'Anh hùng khí hậu' Minh Hồng: 'Đi đâu từ chối túi nilon cũng bị nhìn rất lạ!'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
09/09/2018 20:02 GMT+7

Hôm nay, 9.9, không nhiều người biết là Ngày không túi nilon tại Việt Nam. Chị Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE, được mệnh danh "Anh hùng khí hậu" chia sẻ với Thanh Niên về túi nilon, về môi trường, vấn đề nóng của toàn cầu.

* Chị có cảm giác như thế nào khi túi nilon là thứ vô cùng rẻ, bước chân ra khỏi nhà là thấy túi nlon tràn ngập?
Chị Hoàng Thị Minh Hồng: Tôi thấy buồn bực, nhưng tôi cũng không trách mọi người. Vì túi nilon quá tiện lợi, và miễn phí, và chắc là mọi người cũng nghĩ là nó sạch sẽ nữa. Khi chưa có các hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức, thì chắc là mọi người cũng “vô tư” thôi, chẳng ai nghĩ sâu xa đến việc dùng nilon vô tội vạ thì có ảnh hưởng gì, cũng là dùng xong rồi bỏ ra bãi rác rồi công ty vệ sinh sẽ dẹp đi thôi, có ảnh hưởng gì đâu.
Các siêu thị hay những người bán lẻ ở chợ thì phải mua túi nilon để phát không cho khách vì nếu không họ sẽ đi siêu thị, hàng khác, thế là càng ngày việc dùng túi nilong càng ăn sâu trong cái thói quen đi chợ của người Việt. Nhiều khi chỉ mua củ gừng, cọng hành, mà người bán hàng cũng bỏ toẹt vào 1 cái túi nilon riêng. Chỉ ở những nơi khách hàng có nhận thức tốt, thì tình trạng này mới khác đi.
Ngày tôi sống ở Thảo Điền (Q.2, TP.HCM), tôi thường đi siêu thị An Phú, là nơi phần lớn khách hàng là người nước ngoài, thì siêu thị đó đã không phát túi nilon từ 7-8 năm trước. Chung quy lại thì vẫn phải thay đổi nhận thức đầu tiên đã. Cho nên gần đây với một số chiến dịch giảm nilon của các tổ chức xã hội, tôi thấy mọi người dùng giỏ/làn đi chợ nhiều hơn, tất nhiên là cũng giới hạn trong một nhóm nhỏ thôi, chưa đại trà được.
* Là một người mẹ, người phụ nữ trong gia đình, chị có thể chia sẻ một chút về thói quen đi chợ hàng ngày, mua sắm, sử dụng túi nilon của chính bản thân chị và người thân?
Chị Hoàng Thị Minh Hồng: Tôi làm cho các tổ chức môi trường mười mấy năm rồi nên đúng là tôi cũng biết phong trào không túi nilon này từ lâu lắm rồi. Thời gian đầu, đi đâu từ chối cái túi nilon cũng bị nhìn rất lạ, hoặc mình vừa đi khỏi thì thấy mấy người bán hàng cười ầm lên. Tôi luôn xách những cái túi đi chợ to đùng của Metro (ngày nay là Mega Market), và mấy cái túi đi chợ của nước ngoài mỗi lần đi công tác lại xách một đống về dùng dần.
Con trai tôi hồi còn nhỏ hay theo mẹ đi siêu thị rất thích đeo mấy cái túi đó vì có hình rất đẹp. Tôi cũng mua nhiều túi lưới, để xách trái cây, rau, còn thịt cá tươi thì tôi bỏ vào các loại hộp nhựa. Nói chung lúc nào đi chợ trông cũng như bà “hâm”, lỉnh kỉnh đủ thứ túi hộp, nhưng kệ, về sau mọi người nhìn cũng quen mắt. Còn trong tủ lạnh ở nhà tôi thì cũng toàn hộp nhựa, hộp thuỷ tinh, và gần đây tôi cũng mua được ở nước ngoài những cái túi silicon đựng đồ ăn màu sắc rất đẹp, sành điệu, để đồ ăn rất gọn.
Nhiều bạn bè người quen của tôi, nhất là các bạn trẻ ở cùng văn phòng, cũng đã học được thói quen này. Nhiều khi sinh nhật bạn bè, hay nhân dịp Noel năm mới gì đó, tôi toàn tặng các bạn đó mấy thứ kiểu túi đi chợ, bình nước, hộp đựng đồ ăn, ống hút tre…. Tôi thấy mình cũng ảnh hưởng được khá nhiều người.
Chỉ có chị giúp việc nhà tôi là khó thay đổi nhất, thỉnh thoảng vẫn “quên”, đi chợ lại xách 1 đống túi về, là tôi lại “cằn nhằn” cho một bài, rồi túi đó mình bắt phải rửa đi để dùng đi dùng lại đến khi những cái túi nát bét mới thôi.
Chị Hoàng Thị Minh Hồng Hồng Tùng
* Gần đây, nhiều chủ trương sống xanh, sống thân thiện với môi trường được phát động, nhưng hình như vẫn chưa thể tác động làm thay đổi gốc rễ hành động lạm dụng túi nilon ở người Việt. Theo chị nguyên nhân vì đâu?
Chị Hoàng Thị Minh Hồng: Theo tôi thói quen này nó quá ăn sâu vào trong cuộc sống ngày rồi, thay đổi không thể ngày một ngày hai, lại càng không thể chỉ mấy cái tổ chức môi trường phát động mà giải quyết là được ngay.
Các hoạt động truyền thông của chúng tôi về tác hại của đồ nhựa dùng một lần, cả đối với môi trường và đối với sức khoẻ con người, chắc chắn đã tác động được những người có hiểu biết, có ý thức về sức khoẻ, và “có điều kiện” một chút, vì đúng là phải hơi có điều kiện thì mới chịu bỏ tiền mua giỏ đi chợ trong khi túi nilon thì vẫn được phát không ở khắp mọi nơi.
Thâm chí trong rất nhiều trường hợp, cũng có ý thức đấy, nhưng cái giỏ đi chợ kia cũng lỉnh kỉnh quá, không tiện mang theo, hoặc đơn giản chỉ vì quên… Nói chung, luyện một thói quen phải mất nhiều thời gian, và nhiều khi phải kết hợp với các yếu tố khác nữa, ví dụ nếu bây giờ siêu thị lại thu mấy nghìn đồng một cái túi nilon, thì vài lần là nhớ ngay.
* Chị đánh giá như thế nào về những nỗ lực của các bạn trẻ đang cố gắng sống xanh, với nhiều việc làm, hoạt động ý nghĩa, như tự một mình đi gom rác, bán sản phẩm thân thiện với môi trường, tái chế túi nilon thành gạch, lập fanpage cổ vũ không dùng túi nilon?
Chị Hoàng Thị Minh Hồng: Tôi thật sự rất ấn tượng với tốc độ và cường độ của phong trào “không nilon” trong giới trẻ hiện nay. Chỉ khoảng 3 năm trước là có rất ít nhóm làm cái này một cách bài bản. Cũng đã từng có nhiều chiến dịch “không nilon” được phát động nhưng thường cũng tắt ngóm sau một thời gian. Nhưng chỉ khoảng 2-3 năm trở lại đây thì phong trào này mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Tôi nghĩ một phần là vì phong trào này trên toàn cầu gần đây cũng rầm rộ hơn rất nhiều, với vai trò đi đầu của Liên hiệp quốc, một số quốc gia, một số tập đoàn lớn, và cả những người nổi tiếng. Và cũng có nhiều nhà tài trợ, nhiều đại sứ quán chọn chủ đề rác nhựa để tài trợ cho các dự án. Có kinh phí thì các hoạt động sẽ có tính lâu dài và chiến lược hơn hẳn.
Rất nhiều start-upsbắt được cái xu thế này để sản xuất và cung cấp các sản phẩm thay thế, nên phong trào sống xanh giảm thiểu nilon này càng ngày càng được lan rộng. Các bạn trẻ cũng khôn ngoan nữa, biết PR cho việc sống xanh này là xu thế, là sành điệu, nên lôi kéo được nhiều người theo, hơn là cứ hô hào theo kiểu phải bảo vệ môi trường thì ai cũng thấy ngại, chẳng ai muốn làm.
Chị Hồng trong một buổi nói chuyện về môi trường Hồng Tùng
* Nhưng, hình như để giải quyết vấn nạn túi nilon, chúng ta cần những giải pháp lâu dài hơn, đồng bộ hơn, chứ không phải chỉ có một số nhóm nhỏ lẻ, trong khi cộng đồng, ở những miền quê, ý thức về túi nilon còn chưa cao?
Chị Hoàng Thị Minh Hồng: Đúng vậy. Tôi vẫn biết là các hoạt động này vẫn đang chỉ tạo tác động lên một số nhóm đối tượng nhất định ở các thành phố lớn thôi, còn đa phần người dân thì chắc chắn cần phải có rất nhiều can thiệp khác. Có một yếu tố rất quan trọng, chính là phải có các sản phẩm thay thế, và tôi hy vọng sẽ càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào mảng này, để chi phí cho các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ ngày càng rẻ, không thì vẫn chỉ có những nhà “có điều kiện” thì mới sống xanh được.
Một can thiệp nữa chắc chắn là sẽ rất hữu hiệu, chính là việc chính phủ cần phải đưa việc giảm rác nhựa vào thành chính sách. Cần đánh thuế nhựa cao hơn, nhất là đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần, khi đó giá thành túi nilon, đồ chén dĩa ống hút nhựa hay hộp xốp sẽ cao hơn, và các siêu thị nhà hàng sẽ bắt đầu phải thu tiền cho các sản phẩm này, hoặc khuyến khích khách hàng mang theo chai, ly, ống hút, hay túi giỏ của mình, chứ không phát miễn phí tràn lan nữa.
Chính quyền các tỉnh thành phố cần sớm có kế hoạch cấm đồ nhựa dùng 1 lần ở các siêu thị, các cơ sở ăn uống… Rất nhiều quốc gia đã cấm hoặc đánh thuế lên đồ nhựa dùng 1 lần rồi, Việt Nam nên nhanh chóng “tiếp bước”, còn không hiện nay Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 4 trong việc thải nhiều rác nhựa ra đại dương, mang tiếng với bạn bè quốc tế lắm.
* Ngày 9.9 được chọn là Ngày không túi nilon ở Việt Nam, từ năm 2009, thế nhưng hình như hiệu ứng của nó có vẻ ngày càng giảm? Thậm chí, tôi hỏi nhiều người, mới đây, họ không hề biết ngày này... Tôi nhớ đến những năm đầu tiên khi chúng ta có ngày không túi nilon, bà con hưởng ứng rất rầm rộ...
Chị Hoàng Thị Minh Hồng: Tôi thì lại không nghĩ vậy. Theo tôi phong trào mạnh hay không nó nằm ở cái việc nó có kéo dài được cả năm hay không, hơn là chỉ thể hiện rầm rộ trong một ngày hành động. Hồi 2009 là Ngày không túi nilon đầu tiên ở Việt Nam, khi đó ở mình có rất ít chiến dịch làm cái này, nên khi Hội An, Đà Nẵng đi đầu phong trào thì báo chí đưa tin rầm rộ, nhưng kỳ thực thì hồi đó phong trào không thể mạnh như bây giờ được. Hiện nay phong trào giảm rác nhựa có sự tham gia của rất nhiều tổ chức phi chính phủ, và rất nhiều các nhóm sinh viên, ở mọi quy mô lớn nhỏ.
Đi chợ không túi nilon là trào lưu nên được nhân rộng Thúy Hằng
Tôi nhận thấy điều này vì chính chúng tôi khi tìm kiếm các nhóm sinh viên để tham gia các chiến dịch môi trường của mình, thì thấy là các nhóm làm rác nhựa là áp đảo hơn bất cứ chủ đề nào khác. Và không chỉ có những hoạt động nhỏ lẻ, tôi thấy có nhiều chương trình rất chiến lược và lâu dài, thậm chí có cả liên minh các đại sứ quán và lãnh sự quán ở Việt Nam tự phát động chiến dịch giảm rác nhựa.
Nhiều dự án của các tổ chức phi chính phủ thì không còn chỉ dừng lại ở nhận thức, mà đã hướng tới giải pháp, hướng tới việc liên kết với các doanh nghiệp. Và cũng có cả những dự án thực hiện ở cả các tỉnh thành xa xôi, chứ không chỉ tập trung ở thành phố lớn, ví dụ như bên WWF thì có chiến dịch giảm rác nhựa ở biển, triển khai ở các đảo du lịch như Phú Quốc …
* Được biết, CHANGE luôn có những chương trình, sáng kiến đồng hành với sự phát triển bền vững, giảm thiểu tối đa túi nilon, trong thời gian tới, CHANGE có những chương trình gì?
Chị Hoàng Thị Minh Hồng: Chiến dịch iCHANGE Plastics của CHANGE luôn có tiêu chí là phải ”bổ ích” và “thú vị”, vì team điều phối của chiến dịch cũng toàn các bạn trẻ, các bạn sáng tạo lắm.
Một mặt, chúng tôi vẫn tiếp tục các hoạt động truyền thông, phát động các chiến dịch sáng tạo trên mạng xã hội để giúp mọi người thay đổi thói quen, ví dụ như chiến dịch 3210 (3 tuần 21 ngày 0 nhựa) vừa rồi được cộng đồng mạng tham gia rất đông đảo, và những hoạt động tuyên truyền khác với sự tham gia của những người nổi tiếng. Một mặt khác chúng tôi tiếp tục phát triển cộng đồng iCHANGE (tạm dịch là Tôi Thay đổi), là một nhóm Facebook gồm gần 1.000 iCHANGErs, là những cá nhân cam kết thay đổi các thói quen dùng đồ nhựa của mình cũng như tham gia các hoạt động của chiến dịch để giúp lan toả cho cộng đồng cũng như đưa ra các giải pháp thực tế.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có những kế hoạch tham vọng hơn: chúng tôi dự định sẽ thuyết phục các hãng hàng không không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần trên máy bay, thuyết phục các công ty lớn xây dựng “văn phòng không nhựa”, các chuỗi cà phê, nhà hàng lớn không dùng li, ống hút nhựa nữa…. Và tất nhiên là một mình chúng tôi không thể làm được ở tất cả tỉnh thành.
Do đó một hoạt động quan trọng chúng tôi sẽ thực hiện là tổ chức các Trại Thủ lĩnh Môi trường dành cho các nhà hoạt động môi trường trẻ ở nhiều tỉnh thành...
* Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi thú vị này!
Chị Hoàng Thị Minh Hồng, là Sáng lập và Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), là một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường tại TP.HCM.
Chị được climateheroes.org công nhận là Anh hùng Khí hậu (Climate Hero) bởi có rất nhiều đóng góp cho phong trào biến đổi khí hậu do giới trẻ điều hành tại Việt Nam. Từ năm 2011, chị đã huy động, tổ chức các chiến dịch, và xây dựng năng lực cho giới trẻ địa phương trong việc thực hiện các dự án về biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo, và hỗ trợ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Mối đam mê khác của chị là động vật hoang dã. Chị cùng đội ngũ trẻ của mình ở CHANGE thực hiện các chương trình dự án kéo dài nhiều năm với mục tiêu giảm nhu cầu tiêu thụ trái phép các sản phẩm động vật hoang dã tại Việt Nam, nhằm cứu những loài nguy cấp nhất (tê giác, voi, tê tê …) khỏi nguy cơ tuyệt chủng. 
Hiện nay, chị là một trong 12 lãnh đạo dân sự từ 12 quốc gia đang tham gia Chương trình Học Giả Quỹ Obama (Obama Foundation Scholars Program) khoá đầu tiên tại Trường đại học Columbia tại New York (Mỹ). Chương trình kéo dài 9 tháng rưỡi này có mục tiêu tiêu nâng cao năng lực cho các lãnh đạo dân sự này, vốn đã có nhiều đóng góp cho các vấn đề xã hội ở các quốc gia, để họ có thêm kiến thức, công cụ và được kết nối với các mạng lưới đối tác , giúp họ làm việc hiệu quả hơn trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề toàn cầu phức tạp mà họ đang theo đuổi.
Năm 1997, chị là người Việt Nam đầu tiên tới Nam Cực, trong chuyến thám hiểm quốc tế do Liên hiệp quốc tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng thế giới về vấn đề nóng lên toàn cầu. Sau chuyến đi này, chị trở thành Đặc phái viên trẻ của UNESCO, và trong cùng năm đó, chị nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2009, chị quay lại Nam Cực lần thứ hai, với tư cách là Trưởng đoàn Việt Nam trong chuyến Thám hiểm Hiệp ước Quốc tế về Nam Cực do tổ chức 2041 thực hiện. 
Trước khi thành lập CHANGE, chị đã có 3 năm giữ vị trí điều phối viên của 350.org Đông Á/Đông Nam Á, và 7 năm giữ vị trí Giám đốc Truyền thông của WWF Khu vực tiểu vùng Mekong Mở rộng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.