Hấp dẫn món nướng trên... mặt đá

02/06/2013 09:28 GMT+7

Nếu gặp lửa than nóng hỗn sẽ làm mất bớt chất ngọt. Còn nướng đá giống như xông hơi, nhờ tản đều nhiệt nên con tôm, con mực ửng “má hồng” thật quyến rũ và thơm ngọt hết cỡ.

Dù người ta có thích ăn chín uống sôi hay xơi tươi - nhai tái, thì hình thức nướng vẫn không lỗi thời. Tân kỳ có lẽ là kiểu nướng trên đá.

>> Lưu luyến ếch đồng ngày hạ
>> Quyến rũ như ốc lác

 Hấp dẫn món nướng trên... mặt đá 1
Nướng đá giống như xông hơi, nhờ tản đều nhiệt nên con tôm, con mực ửng “má hồng” thật quyến rũ
và thơm ngọt hết sẩy - Ảnh: Tạ Tri

Vô tình, châm ngòi cho nhiều cuộc tranh cãi chưa có hồi kết, quanh phương thức chế biến này. Người bàn: dân ta chế ra từ lâu, kẻ cho mới học từ phương tây. Kết cuộc, lý lẽ thuộc về người... trả tiền - suốt cuộc tranh luận đó. Hẳn nhiên, đó không phải là chân lý!

Và dường như, trên đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực, những người chế ra món độc đáo luôn bỏ quên bao tính cố hữu cứng ngắt được mệnh danh: nguyên tắc. Kéo theo một mớ ngoại lệ khác. Chẳng hạn, đống gạch đá granit vụn (bị lỗi) trên 10 mét khối, của anh Phạm Văn Hùng, chủ một cơ sở vật liệu xây dựng lớn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương bỗng... biến mất trong ngày.

Bởi tối đó, anh chủ cơ sở này mang một miếng đá đến quán nhậu lớn gần nhà biểu diễn kiểu nướng mới cùng nhóm bạn thân. Thay vì nướng trên bếp than lớn trong bếp, đằng này phần thịt dê ướp nghệ và ít sa tế được đặt lên vỉ đá, nướng tại bàn bằng bếp ga mini. Thực khách có dịp quan sát cả quá trình “sinh thành” của món ngon. Từ lúc miếng thịt se mặt, rồi những giọt dầu nóng bỏng sôi lăn tăn, sôi hối hả, lăn nhanh xuống rãnh (khe chứa dầu, mỡ tràn). Tức thì, khói thơm tỏa lên. Nghe xôn xao tiếng trầm trồ khen: “Ôi! Hấp dẫn quá!”.

Quả là “hữu xạ tự hiên hương”, sáng hôm sau, nhiều chủ hàng, quán lớn quanh khu vực Lái Thiêu, Bình Dương đã gõ cửa hỏi mua sạch đống “đá... ve chai” của anh Hùng.

Đầu bếp Trần Minh (thành viên Hội đầu bếp người Hoa Chợ Lớn, ở Cần Giờ, TP.HCM) chia sẻ cách chọn và sử dụng đá granit để nướng bền:
"Nên chọn loại đá Huế đen, ngâm trong nước sạch 2 - 3 ngày. Vớt ra, để ráo, nướng nhỏ lửa trên bếp than đến khi đá bốc khói đều. Để nguội. Sau đó, có thể nướng đá trên bếp ga. Mỗi lần nướng thực phẩm xong, để đá tự nguội, nếu chế nước lạnh vào đá sẽ mau nứt".

“Tréo cẳng ngỗng” hơn, người hưởng lợi nhiều nhất trong vụ này, không phải tác giả của... tối kiến đó. Tình cờ, chú Năm Huệ ở làng bưởi Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai lên nhà anh Hùng ăn giỗ, thấy đống đá vụn choáng hơn 1/3 diện tích mặt bằng cửa hàng, mới nảy ra ý tưởng vừa kể.

Một thực đơn “nghĩ sao nói vậy”, nhưng giàu hình ảnh lẫn gợi trí tò mò cho người nghe đã hiện lên trong đầu chú Năm: bò đá lá bưởi, cá lăng đá lá bưởi, tôm càng sông đá lá bưởi... Gần 10 năm trước, không chịu nổi cảnh thương lái “chê ỏng chê eo” ép giá “tàn sát” từng trái bưởi, chú đã mở ra một quán ăn ven sông để tự tiêu thụ.

Những chiếc lá bưởi xanh non, được hái từ sáng sớm - có chiếc còn lấm tấm sương đêm, mới đem xắt nhuyễn đã nghe mùi thơm thật dễ chịu. Còn đám cá tôm tự nhiên dưới sông Đồng Nai ngày đêm... “bươn chải” kiếm miếng ăn và lẫn trốn kẻ thù nên thịt ngọt đậm, săn chắc khỏi chê. Chỉ cần ướp vào chút muối ớt với nhúm lá bưởi tươi vừa xắt, bật lửa lên cho đá... “đỡ” chúng. Tinh dầu bưởi tỏa ra ngạt ngào, quyện cùng gió sông, “chạy đi” tiếp thị thật xa.

Hấp dẫn món nướng trên... mặt đá 2
3 - 4 viên đá cuội được nướng trước đỏ rực, truyền hơi nóng hừng hực vào những lát thịt heo rừng lai
xắt mỏng đã tẩm ướp gia vị sẵn và xào sơ - Ảnh: Nguyệt Thơ

Không hẹn mà gặp, ông Năm Khỉa chủ nhà hàng Duyên Hải, kiêm bếp trưởng ở Cần Giờ, TP.HCM mỗi lần về Sài Gòn “bổ hàng” (mua gia vị thuốc Bắc) vẫn chở khệ nệ 30 - 40 miếng “vỉ” đá. Hải sản nước lợ (nước xà hai) luôn có độ ngọt và hương thơm đặc trưng, bất cứ một người sành ăn nào cũng công nhận đều này.

Nếu gặp lửa than nóng hỗn sẽ làm mất bớt chất ngọt. “Còn nướng đá giống như xông hơi, nhờ tản đều nhiệt nên con tôm, con mực ửng “má hồng” thật quyến rũ và thơm ngọt hết cỡ!”, đầu bếp Năm Khỉa phân tích.

Xuôi về miền tây, quán Tám Nông Dân, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, chuyên bán các món heo rừng lai, lại chọn đá cuội để nướng. Ấn tượng nhất là món “Sỏi mầm”. Mùi thơm nồng ấm của tiêu giã, hành củ... tỏa ra ngất ngát trong “sóng khói” mịt mờ, trên nền xanh - trắng của rau xà - lách, bắp cải tươi non. Dưới đáy chiếc thuyền (đĩa i-nox hình hạt xoài) chở vật thực, có 3 - 4 viên đá cuội được nướng trước đỏ rực, truyền hơi nóng hừng hực vào những lát thịt heo rừng lai xắt mỏng đã tẩm ướp gia vị sẵn và xào sơ. Ngon và sang gấp trăm lần món “Mầm đá” của Trạng Quỳnh.

Hấp dẫn món nướng trên... mặt đá 3
Mùi thơm nồng ấm của tiêu giã, hành củ... tỏa ra ngất ngát trong “sóng khói” mịt mờ, trên nền
xanh - trắng của rau xà - lách, bắp cải tươi non - Nguyệt Thơ

Thế mạnh của quán là có cả trang trại nuôi heo rừng lai, nên nguyên liệu thường tươi ngọt. Đồng thời, ông chủ quán từng là Việt kiều Canada, do vậy cách trình bày các món ăn ở đây thật đẹp mắt.

Trở lại đề tài nướng đá do ta học tây hay ngược lại. Ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, sành y thực ở Gò Vấp, TP.HCM cho rằng từ khi loài người biết dùng lửa để nướng chín thức ăn, sưởi ấm... đã mài mò ra kiểu nướng đá rồi. Khu vực phương Đông, thời vua Thần Nông (năm 3118 trước Công Nguyên), người dân đã biết lấy ngũ cốc, thịt cá... nướng trên đá khá “sành điệu”.

Ở nước ta, có một số loại đá trong tự nhiên, giúp thăng hoa hương vị món ăn khi nướng, nhưng ông Ưng Viên còn để... dành, chưa tiết lộ. Ông mới hé mở: “Lấy đá thạch anh (màu trắng hoặc xanh hay đỏ đều được), dạng sỏi đem nung cho “chín” đỏ, rồi thả vào bình nước uống rất tốt cho sức khỏe.”

Còn anh Ngữ Yên, ở Q.4, TP.HCM, nhà báo sành ăn, mê rong rủi đúc kết: “Hễ nướng là dễ ngon, kể cả ngủ!” Và xin bạn nhớ cho, đá dùng để nướng sẽ an vui hơn là... ném (giấu tay)!

 

Tạ Tri

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.