Ai tiếp tay cho 'cò' ăn chặn tiền trợ cấp của vợ liệt sĩ?

24/11/2017 08:06 GMT+7

Được hưởng chính sách theo quy định của Chính phủ, nhưng 5 bà vợ liệt sĩ tái giá ở xã Diễn Tân (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã bị “cò” lợi dụng nhận “chạy” chế độ trợ cấp , buộc mỗi bà phải nộp 26 triệu đồng.

Bán cả trâu trả tiền "chạy" trợ cấp 
Theo Nghị định 31 của Chính phủ ban hành năm 2013, vợ liệt sĩ đã tái giá nằm trong đối tượng được hưởng trợ cấp tiền tuất. 5 gia đình các bà: Đậu Thị Tri (ngụ xóm 1); Cao Thị Sâm (ngụ xóm 2); Lưu Thị Chức, Đặng Thị Tiển và Đậu Thị Nhị (ngụ xóm 3, đều thuộc xã Diễn Tân) đã làm hồ sơ nộp lên UBND xã để xã chuyển lên huyện, lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An. Theo quy định, để được hưởng trợ cấp, vợ liệt sĩ phải có giấy đăng ký kết hôn, nhưng cả 5 trường hợp trên đều không có, nên hồ sơ bị trả lại.
Đến đầu năm 2016, Chính phủ sửa đổi Nghị định 31, không còn quy định vợ liệt sĩ tái giá phải có giấy đăng ký kết hôn, nhưng các gia đình trên không biết. Một người đàn ông tên là Ngô Thanh Hoài (ngụ tại xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu) đến từng nhà nhận “chạy” chế độ trợ cấp và “mặc cả” nếu các gia đình đồng ý thì phải nộp ngay 20 triệu đồng/trường hợp, hoặc trả dần bằng 20 tháng trợ cấp, mỗi tháng 1,3 triệu đồng. Sau khi hồ sơ qua tay “cò” Hoài, hơn 1 tháng sau, 5 phụ nữ trên có quyết định được trợ cấp tiền tuất hàng tháng với mức hơn 1,3 triệu đồng/tháng.
Được ông Hoài thông báo đã “chạy” được chế độ, bà Cao Thị Sâm, 1 trong 5 bà vợ liệt sĩ ở xã Diễn Tân, đã nộp cho ông Hoài 21 triệu đồng và được nhận quyết định trợ cấp có đóng dấu đỏ, do Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An ký; 4 người còn lại do không gom đủ tiền nên chỉ được ông Hoài đưa cho tờ quyết định photo công chứng. Hằng tháng, khi 4 người này nhận tiền thì ngay ngày hôm sau, ông Hoài đến nhà lấy hết.
Bà Lưu Thị Chức và bà Đậu Thị Tri cũng cho biết, sau khi có quyết định trợ cấp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Hoài chỉ đưa cho các bà tờ quyết định photo có công chứng. Suốt từ tháng 3.2016 đến hết năm 2016, gia đình các bà phải đưa cho ông Hoài mỗi tháng 1,3 triệu đồng, sang năm 2017 thì đưa mỗi tháng 1 triệu đồng. Bà Tri còn cho biết thêm, do ông Hoài dọa nếu không đưa tiền thì sẽ cắt chế độ, vì trong tay ông ta đang có quyết định gốc, nên các gia đình phải nghe theo.
Anh Lưu Văn Hoan, con rể bà Cao Thị Sâm, bức xúc cho biết, bộ hồ sơ gia đình nộp qua xã, lên huyện không khác gì bộ hồ sơ mà ông Hoài cầm đi “chạy” cho gia đình. Khi có quyết định được hưởng trợ cấp, anh Hoan đã phải bán trâu để lấy 8 triệu đồng đưa cho ông Hoài, sau đó, khi có sổ lĩnh tiền thì nộp hết 13 triệu đồng còn lại.
Thấy sự việc trái đạo lý, ông Cao Văn Khoa, một cán bộ quân đội nghỉ hưu ở xã Diễn Tân, đã làm đơn tố giác gửi các cơ quan chức năng đề nghị kiểm tra, làm rõ, xử lý những cán bộ tiếp tay cho “cò” Hoài ăn chặn tiền người có công. Ngày 3.8, UBND huyện Diễn Châu giao Công an huyện Diễn Châu xem xét giải quyết, báo cáo Chủ tịch UBND huyện và trả lời công dân bằng văn bản trước ngày 31.8. Tuy nhiên, theo ông Khoa, đến nay, công an vẫn chưa có văn bản trả lời ông.

tin liên quan

Sứ mệnh chăm sóc người có công
Gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, số lượng người có công chiếm hơn 23% dân số, nên Quảng Nam luôn đặt trọng trách chăm lo, chia sẻ, động viên, thăm hỏi người có công, gia đình chính sách như một sứ mệnh của chính quyền và các tổ chức đoàn thể.
Ai tiếp tay cho "cò"?
Tại xóm 2 (xã Diễn Hoàng) nơi ông Hoài đang sinh sống, phóng viên được hàng xóm cho biết ông này rất ít khi về nhà. Ông Hoài nguyên là công an, nghỉ hưu năm 2005. Khi phóng viên liên lạc qua điện thoại, ông Hoài liên tục phủ nhận việc mình “chạy” chế độ và ăn chặn tiền trợ cấp của 5 gia đình tại xã Diễn Tân.
Làm việc với Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Diễn Châu, khi chúng tôi đặt câu hỏi tại sao ông Hoài lại có được các quyết định chi trả chế độ gốc cho các gia đình vợ liệt sĩ, buộc họ phải đưa tiền hàng tháng, trong khi các thân nhân liệt sĩ kể trên không hề làm giấy ủy quyền cho ông Hoài, thì ông Trương Công Sửu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Diễn Châu, cho rằng quyết định công nhận đối tượng chính sách được hưởng chế độ là do Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An cấp. Người nhận các quyết định gốc từ Sở là ông Cao Xuân Thám, Phó phòng.
Khi được hỏi vì sao Phòng không chuyển quyết định của Sở cho người hưởng chính sách, thì ông Thám cho rằng, Phòng đã gọi xã lên lấy nhưng xã không lên. Trong khi đó, trả lời chúng tôi, bà Vương Thị Tình, cán bộ chính sách xã Diễn Tân, quả quyết bản thân bà không hề được thông báo lên nhận quyết định chi trả cho các gia đình trên. “Hồi tháng 4.2016, theo danh sách nhận tiền chế độ chính sách được huyện lập, phát hiện thấy tăng thêm tiền, tôi cũng bất ngờ, vì không thấy có quyết định chi trả”, bà Tình nói.
Về việc vì sao 5 vợ liệt sĩ tái giá nêu trên không làm ủy quyền cho người khác đi làm hồ sơ nhưng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An vẫn tiếp nhận, xử lý, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó phòng Người có công (Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An), cho rằng trước đây chưa yêu cầu chặt chẽ về giấy ủy quyền. Đến khoảng tháng 9.2016, khi có dư luận về việc “cò” nhận chạy chế độ ở một số địa phương, lúc này Sở mới yêu cầu giấy ủy quyền.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Đăng Dương, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội Nghệ An, không chắc chắn quyết định có “rò” ra từ Sở Lao động - Thương binh và xã hội Nghệ An hay không, và cho biết sẽ đề nghị cơ quan công an phải vào cuộc làm rõ. Ông này cũng cho biết thêm, hiện Công an huyện Diễn Châu vẫn đang xác minh vụ việc, nhưng chưa có kết luận chính thức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.