Thấy tội lỗi khi dùng túi ni lông

Thúy Hằng
Thúy Hằng
09/04/2018 08:26 GMT+7

Nhiều bạn trẻ đang có xu hướng không sử dụng các vật liệu nhựa gây nguy hại môi trường như túi ni lông , ống hút nhựa...

Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, nhẩm tính sáng nay sẽ đi chợ và sau đó có một cuộc hẹn trong quán cà phê. Cô vào bếp chuẩn bị giỏ và vài chiếc hộp, đồng thời mang thêm một bình inox. Hương mang các vật dụng này để làm gì?
Hãy xách giỏ đi chợ
Cái chợ nhỏ ngay đầu ngõ nhà Hương đã quen với việc một cô gái trẻ ngày ngày cắp chiếc giỏ nhựa đến hàng rau và nói với người bán hàng, bỏ luôn đồ vào giỏ chứ đừng cho vào túi ni lông.
“Thịt cá thì cho vào những hộp nhựa mang theo. Lúc nào tôi cũng rất cảnh giác, thấy người ta cân xong là chìa hộp, chìa giỏ ra chứ không là họ quen tay, cho vào túi ni lông ngay. Ban đầu, ai ở chợ cũng nhìn tôi ngạc nhiên, họ không biết vì sao tôi “kỳ thị” túi ni lông như vậy. Sau khi nghe tôi giải thích về việc bảo vệ môi trường, mọi người đều vui vẻ ủng hộ”, Quỳnh Hương chia sẻ.
Hương 21 tuổi, quê ở Bà Rịa-Vũng Tàu, đang học ngành kinh tế đối ngoại và rất quan tâm đến các vấn đề môi trường. Hương cho hay sau khi tham gia một khóa học 10 ngày về môi trường diễn ra ở Hội An (Quảng Nam) năm 2017, nhiều thói quen, nhận thức trong Hương đã thay đổi mạnh mẽ.
“Tôi lúc nào cũng có cảm giác ăn năn, day dứt khi mang về nhà quá nhiều túi ni lông. Một ngày nào đó ra đường phải ăn xôi, bánh trong những hộp nhựa, thìa nhựa, uống cà phê trong ly nhựa dùng một lần tôi đều cảm thấy tội lỗi với môi trường. Bạn thử nghĩ xem, mình mua 1 ly cà phê đem về mà thải ra: 1 chiếc ly nhựa, 1 nắp nhựa, 1 ống hút nhựa, 1 quai xách nhựa, mất bao nhiêu ngàn năm số nhựa đó mới phân hủy được?”, Hương trăn trở.
Bạn bè đã quen với việc Hương vào quán cà phê là mang theo bình inox và nói nhân viên pha chế cho đồ uống vào đó, cô cũng không bao giờ xin thêm ống hút nhựa, thìa nhựa, túi ni lông... nếu ăn uống bên ngoài.
Hương nói, lúc đầu bạn bè và cả nhân viên bán hàng nhìn cô như “người ngoài hành tinh”, tuy nhiên sau này Hương vô tình đã truyền cảm hứng cho các bạn của cô. “Hôm trước họ khoe với tôi là đi uống sữa đậu nành mà không lấy nắp nhựa, thìa nhựa, quai nhựa. Hôm trước nữa họ nói đi chợ đã mang giỏ mà không đựng trong túi ni lông. Những việc nhỏ nhặt thôi mà khiến tôi vui suốt một ngày”, nữ sinh viên Trường ĐH Ngoại thương hồ hởi.
Nói không với ống hút nhựa, tại sao không?
Ngày Quỳnh Như, 25 tuổi (cựu điều phối truyền thông chiến dịch Giờ trái đất trong 3 năm liên tiếp 2014, 2015 và 2016, đang làm việc tại TP.HCM), đặt hàng trên mạng 20 chiếc ống hút tre từ Hà Nội vào TP.HCM, nhiều đồng nghiệp nhìn Như tỏ nghi ngờ. Tuy nhiên, sau khi nghe Như giải thích về tác hại của ống hút nhựa dùng một lần với môi trường, hơn 10 người trong công ty của Như đã hưởng ứng đặt hàng với cô. Đến nay, nhiều người trong số đó vẫn duy trì thói quen mang ống hút tre sẵn trong túi và rửa đi sau mỗi lần sử dụng.
Quỳnh Như cho hay thời gian làm truyền thông cho chiến dịch Giờ trái đất đã tạo ra thay đổi lớn lao về nhận thức bảo vệ môi trường trong cô, không đơn thuần chỉ là tiết kiệm điện. “Tôi luôn mang theo một chiếc túi vải bên người để nếu mua đồ gì có thể bỏ trực tiếp vào túi. Tôi cũng đã có quai vải, để nếu mua cà phê mang đi có thể cho vào đó xách mà không cần xin thêm túi ni lông. Tôi đang nghiên cứu đặt mua ống hút inox vì tiện lợi hơn ống hút tre khi làm sạch”, Quỳnh Như chia sẻ.
Trong khi đó, Trần Diễm Phúc (23 tuổi), cựu sinh viên ngành khoa học môi trường, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, sáng lập tổ chức vì môi trường Green Fingers Vietnam, cho biết: “Tôi luôn trăn trở khi ra đường nhìn những đống rác nhựa, ly cà phê dùng một lần, ống hút nhựa tràn lan, túi ni lông bay lơ lửng. Dù ở Mỹ hay VN, vấn đề rác nhựa cũng đang làm các nhà khoa học đau đầu, quan trọng nhất vẫn là ý thức con người. Tôi rất hạn chế mua cà phê mang đi, đến công ty thì tôi có cốc sứ riêng, nếu ra quán cà phê tôi yêu cầu dùng ly thủy tinh và không cần ống hút. Những cô bán hàng ở chợ đều vui mừng khi tôi thường tặng họ những bịch túi ni lông tôi gom lại, giặt sạch sau những lần mua hàng”.
Đỗ Thị Thương (27 tuổi), làm nghề tự do tại Hà Nội, cho hay người ta cứ nghĩ bảo vệ môi trường là những gì to tát, tuy nhiên nếu mỗi người bỏ bớt 1 chiếc túi ni lông, 1 ống hút nhựa thì trái đất sẽ xanh hơn, sạch hơn. Thương mới mua một chiếc giỏ làm bạn đồng hành khi đi chợ. Cô cho hay đã thay đổi được thói quen của chính mẹ mình: “Tôi nhớ những ngày thơ bé, nhìn các bà các mẹ xách chiếc làn (giỏ) nhựa và cho trong đó cả một thế giới rau củ quả, con cá thì móc vào que tre, sao thân thương quá. Mẹ tôi nhìn chiếc giỏ và trầm ngâm, mẹ cũng sẽ học con, xách làn đi chợ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.