh vẫn còn hơn 100.000 dân trong đó có hơn 5.000 hộ nghèo và cận nghèo đang thiếu nước ngọt trầm trọng.

Nghĩa cử của nhà tài trợ khiến người dân địa phương hết sức cảm động và biết ơn

ẢNH:NGUYỄN LONG

Vì không thuê được xe bồn nên nhiều người dân xã Phú Đức, huyện Châu Thành (Bến Tre) đã tự vận chuyển nước về nhà trong niềm hứng khởi

ẢNH: BẮC BÌNH

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.