Nhận thức được vấn đề trên, nhóm sinh viên đến từ nhiều trường ĐH đã quyết định thành lập Deplasticize với mong muốn nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ về những vấn đề mà rác thải nhựa gây ra với môi trường, thông qua đó giảm thiểu đồ dùng bằng nhựa, đặc biệt là túi ni lông và đồ nhựa một lần (chai nước uống, hộp xốp đựng xôi, cốc đựng trà sữa, ống hút...) trong đời sống hằng ngày.
Deplasticize có nghĩa là “Loại bỏ rác thải nhựa”, và “Deplasticize your life” - “Loại bỏ nhựa khỏi cuộc sống của bạn” chính là slogan của dự án.
Để mọi người nhận thức đúng về tác hại của việc sử dụng nhựa là một điều rất khó, bởi hiện nay vẫn chưa có phương tiện gì tiện lợi hơn để thay thế chúng.
tin liên quan
Không gian sạch cho cộng đồngPhương Thanh (du học sinh Canada - trưởng nhóm) nhớ lại những lúc cả nhóm đi tuyên truyền tại các cửa hàng, bị người ta từ chối. Họ đưa ra rất nhiều lý do, như khách hàng yêu cầu ống hút bằng nhựa, đã sử dụng ống tre nhưng bị mốc, ống hút inox thì giá thành cao... Hay phản ứng từ những người trẻ: "Dự án này không khả thi, lấy đâu ra cái gì tiện lợi hơn túi ni lông?", "Túi vải à, bất tiện lắm. Thế lúc khát nước không mua mấy chai nhựa uống để mà chết khát à?"...
Thanh cho rằng mọi người đều nhìn ở khía cạnh tiện lợi của bản thân mình, mà chưa nhìn ở khía cạnh trách nhiệm của bản thân đối với môi trường và sức khỏe của chính mình. Thanh nói: “Trong khi chúng ta có thể thay thế túi ni lông bằng túi vải để sử dụng nhiều lần (được may từ quần áo cũ); sử dụng đồ nhựa dùng được nhiều lần thay thế cho đồ nhựa dùng một lần; đối với việc gói những thực phẩm tươi sống hoặc đã chín có thể sử dụng những chất liệu thiên nhiên như: lá chuối, lá sen, lá dong, hoặc đựng vào hộp đựng thức ăn; phân loại rác thải để tiện cho việc tái chế, tiêu hủy...”.
Hướng phát triển quan trọng nhất của dự án sắp tới là dạy cho học sinh tại Trường THCS Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) về phân loại rác, làm túi vải từ quần áo cũ, tác hại của rác thải nhựa với môi trường và sức khỏe. Bên cạnh đó, tổ chức cuộc thi Thử thách Sống xanh - thí sinh nào giảm được nhiều túi ni lông nhất trong một tuần sẽ được thưởng một sản phẩm của dự án, có thể là túi vải, quai xách vải, hộp bút vải. Đồng thời may túi vải từ quần áo cũ để bán ra thị trường nhằm cung cấp kinh phí hoạt động cho dự án.
Nhóm sinh viên gồm: Nguyễn Thị Phương Thanh (du học sinh Canada), Nguyễn Phương Bình (ĐH Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Phương Hoài (Học viện Ngoại giao), Hoàng Thị Phương Thảo (sinh viên Trường ĐH Thương mại) và Lê Việt Hùng (sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội).
|
Bình luận (0)