Ba đứa trẻ mồ côi khóc nhớ mẹ, khát con chữ giữa Sài Gòn

Cha mất khi Bảo Trân còn trong bụng mẹ, khi Trân được 10 tuổi thì mẹ cũng qua đời vì bệnh ung thư. Ba anh em Trân sống cùng bà ngoại và phải nghỉ học, đi bán vé số để mưu sinh.

Hẻm 927 đường Tạ Quang Bửu, P.5, Q.8 có nhiều đứa trẻ không được đến trường nhưng tội nghiệp nhất là hoàn cảnh của ba anh em Trần Quốc Cường (14 tuổi), Trần Huỳnh Bảo Ngọc (12 tuổi) và Trần Huỳnh Bảo Trân (10 tuổi). 
Cha mất khi Bảo Trân còn trong bụng mẹ, khi Trân được 10 tuổi mẹ cũng qua đời vì bệnh ung thư. Ba anh em sống cùng bà ngoại là cô Bùi Thị Đào (thường gọi bà Tư Đào, 62 tuổi). Có thời gian ba anh em phải nghỉ học, đi bán vé số để mưu sinh.
VIDEO: Bà ngoại kể chuyện ba đứa trẻ mồ côi không được đến trường -
Thực hiện: Vũ Phượng - Ngọc Dương
Quán cà phê lụp xụp trong hẻm 927 Tạ Quang Bửu của bà Tư Đào là nguồn sống duy nhất để bà kiếm tiền mua thức ăn cho 3 đứa cháu mồ côi. Quán của bà Tư Đào chỉ có khách vào sáng sớm, đến trưa lưa thưa rồi vắng hẳn nhưng quán lúc nào cũng rôm rả tiếng nói chuyện của mấy bà cháu.
Từ trái qua là Trần Quốc Cường, Trần Huỳnh Bảo Trân và Trần Huỳnh Bảo Ngọc. Cha của 3 em do nhậu nhiều nên tăng xông rồi mất, còn mẹ mới mất khoảng 7 tháng trước vì bệnh ung thư. Từ ngày mẹ mất, cả 3 anh em ở cùng bà ngoại. Trước đó, khi mẹ nằm viện, 3 em phải nghỉ học rồi sau Cường và Ngọc đi bán vé số, Trân phụ bà bán quán cà phê để có tiền trả nợ chi phí trong những ngày mẹ nằm viện.
Bà Tư Đào được phường cho mượn tạm mảnh đất để bán cà phê. Tiền lời mỗi ngày khoảng từ 80.000 - 150.000 đồng, bà Đào chắt chiu từng đồng có được mua thức ăn cho 3 cháu và để đóng tiền nhà trọ.
Bà Tư Đào tâm sự: “Mẹ nó nói với tôi là bệnh viêm họng thôi không có gì vậy mà tôi thấy uống thuốc cả năm không dứt. Hóa ra là mẹ nó giấu rồi ngày đêm đi làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi ba đứa ăn học. Đến khi ngã xuống, đưa vô viện bác sĩ nói bị ung thư tôi mới biết. Nằm viện vài tháng, nhà có gì tôi cũng bán sạch nhưng rồi bác sĩ cho về nhà, được 1 tuần thì mẹ nó mất”. Từ ngày mẹ mất, Ngọc và Trân nấu cơm cúng mẹ mỗi ngày. Mỗi lần thắp nhang cho mẹ, Trân lại rưng rưng nước mắt rồi chạy đi nơi khác để không ai thấy những giọt nước mắt đang lăn dài trên má.
Sau khi đi bán vé số được 2 tháng, Cường thường xuyên bị người ta lừa lấy vé số, số tiền mang về chẳng đủ để bù tiền vốn nên Cường được một người quen giới thiệu đến nơi học sửa xe để học nghề. Cường tâm sự: "Ngày trước có lần em đi cùng mẹ, thấy xe mẹ hư hoài, sửa xe dọc đường tốn kém lắm nên lúc đó em nghĩ mình phải biết sửa xe để sau này có gì sửa xe cho mẹ. Vậy mà....", Cường bỏ lửng câu nói nghẹn ngào...
Trong 3 anh em, Ngọc có vẻ lầm lỳ, ít nói nhưng có lẽ là người sống nội tâm nhất. Khi bà ngoại lấy tấm hình duy nhất của mẹ em cho tôi xem, Ngọc không nói gì, chỉ ngồi nhìn rồi chảy nước mắt. Tôi quay sang nắm chặt tay, em mới òa lên: "Em nhớ mẹ lắm, em nhớ lúc mẹ đưa em đi học, mẹ dặn em đừng chơi với bạn xấu. Ráng học mai mốt thành tài để nuôi mẹ. Giờ mỗi lần nhớ mẹ em chỉ biết lấy hình ra coi thôi".
Bảo Trân ngồi bên cạnh, nghe chị nói vậy cũng rưng rức khóc theo: “Em nhớ lúc mẹ ru em ngủ, em nhớ lúc mẹ chở em qua nhà má Chín chơi rồi mẹ chở về. Mỗi khi nhớ mẹ em không dám nói với ai, em chỉ lấy hình mẹ ở trong tủ ra coi xong đốt nhang cho mẹ. Trước khi đi làm mẹ hôn rồi mẹ mới đi làm. Em nhớ mẹ lắm…”.
Ba đứa trẻ nhớ cha nhớ mẹ là vậy, nỗi lòng bà Tư cũng chẳng biết nói cùng ai. Nhiều đêm khi ba đứa cháu vừa ngủ, bà ngồi dậy nhìn ba đứa mà nước mắt cứ trào ra. Thương những đứa cháu tội nghiệp vì thiếu tình thương của cha, thương của mẹ nhưng cũng lo cho tương lai, một mai bà không còn trên đời thì ba đứa trẻ sẽ như thế nào…
Đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng hiểu được hoàn cảnh nên ba đứa trẻ dù vẻ ngoài lấm lem, gan lỳ nhưng rất ngoan, bà ngoại nói gì đều nghe lời, gặp người lớn thì lễ phép chào hỏi. Tối đến ba anh em chỉ quanh quẩn ở xóm hoặc ngồi trong nhà quấn quýt lấy ngoại rồi đi ngủ.
Những đứa trẻ cố tỏ ra vô tư và gan lỳ nhưng vẫn nhớ từng kỷ niệm về mẹ, vẫn mong mỏi một giấc mơ được gặp mẹ, được khóc nức nở trong lòng mẹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.