KQuán cà phê lụp xụp của bà Tư Đào nằm nép mình trong một con hẻm trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8, TP.HCM.
Mỗi ngày dù nắng hay mưa bà vẫn đều đặn dọn quán bán để kiếm tiền mua chút thức ăn qua bữa cho ba đứa cháu ngoại là Trần Quốc Cường (14 tuổi), Trần Huỳnh Bảo Ngọc (13 tuổi) và Trần Huỳnh Bảo Trân (11 tuổi).
VIDEO: Bà ngoại kể chuyện ba đứa trẻ mồ côi không được đến trường -
Thực hiện: Vũ Phượng - Ngọc Dương |
Giữa trưa nắng chói chang, quán cà phê cóc của bà Tư Đào (tên thật là Bùi Thị Đào, 62 tuổi) vắng hoe, chỉ có ba đứa trẻ ngồi quanh quẩn bên bà, nói chuyện rôm rả.
Ba đứa trẻ quần áo lấm lem, khuôn mặt ám màu mưu sinh từ quá sớm nhưng đôi mắt vẫn sáng bừng sự hồn nhiên của tuổi đang lớn. Thấy tôi tới, cả 3 đều lễ phép chào hỏi và mời ngồi.
|
Nhưng vì quán trưa vắng tanh nên bà Tư Đào mời tôi vào nhà tiếp chuyện. Căn nhà trọ chừng 25 mét vuông nóng hầm hập, các bức tường mốc meo. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì nhiều ngoài mấy chai nước ngọt mà bà Tư lấy sẵn, hai cái cặp táp đi học treo toòng teng cạnh bên chiếc túi đựng vé số - “gia sản” một thời của ba anh em.
tin liên quan
Cha già 97 tuổi: 'Bánh ú đây' khắp ngõ Sài Gòn; nuôi 2 con gáiỞ cái tuổi đúng ra chỉ ở nhà chơi đùa cùng cháu chắt nhưng cụ ông 97 tuổi Nguyễn Văn Chũm vẫn hàng ngày xách hai giỏ bánh ú và bánh tét đi từng ngõ hẻm ở Sài Gòn để nuôi hai con bệnh tật.
“Mẹ nó nói với tôi là bệnh viêm họng thôi không có gì vậy mà tôi thấy uống thuốc cả năm không dứt. Hóa ra là mẹ nó giấu rồi ngày đêm đi làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi ba đứa ăn học. Đến khi mẹ tụi nhỏ ngã xuống, đưa vô viện nghe bác sĩ nói bị ung thư, tôi mới biết. Nó nằm viện vài tháng, nhà có gì tôi cũng bán sạch nhưng rồi bác sĩ cho về nhà, được 1 tuần thì mẹ nó mất”, bà Tư nghẹn ngào.
|
Nghỉ học mưu sinh
Lúc mẹ nằm viện cũng là lúc ba đứa trẻ phải nghỉ học. Theo lời bà Tư, ngày mẹ mới mất, ba đứa khóc vì nhớ nhưng rồi cũng nguôi ngoai. Để kiếm tiền trả nợ chi phí trong những ngày mẹ nằm viện, Quốc Cường và Bảo Ngọc đi bán vé số, còn Bảo Trân phụ bà bán cà phê ở quán.
Vậy nhưng Quốc Cường và Bảo Ngọc bị người ta lừa lấy vé số liên tục, số tiền mang về không đủ trả tiền vốn nên được vài tháng thì nghỉ ở nhà. Thấy hoàn cảnh bà cháu khó khăn, có người xin cho Cường đi học sửa xe để sau này có nghề lo cho hai em, còn Bảo Ngọc và Bảo Trân được cho đi học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ vào hai ngày cuối tuần. Ngoài ra, Bảo Ngọc còn đến chùa học chữ miễn phí.
|
Bà Tư chia sẻ: “Đứa lớn được học nghề vậy tôi yên tâm lắm. Giờ tôi 62 tuổi, khỏe lúc nào bán cà phê lúc đó chứ đâu biết được ngày mai. Hàng ngày bán cà phê vậy tằn tiện lắm mới đủ tiền đóng tiền nhà. Mấy đứa trẻ cũng dễ, có tiền thì ăn cơm thịt, không có tiền thì trứng vịt chiên lên tụi nó cũng ăn ngon lành không có đòi hỏi”.
Ba đứa trẻ nhớ cha nhớ mẹ là vậy, nỗi lòng bà Tư cũng chẳng biết nói cùng ai. Nhiều đêm sắp nhỏ vừa ngủ, bà ngồi dậy nhìn ba đứa mà nước mắt cứ trào ra. Thương những đứa cháu tội nghiệp vì thiếu tình thương của cha, của mẹ nhưng cũng lo cho tương lai, khi bà Tư không còn nhiều thời gian bên tụi nhỏ nữa...
tin liên quan
Mẹ già 85 tuổi tần tảo nuôi con ngây dại giữa Sài GònChồng bà Thà mất sớm do di chứng của chiến tranh, để lại cho bà 9 đứa con nheo nhóc. Trong số 9 người con, có 2 người bị nhiễm chất độc da cam. Từ ngày đó, một thân một mình bà chạy vạy, buôn bán đủ nghề để kiếm tiền nuôi đàn con thơ dại.
Gặp mẹ trong mơ
Đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng hiểu được hoàn cảnh nên ba đứa trẻ dù vẻ ngoài lấm lem vương chút u hoài trên nét mặt nhưng rất ngoan, bà ngoại nói gì đều nghe lời, gặp người lớn thì lễ phép chào hỏi. Tối đến, ba anh em chỉ quanh quẩn ở xóm hoặc ngồi trong nhà quấn quýt lấy ngoại rồi đi ngủ.
|
“Nhiều hôm sáng ngủ dậy, đứa này nói ngoại ngoại tối con ngủ thấy cha, đứa kia lại kêu con được mẹ xoa đầu trong mơ, hỏi han đủ điều. Nghe xót lòng lắm, tụi nhỏ nhớ cha mẹ quá nên gặp trong mơ như vậy cũng ấm lòng”, bà Tư nghẹn ngào.
Nói rồi bà đứng dậy mở tủ sắt lấy một tấm hình được bọc nilon cẩn thận cho tôi xem. Bà bảo: “Ngoài ảnh thờ, thì đây là ảnh duy nhất của mẹ tụi nhỏ mà tôi có được. Hình này chụp lúc mẹ tụi nhỏ làm phụ hồ cho một ngôi chùa ở quận 2. Hồi này là nó biết nó bệnh rồi mà nó giấu tôi và cả mấy đứa nhỏ”.
Ba anh em tụi nhỏ ngồi bên bà Tư nhìn hình mẹ mắt lại đỏ hoe, Bảo Ngọc thì lén quay sang một bên lấy áo chùi vội để tôi không thấy được hai dòng nước mắt vừa rơi trên khuôn mặt em. Đợi em bình tĩnh lại, tôi hỏi: “Nhìn hình em nhớ mẹ phải không?”, Ngọc òa khóc nức nở: “Em nhớ mẹ lắm, em nhớ lúc mẹ đưa em đi học, mẹ dặn em đừng chơi với bạn xấu. Ráng học mai mốt thành tài để nuôi mẹ. Giờ mỗi lần nhớ mẹ em chỉ biết lấy hình ra coi thôi”.
|
Bảo Trân ngồi bên cạnh, nghe chị nói vậy cũng rưng rức khóc theo: “Em nhớ lúc mẹ ru em ngủ, em nhớ lúc mẹ chở em qua nhà má Chín chơi rồi mẹ chở về. Mỗi khi nhớ mẹ, em không dám nói với ai, em chỉ lấy hình mẹ ở trong tủ ra coi xong đốt nhang cho mẹ. Trước khi đi làm mẹ hôn rồi mẹ mới đi làm. Em nhớ mẹ lắm…”.
|
Tôi thắt lòng khi nghe hai em nói vậy, những đứa trẻ cố tỏ ra vô tư và gan lỳ nhưng vẫn nhớ từng kỷ niệm về mẹ, vẫn mong mỏi một giấc mơ được gặp mẹ, được khóc nức nở trong lòng mẹ.
Tôi cũng không đủ can đảm để hỏi thêm gì đến ký ức về mẹ của ba đứa trẻ. Tôi sợ nghe từng câu trả lời của ba đứa trẻ tôi sẽ nức nở theo, tôi sợ từng câu trả lời sẽ lại khiến ba đứa trẻ bất hạnh òa khóc…
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)