Ăn bánh cáy Thái Bình, nhớ quê cha đất tổ

03/05/2014 03:03 GMT+7

Như những món bánh cổ truyền khác tại những tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ, bánh cáy từ bao đời nay đã trở thành niềm tự hào của người dân Thái Bình.

Như những món bánh cổ truyền khác tại những tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ, bánh cáy từ bao đời nay đã trở thành niềm tự hào của người dân Thái Bình.

>> Khoai môn tôn duyên quê!
>> Thương nhớ bánh cục Bến Tre

 Ăn bánh cáy Thái Bình, nhớ quê cha đất tổ 1
Bánh cáy làng Nguyễn, đặc sản quê lúa

1. Tên gọi là bánh cáy nhưng loại bánh này không phải được làm từ con cáy, mà là được chế biến khéo léo từ chính những nông sản quen thuộc như gạo nếp, mứt bí, dừa, vừng (mè), lạc (đậu phộng)...

Tên bánh cũng bắt ngồn từ câu chuyện mang tính kỳ ảo vẫn thường được kể lại ở làng Nguyễn: "Một bà lão quanh năm làm ruộng tự chế biến được một món bánh có tên "bánh cay" làm từ gạo nếp, gừng tươi... Bà mang món bánh dâng lên Đức Vua và được ngợi khen. Làng Nguyễn từ đó nức tiếng với món bánh cáy độc đáo.

Một đêm bà lão nằm mơ có con cáy đến khóc mình. Ít lâu sau, bà qua đời, xác bà khi mang xuống biển, những đợt sóng biển rẽ ra, đón bà vào lòng đại dương. Tên bánh cáy bắt đầu có từ ngày đấy, tưởng nhớ đến người làm ra món bánh quý".

Bánh cáy có thể thấy ở nhiều nơi ở Thái Bình, nhưng làm chuẩn nhất là làng Nguyễn ở xã Nguyên Xá, thuộc huyện Đông Hưng. Người dân nơi đây rất coi trọng khâu chọn nguyên liệu để cho ra những mẻ bánh cáy thơm ngon: nếp cái hoa vàng tròn mẩy, gấc chín đỏ, lạc, vừng rang vàng, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp đường, mứt bí dẻo thơm, mạch nha, tinh dầu hoa bưởi...

Ăn bánh cáy Thái Bình, nhớ quê cha đất tổ 2
Dừa tươi được ướp với đường trước khi làm bánh 

2. Người dân nơi đây chia sẻ, rằng để chứng kiến công đoạn sản xuất bánh cáy trọn vẹn, bạn phải ở làng Nguyễn... nửa tháng. Tận nửa tháng, là để ướp mỡ phần, cơm dừa trong đường cát trắng cho ngấm. Nếp cái hoa vàng phải ngâm nước, trộn gấc chín đồ thành xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô (đây chính là “con cáy”). Thóc tẻ bung trong nồi gang, cho xòe cánh thành một thức gọi là “nẻ”.

Chiên "nẻ", “con cáy” trong dầu ăn. Nấu nóng chảy mạch nha, cho “con cáy”, "nẻ", mỡ phần, cơm dừa, mứt bí, gừng sợi, thêm hương hoa bưởi vào đảo thật đều tay đến độ kết dính thích hợp. Rắc thêm vừng, lạc đã được rang giòn lên mặt bánh. Bánh được ép trong khuôn rồi cắt lúc còn nóng.

Ngày nay, dù đã có sự hỗ trợ của máy móc để làm nhanh và đẹp hơn, nhưng công thức để bánh cáy ngọt vừa đủ độ, không quá mềm, cũng không quá cứng thì chỉ có ở những người thợ làm bánh có tâm và tài. Bánh cáy ngon là vừa đủ độ dẻo, ngọt, gạo nếp, lạc vừng thơm. Cắn miếng bánh thấy mứt bí, cơm dừa deo dẻo, gừng tươi cay nồng.

Ăn bánh cáy Thái Bình, nhớ quê cha đất tổ 3
Cắt bánh cáy từ những tấm bánh lớn 

3. Một ngày Tết Nguyên Đán đẹp trời, đặt chân vào bất cứ một gia đình nào trên dải đất hình chữ S này, nếu bạn thấy trên ban thờ tổ tiên một hộp giấy đỏ ghi chữ "bánh cáy làng Nguyễn", lại thấy chủ nhà trịnh trọng mang ra một đĩa bánh cáy cắt vuông vắn, thơm nức mùi gạo nếp và gừng tươi, bạn đã biết gia chủ là người Thái Bình, dù có mưu sinh trăm ngả vẫn không quên nguồn cội.

Nhấp chén trà nóng rồi cắn miếng bánh thơm, nghe không khí ấm áp, thân tình, thấy trước mắt ta hình như mở ra bao la đồng rộng. Cái ngon của quà quê, quý giá chính là điều ấy!

Thúy Hằng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.