Trong chuyến về miền Tây mới đây tôi có dịp tìm hiểu về chiếc bếp cà ràng, chiếc bếp gắn với cuộc sống khẩn hoang của cha ông và văn minh sông rạch miệt vườn, cũng là nét độc đáo của cư dân miền Nam Bộ từ hàng trăm năm trước.
>> Một ngày ở làng bánh tráng Mỹ Lồng
>> Đi Bến Tre nhớ tìm ăn ốc gạo Cồn Phú Đa
Nhiều người cho rằng, "cà ràng" bắt nguồn từ tiếng Khmer là "kran", lâu dần dân gian gọi thành cà ràng cho dễ nhớ. Bếp lò cà ràng không giống như bếp kiềng (ba chân) bằng sắt như người ta vẫn thấy ở miền Bắc, hay miền Trung. Bếp cà ràng được làm bằng đất nung cấu trúc khá đặc biệt có thành cao hình số 8 để chắn gió, chứa tro và cây củi chụm lửa. Mục đích là không để tro văng vải ra ngoài lại giữ nhiệt tốt hơn.
|
Nhóm bếp lửa cà ràng rất dễ (bếp không kén loại củi nào) chỉ cần có củi với chút lửa mồi là đã có một bếp lửa hồng nấu cơm. Bếp có thể để trên sàn nhà bằng tre nứa, ván gỗ. Hay có thể để ngay trên ghe thuyền mà không sợ bị bén lửa cháy mặt sàn, ghe, lại tương đối gọn nhẹ và dễ di chuyển. Có lẽ chính vì thế mà bếp cà ràng thuở trước và ngay cả bây giờ trên một số tàu thuyền vẫn còn được ưa chuộng ở miền Tây sông nước.
|
Trò chuyện với những người dân nơi đây tôi được biết thêm những triết lý cuộc sống rất hay xoay quanh chuyện cái bếp núc. Bếp cà ràng chính là biểu trưng cho ý niệm từ lâu đời của cư dân đồng bằng Sông Cửu Long về cuộc sống an lành. Bếp cà ràng giữ ngọn lửa được bền lâu, đây cũng chính là nguồn ánh sáng hơi ấm để bảo vệ con người trước bóng đêm tối, chống lại sự lạnh lẽo của khí trời. Ngọn lửa thắp lên từ bếp cà ràng biểu hiện của thần linh có sức xua đuổi tà ma và bảo vệ con người. Bếp cà ràng còn là trung tâm của cuộc sống , được coi như bàn thờ, làm cầu nối giữa hai thế giới thần linh và trần thế.
|
Ngày nay trong nhiều góc bếp gia đình hiện đại Nam Bộ đã dần vắng bóng chiếc bếp lò cà ràng, mà thay vào đó là những chiếc bếp gas, bếp từ, hay lò vi sóng... nhưng đâu đó trên những con thuyền hay những góc bếp vườn nhà thì chiếc bếp cà ràng vẫn còn đượm lửa, thấm đẫm tình quê, ấm áp và thân yêu lắm.
Đoàn Xuân (thực hiện)
Bình luận (0)