Thú vị nguồn gốc món bánh gừng mùa Giáng Sinh

22/12/2013 14:58 GMT+7

Món bánh gừng ấm áp không thể thiếu trong dịp Giáng sinh lạnh giá. Câu chuyện về ngôi nhà bánh gừng hay bánh gừng hình người cũng thú vị không kém.

Món bánh gừng ấm áp không thể thiếu trong dịp Giáng Sinh lạnh giá. Câu chuyện về ngôi nhà bánh gừng hay bánh gừng hình người cũng thú vị không kém.

>> Vì sao phải ăn bánh khúc cây vào mùa Giáng Sinh?
>> Những điều chưa biết về sôcôla

Thú vị nguồn gốc món bánh gừng mùa Giáng Sinh 1
 Bánh nhà gừng và bánh gừng hình người - Ảnh: Daily Meal

Từ thế kỷ thứ 8, bánh gừng (gingerbread) đã xuất hiện. Chúng được làm từ những mẩu bánh mì đun sôi trong mật ong cùng với gừng và các gia vị khác. Về sau, những tiệm bánh tân thời đã thay mật ong bằng mật đường.

Đến thế kỷ 13, bánh gừng được đưa vào Thụy Điển bởi những người Đức nhập cư. Tài liệu tham khảo ở tu viện Vadstena cho thấy các nữ tu đã dùng bánh gừng để chữa chứng khó tiêu.

Tài liệu về việc buôn bán món bánh gừng đầu tiên xuất hiện ở thế kỷ 17, bánh gừng được bán ở các tu viện, nhà thuốc và chợ trời. Thời Trung cổ ở Anh, người ta tin là bánh gừng có tác dụng chữa bệnh. 100 năm sau đó, thành phố Market Drayton ở Shropshire (Vương quốc Anh) đã trở nên nổi tiếng với món bánh gừng, và biểu tượng món bánh này sau đó nằm ngay trên biển chào đón vào thành phố.

Món bánh gừng bắt đầu phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia vào thế kỷ 18.

Bánh nhà gừng xuất hiện khi nào?

Không có tài liệu chính xác chỉ rõ khi nào thì xuất hiện việc trang trí những chiếc bánh gừng thành hình ngôi nhà. Tại nước Đức xuất hiện ngôi nhà bánh gừng (gingerbread house) được trang trí đủ kiểu vào những năm 1800s.

Thú vị nguồn gốc món bánh gừng mùa Giáng Sinh 2
Rất có thể chiếc bánh nhà gừng xuất phát từ câu chuyện cổ nổi tiếng của anh em nhà Grimm - Ảnh: Foodie US

Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, thì rất có thể ngôi nhà bánh gừng đầu tiên xuất hiện sau khi câu chuyện cổ tích Hansel và Gretel của anh em nhà Grimm ra đời vào thế kỷ 19.

Câu chuyện về những cô bé, cậu bé bị bỏ rơi trong rừng, đang đói thì gặp một ngôi nhà làm từ bánh và trang trí tuyệt đẹp của mụ phù thủy chuyên dụ bắt trẻ con đã gợi cảm hứng cho các tiệm làm bánh ở Đức. Dần dần, bánh nhà gừng bắt đầu phổ biến vào dịp Giáng Sinh. Thậm chí người Đức khi nhập cư sang Mỹ cũng mang theo truyền thống này.

Tất nhiên, cũng nhiều người cho rằng ngôi nhà bánh trong truyện cổ Grimm cũng bắt nguồn từ việc loại bánh này đã có trong thực tế.

Chuyện về bánh gừng hình người

Bánh gừng hình người (gingerbread  man) cách điệu cũng rất phổ biến trong dịp Giáng sinh, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ. Trẻ em đặc biệt thích thú loại bánh này.

Thú vị nguồn gốc món bánh gừng mùa Giáng Sinh 3
 Những chú bé, cô bé bánh gừng ngộ nghĩnh - Ảnh: BBC

Chiếc bánh gừng hình người đầu tiên được cho là làm theo ý muốn của nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhất. Bà dành món quà này cho những vị khách đặc biệt. Vào thế kỷ 17, món bánh gừng hình người đã được bán khắp nước Anh.

Ở nước Mỹ, bánh gừng hình người đã được yêu thích từ 200 năm nay. Câu chuyện dành cho trẻ em nổi tiếng lấy cảm hứng từ loại bánh này có tên Cậu bé bánh gừng (The Gingerbread Boy) xuất bản năm 1875 trở nên rất quen thuộc với nhiều cô bé, cậu bé.

Chiếc bánh gừng qua thời gian và khi tiếp cận với nhiều nền văn hóa đã biến đổi rất phong phú. Lúc đầu bánh gừng làm từ vụn bánh mì với bột gừng, mật ong. Rồi sau đó thay thế bằng bột mì, không dùng mật ong, thêm bơ và trứng. Có nơi thì bánh gừng màu trắng, nâu nhạt hay nâu sậm.

Thú vị nguồn gốc món bánh gừng mùa Giáng Sinh 4
Người ta tặng bánh gừng cho nhau như một cách thể hiện tình yêu - Ảnh: Foodie US

Ngày nay, mỗi khi đến mùa Giáng Sinh, hình ảnh tuyệt đẹp của ngôi nhà bánh gừng hay bánh gừng hình người trở nên gần gữi hơn rất nhiều (đặc biệt là các quốc gia châu Á). Người ta cũng tự làm hoặc mua bánh gừng tặng cho nhau như một cách thể hiện tình yêu.

Giang Vũ (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.