An toàn người bệnh nhờ ‘liệu pháp’ rửa tay

22/12/2017 15:40 GMT+7

Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại VN khoảng 7%. Nhiều bệnh nhân đã trở nặng thậm chí không thể cứu chữa do nhiễm khuẩn bệnh viện.

Tử vong hơn cả cuộc chiến
“Có những vấn đề tưởng như bình thường, vô hình không ai nhìn thấy nhưng hằng năm trên toàn thế giới nó đã làm hơn 2 triệu người mắc với 90.000 người tử vong, còn hơn cả một cuộc chiến tranh. Đó là nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV), một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh và là một vấn đề ngày càng được mọi hệ thống y tế trên thế giới cũng như ở Việt Nam quan tâm”, TS Đinh Văn Trung (công tác tại BV T.Ư Quân đội 108) chia sẻ tại hội thảo do BV Xanh Pôn tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Bác sĩ Trung cho biết, NKBV hiện đang là thách thức và gánh nặng đối với nền y tế toàn cầu. “Điều trị kháng sinh kéo dài 7 - 10 ngày sau phẫu thuật vẫn là tình trạng phổ biến ở nhiều cơ sở y tế gây tốn kém cho người bệnh nhưng nguy hiểm nhất là gây nên hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn”, BS Trung nhận xét. BS Trung cho rằng, việc thực hành vệ sinh bàn tay trong các cơ sở y tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trang thiết bị, cơ sở vật chất và đặc biệt là thái độ, kiến thức, thói quen của nhân viên y tế (NVYT). Giá trị của kiểm soát nhiễm khuẩn không được đo ngay ra giá trị kinh tế, thậm chí, còn bị cho rằng gây tốn kém cho BV, vì BV phải tự bỏ kinh phí, đó cũng là khó khăn cho công tác chống NKBV.
Đồng quan điểm này, TS Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Bạch Mai chỉ ra bất cập: hằng năm chúng ta chi ra hàng chục ngàn tỉ đồng mua kháng sinh mạnh, “đấu tranh” để được sử dụng kháng sinh mới nhưng lại xem nhẹ chống NKBV. Sự quan tâm cũng như chi phí cho chống NK còn quá ít ỏi so với khoảng tiền khổng lồ chi cho kháng sinh lên đến cả chục ngàn tỉ mỗi năm. “Thực tế CNK vẫn chưa là cấu thành chính thức trong các chi phí điều trị do quỹ BHYT chi trả. Trong khi đó, NKBV là một trong nguyên nhân khiến chúng ta phải tìm đến kháng sinh mạnh, chi phí lớn, thậm chí phải trả bằng cả sinh mạng người bệnh”, ông Hùng nhấn mạnh.
Vi khuẩn tràn lan
Theo báo cáo công bố tại hội thảo do Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) tổ chức hồi tháng 10 vừa qua, một kiểm tra ngẫu nhiên nhân viên thuộc BV tuyến T.Ư cho thấy: trên 1 cm2 bàn tay hộ lý có tới 481.273 vi khuẩn; trên bác sĩ có 275.110, điều dưỡng có 126.857. Còn tại một BV Nhi tuyến T.Ư (năm 2010): Bàn tay bác sĩ sau khi rửa bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa y tế vẫn còn khoảng 276.376 vi khuẩn, còn khi chưa dùng chất tẩy rửa số vi khuẩn lên tới vài triệu.
Theo các chuyên gia về chống nhiễm khuẩn, một một số vi khuẩn hay gặp trên bàn tay người: Klebsiella, Shigella, Staphylococus, E.coli. Trong khi đó, tại một phát động “Tuần lễ vệ sinh tay” do Bộ Y tế tổ chức, nhiều bác sĩ điều dưỡng trong số 300 nhân viên có mặt, không ai trả lời đúng các quy trình vệ sinh tay. Tuy nhiên, tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay của NVYT đã được cải thiện nhiều trong các năm qua.
Bài toán chống NKBV
TS Dương Đức Hùng cho rằng, chống NKBV cần phải là ý thức, thói quen nhưng để duy trì được cũng cần có kinh phí riêng như: xà phòng diệt khuẩn, hóa chất khử khuẩn, định kỳ khử khuẩn phòng ốc, vệ sinh vật dụng; nuôi cấy vi khuẩn để xác định được tình hình nhiễm khuẩn; mức độ sạch, bẩn trong môi trường, nước… để xử lý kịp thời.
TS Đinh Văn Trung chia sẻ thêm, theo Tổ chức Y tế thế giới, vệ sinh tay, đặc biệt là vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn chứa cồn là biện pháp phòng chống NKBV hiệu quả và dễ thực hiện nhất.
TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, chống nhiễm khuẩn trong BV đã là tiêu chí bắt buộc trong chấm điểm chất lượng BV. Chúng ta đã có các quy trình chuẩn về khử khuẩn, ngay cả các bước rửa tay sạch cũng trong quy trình chuyên môn mà các bác sĩ, điều dưỡng thực hiện. Việc thực hiện đầy đủ các bước rửa tay cũng góp phần quan trọng cho chống NKBV, giảm nguy cơ nhiễm chéo cho người bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.