Bạn tôi, một người thiết kế tour du lịch thường than vãn: thời nay sao hiếm món đặc sản nào còn giữ đúng hương vị. “Lai tạp hết cả rồi”, anh kể, khách Việt kiều về thăm quê hay ngỡ ngàng nói vậy…
Bánh tráng đập là món không thể thiếu trong bữa ăn của người Quảng Nam được bán nhiều nhất ở chợ Bà Hoa
|
Đi khắp các chợ Phan Thiết (Bình Thuận), anh nhận xét: bánh canh đúng nghĩa ngày trước làm gì có giò heo, nấm rơm, hương vị cũng khác, ngọt gì mà ngọt. Bữa rồi, giữa Q.1, Sài Gòn, anh gặp được gánh hàng bánh canh, bán tráng cuốn cá nục quê mình, đúng hương vị trong ký ức, người đàn ông tuổi 50 vui như đứa trẻ, điện thoại khoe, đề nghị được bao tất thảy bạn bè vì: "Sài Gòn vậy mà hay, trong phố xá có thể tìm ra vị quê nhà”.
Người phố đi chợ quê
Tại nhiều khu chợ ven đô, các quận Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, quận 7, quận 4…, khách dễ dàng nhận diện những người bán "hàng cắp nách", đôi gà trống thiến, cặp chim mới ra ràng, mớ rau tập tàng "của nhà trồng được" đúng nghĩa đen. Nếu thấy một cụ già bày hàng trên chiếc rổ chỉ dăm mớ rau buộc bằng dây chuối, bạn sẽ nghe chào mời: "Bà trồng cho cháu nội ăn dặm, nay mưa xuống, rau tốt quá, bà hái bớt bán, không có thuốc đâu nghe con".
Giữa một khu chợ nhỏ ở P.An Phú, Q.2, bạn có thể gặp người bán xôi, bánh tằm bì khá đặc biệt. Mỗi khi bán đi một bọc xôi, bịch chè, bà lưu luyến như chia tay một báu vật. Nâng niu, cẩn trọng và dặn dò người ăn đủ điều, phối hợp nước dừa, muối đậu sao cho "hiệu quả, chất lượng" nhất. Bà không phải một người bán chuyên nghiệp, vì mỗi cuối tuần ra chợ bày thúng đồ ké bên sạp vải, bà chỉ mang chừng vài chục phần ăn sáng nhưng món nào ra món đó, rất thơm ngon, sạch sẽ.
Hàng rau được mang từ Hội An vào của bà Nguyễn Thị Kim Cương (62 tuổi) đông đúc người Quảng đến mua
|
Mì Quảng đặc sản Quảng Nam
|
Mua đồ của những người bán “hàng xách tay”, “hàng cắp nách” này, khách không phải lo chuyện bị liếc xéo, bị đuổi, và thích nhất là thoải mái mặc cả. Nếu “truy” nguồn gốc sản phẩm, khách có thể khơi mào cả chuỗi những câu chuyện cây nhà lá vườn thú vị. Với những người ghiền đi chợ, ra chợ không chỉ để mua đồ mà để được chia sẻ, được xả stress.
Chị Phương, nhà Q.Tân Bình, cứ kể mãi hai câu chuyện lá sầu đâu và vỏ đậu xanh. Sau khi sinh con, chị bị ngứa toàn thân, tìm mua thuốc uống thuốc bôi, chị thấy loại nào cũng ảnh hưởng tới sữa mẹ và gây ngủ li bì nên chị đành chịu cảnh “gảy đàn” rột roạt cả ngày. Nghe mách tắm lá mát là lành nhất, chị đã lùng hết các chợ khu vực Tân Phú, Tân Bình tìm mua loại này mà không có.
Cứ tưởng việc đi tìm lá mát cứ như tìm lá… diêu bông, vậy mà một bữa ghé đến chợ Sơn Kỳ mua rau, người bán hàng gần đó thấy người chị nổi mẩn đỏ, hỏi thăm vài câu rồi vội vàng bỏ gánh hàng, lấy xe đạp chạy về nhà, nhờ ông chồng xuống cuối xóm bứt cho chị vài nắm lá sầu đâu với lời dặn dò: "Chắc cũng tắm được ba bữa, khi hết, cô cứ ra gọi tôi". Cũng tại khu hàng rau chợ này, chị Phương hỏi mua đậu xanh về làm gối cho cậu con trai đang bị đổ mồ hôi trộm. Không ai bán, nhưng không dưới 15 người bán rau đã chỉ cho chị cách nuôi con bằng những phương pháp dân gian, người thì bày chị cách làm gối đinh lăng, người bảo mua gối thuốc bắc.
Đậu phộng được trồng ở Quảng Nam
|
Hương vị ký ức
Với những người đất Quảng xa quê, hầu như không ai là không biết đến chợ Bà Hoa khu vực Bảy Hiền, Q.Tân Bình.
Chị Hạnh nhà ở tuốt Q.Bình Thạnh nhưng hễ cuối tuần là chị vượt hơn 10 cây số ghé chợ Bà Hoa chỉ để mua cân mì, ít rau sống để nấu món mì quảng. Chị bảo: sợi mì ở đây không giống những nơi khác vì nó có dầu phộng thơm lừng, có vị bùi và béo. Rau cũng khác nữa, nhiều loại được làm sạch, trộn chung gồm rau cải non, bắp chuối sứ bào mỏng, xà lách, rau thơm, cọng giá phải dài, giòn ngọt. Không phải hai món này thì độ ngon của tô mì quảng giảm gần một nửa.
Người ta nói, không ai ăn vặt bằng người Quảng. Thì ở đây, chợ chiều cũng như chợ sáng, lúc nào cũng đầy món ăn chơi và món nào cũng đơn giản từ màu sắc đến nguyên liệu. Từ con ốc gạo bé tí như nửa cái móng tay lể hoài không thấy mỏi, bánh ít lá gai, bánh xèo ăn 10 cái mới thấy đã, ram tôm, ram bắp, đến món don ăn cùng bánh tráng nướng… món gì cũng có. Những món ăn này nếu so với người dân xứ khác có lẽ quá bình thường, không có gì hấp dẫn nhưng với người miền Trung, người ta ăn không phải để thỏa mãn cơn đói mà là vì họ thấy nhớ, thấy thèm mùi vị của quê, của mẹ, của những ngày vất vả dù hiện tại cuộc sống đã đủ đầy hơn nhiều.
Một góc chợ Bà Hoa
|
Đi chợ Bà Hoa mà trả giá thì coi như... xong, khách thích thì mua, không thì thôi, khỏi trả giá, vì người bán rất… chảnh, chỉ nói đúng giá một lần. Mà ngộ, dù chảnh nhưng khách không hề thấy bực mà lại còn cảm thấy ưng cái bụng vì giá trị “cộng thêm” là những mẹo nấu ăn, cách chọn đồ sao cho tươi ngon được người bán tận tình chia sẻ, dù người mua không hỏi.
Chẳng hạn như trước khi chế biến món nhộng trộn thì nhớ luộc sơ nhộng với nước sôi để không bị ngộ độc hay củ nén, cháo giải cảm nhiều gừng với lá tía tô là bài thuốc mà chị bán cá góc thường hay bày khi thấy người mua khụt khịt mũi...
Chị Ngân người ĐBSCL, lấy chồng miền Trung, cũng nhờ cái chợ này mà hiểu được tâm ý của mẹ chồng chịu thương chịu khó. Bởi qua những lần mua củ nén về ướp cá chuồn, được bà Hai bán hàng lá xông mách nước, chị nhớ nhất câu ca dao mà bà hay ngâm nga: “Thương chồng nghĩ tới bà gia. Nghĩ đi, nghĩ lại có bà con chi”.
Chợ đặc biệt có bán rất nhiều bánh tráng nướng được xếp thành từng chồng cao trong túi. Với người miền Trung, hầu như món nào cũng có bánh tráng. Từ bánh tráng xúc hến, mì quảng, phở, hủ tiếu, cháo… món nào có nước là có bánh tráng. Chị Thanh vừa nướng bánh vừa kể khi nghe tôi thắc mắc, ngày xưa khó khăn, bánh tráng như món ăn độn cho no bụng, ăn riết thành thói quen, không có tiếng bẻ bánh rắc rắc vui tai là thấy thiếu.
Hôm nào muốn đổi vị hay túi tiền eo hẹp, chỉ với 50.000 đồng là cả nhà có đủ ba món cho bữa ăn ngon miệng, lại không lo thiếu chất. 20.000 đồng cho món nhộng trộn chuối chát khế chua, 15.000 cho món mít luộc chấm mắm cái, phần còn lại là món canh hến nấu rau muống.
Những người ở chợ không lạ gì chú Ngọc năm nay 70 tuổi, dù đã rời vùng đất Duy Xuyên, Quảng Nam vào Sài Gòn lập nghiệp hơn 40 năm nhưng thỉnh thoảng chú vẫn ghé qua, đi một vòng chợ Bà Hoa chỉ vì thèm nghe và được nói giọng quê choa.
Vậy đó, chẳng cần máy lạnh, tiện ích, sạch sẽ như siêu thị, chợ vẫn làm người ta nhớ, thương vì sự mộc mạc, đơn giản và ấm lòng những người xa xứ.
Bình luận (0)