Bác sĩ ở Sài Gòn lặn lội đi hát 'kiếm cơm' cho... bệnh nhân nghèo

25/08/2016 09:20 GMT+7

Một nhóm bác sĩ ở Sài Gòn đã cùng nhau “kiếm cơm” cho bệnh nhân nghèo bằng cách từ bỏ tiền túi, đến vận động trên facebook và đi hát ở quán cà phê.

Ăn cơm miễn phí bằng phiếu "Dĩa cơm trên tường”
Chăm cháu đang nằm viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), hai hôm nay, bà Bé (ngụ Long An) tiết kiệm được hai bữa cơm trưa để dành tiền mua thêm sữa bồi bổ cho cháu. Tại quán cơm Đức Toàn (đường Lý Thái Tổ, đối diện Bệnh viện Nhi đồng 1), bà Nguyễn Thị Thanh, chủ quán cho biết, cũng như bà Bé, mỗi buổi có hơn 40 lượt khách mang phiếu “Dĩa cơm trên tường” đến quán bà ăn cơm hoặc “mua” mang về, không phải trả tiền.
“Tiền cơm của khách có phiếu “Dĩa cơm trên tường” đã có người khác trả cho quán. Tui thu phiếu này và thanh toán với người đã có hợp đồng với tui. Việc này đã thực hiện gần hai năm nay”, bà Thanh nói.
Mỗi ngày, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nghèo đang nằm viện nhận phiếu “Dĩa cơm trên tường” do hai sinh viên của Trường ĐH Y dược (TP.HCM) phát.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM), những “Dĩa cơm trên tường” này được phát thông qua phòng công tác xã hội. Phiếu được chia về các khoa và được điều dưỡng trưởng phát cho bệnh nhân.
Người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) "mua" cơm bằng phiếu "Dĩa cơm trên tường" - Ảnh: Nguyên Mi
Đứng sau những “Dĩa cơm trên tường” này là nhóm các y bác sĩ, dược sĩ. Mà ý tưởng bắt đầu từ bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM).

Chúng tôi không tổ chức nấu, phát cơm từ thiện. Chúng tôi chọn những quán cơm có sẵn gần bệnh viện, hoặc căn-tin bệnh viện, nơi bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân thường mua cơm ăn. Chúng tôi có hợp đồng với quán và mua suất cơm. Bệnh nhân, thân nhân nghèo được nhận phiếu “Dĩa cơm trên tường” chỉ cần cầm phiếu đến quán cơm để ăn cơm, giống như những khách hàng khác

Bác sĩ Hiển chia sẻ

“Chúng tôi không tổ chức nấu, phát cơm từ thiện. Chúng tôi chọn những quán cơm có sẵn gần bệnh viện, hoặc căn-tin bệnh viện, nơi bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân thường mua cơm ăn. Chúng tôi có hợp đồng với quán và mua suất cơm. Khách của chúng tôi (bệnh nhân, thân nhân nghèo được nhận “Dĩa cơm trên tường” – PV) chỉ cần cầm phiếu đến quán cơm để ăn cơm, giống như những khách hàng khác”, bác sĩ Hiển cho biết.
“Người nhận phần cơm là người nghèo, khó khăn nhưng tất cả đều có lòng tự trọng lắm!”, bác sĩ Hiển nói. Vì vậy, khi ký hợp đồng với quán làm đối tác với chương trình “Dĩa cơm trên tường”, yêu cầu đầu tiên của các bác sĩ đối với chủ quán là không được phép phân biệt đối xử với khách của “Dĩa cơm trên tường”.
“Họ không ăn cơm miễn phí mà những phần cơm đó được trả tiền như những thực khách khác”, bác sĩ Hiển chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hiển tâm sự, khi đồng ý làm đối tác với “Dĩa cơm trên tường”, các chủ quán hầu hết đều có tâm làm thiện nguyện và có lòng giúp đỡ người khác.
Thế nên, hầu như, họ lấy ngang giá tất cả các suất cơm, món ăn là 20.000 đồng, dù có thể có những món giá là 24.000-25.000 đồng.
Chương trình "Dĩa cơm trên tường" đã được nhóm bác sĩ thực hiện gần hai năm nay - Ảnh: Nguyên Mi
“Dĩa cơm trên tường” của các bác sĩ đã được triển khai gần hai năm qua. Hiện giờ, chương trình đã thực hiện ở 4 bệnh viện lớn trong TP.HCM là Bệnh viện Nhi đồng 1 (Quán cơm Đức Toàn), Bệnh viện Nhi đồng 2 (căn-tin khu X-quang), Bệnh viện Chợ Rẫy (Quán Hoàng Vương) và Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (căn-tin).
Với 420 dĩa cơm mỗi tuần, mỗi dĩa cơm có giá 20.000 đồng.
Thế là, bên cạnh việc mỗi ngày khám, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, các y bác sĩ, dược sĩ còn lo chạy “kiếm cơm” cho những bệnh nhân nghèo.
Đi hát ở quán để kiếm cơm
Ban đầu, các bác sĩ đã tự bỏ tiền túi của mình, vận động trong đồng nghiệp để “kiếm cơm” cho bệnh nhân. Mọi đóng góp đều được quy về đơn vị tính là “dĩa cơm”. Có lúc, quỹ giảm, chỉ còn được có hơn 100 dĩa cơm. Thế là các bác sĩ phải nghĩ ra cách để lan tỏa hoạt động, có nhiều sự ủng hộ hơn với nhiều hoạt động vận động trên facebook.
Ban tổ chức chương trình Đêm nhạc Blouse trắng - Ảnh: Bác sĩ Hiển cung cấp
Rồi từ facebook mà những người trước giờ chưa quen biết nhau, cùng mong muốn giúp đỡ những bệnh nhân nghèo đã liên lạc với nhau và offline, lên ý tưởng thực hiện Đêm nhạc blouse trắng. Đêm nhạc được tổ chức tại một quán cà phê, cũng là điểm hẹn quen thuộc của các y bác sĩ.
Người hát được tuyển chọn, đều là những “giọng ca vàng” trong ngành y, tập dợt, đạt tiêu chuẩn “hát phòng trà” mới được biểu diễn. Đêm nhạc tổ chức mỗi tối thứ 7 hằng tuần. Khi thực hiện đêm nhạc, các bác sĩ chỉ dự kiến thu hút khoảng 30 khách, thu được 5-7 triệu đồng. Bản thân sức chứa của quán cà phê chỉ khoảng hơn 70 người. Nhưng đêm đầu tiên, khi thông tin được đưa lên facebook, đêm nhạc phòng trà của những người khoác áo blouse trắng đã nhận được hơn 300 người đăng ký đặt chỗ.
Đêm nhạc đầu tiên thu được hơn 2.000 dĩa cơm.
Chương trình hiện giờ đã lan tỏa rộng ra, không chỉ là nhóm y bác sĩ, những người trong ngành y mà cả những người “không mặc áo blouse trắng”.
“Chưa bao giờ tồn quỹ được nhiều như thế: hơn 16 ngàn dĩa cơm”, bác sĩ Hiển hào hứng chia sẻ sau sự thành công của đêm nhạc thứ ba (tối 20.8).
Ca sĩ và nhạc công của đêm nhạc đều là những y bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế. Những người đến đây, từ ca sĩ, nhạc công, ban tổ chức, âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật,… đều tự bỏ tiền túi mình ra trả tiền nước và các chi phí thực hiện chương trình. Tất cả đều không có một đồng thù lao nào.
Chi phí thu từ đêm nhạc được mua cơm cho bệnh nhân nghèo là những phiếu "Dĩa cơm trên tường" này - Ảnh: Nguyên Mi
Khán giả đến xem chương trình vẫn trả tiền nước cho quán và sẽ quyên góp tiền vào chiếc thùng từ thiện tùy theo khả năng của mỗi người.
Tôn chỉ của chương trình “Dĩa cơm trên tường” là: “Tất cả tiền quyên góp được biến thành cơm. Tất cả chi phí tổ chức phải là tiền túi của người thực hiện. Từ trước đến giờ, chúng tôi chưa bao giờ sử dụng bất cứ đồng tiền nào của quỹ từ thiện để làm tổ chức”, bác sĩ Hiển nói.
Qua đó, các y bác sĩ và những người tổ chức Đêm nhạc Blouse trắng mong muốn, “Dĩa cơm trên tường” không chỉ ở bốn bệnh viện mà lan tỏa ra các bệnh viện trong TP.HCM và cả nước.
“Biến” ly cà phê ở Ý thành dĩa cơm cho bệnh nhân
“Tại các quán cà phê ở TP Venice (Ý), nhiều vị khách vào uống cà phê nhưng luôn trả tiền cho số ly cà phê nhiều hơn số ly mình đã uống. Với những ly cà phê được khách trả tiền thêm, người phục vụ sẽ dán lên tường một bức ảnh ly cà phê. Sau đó, những người vô gia cư có thể vào quán để lấy bức ảnh ly cà phê trên tường xuống và đổi lấy một ly cà phê thật để thuởng thức.
Thế là từ hình thức lãng mạn và đầy tính nhân văn mà tôi biết được khi đi tu nghiệp ở Ý cách đây nhiều năm này. Tôi quyết tâm thực hiện “Dĩa cơm trên tường” cho bệnh nhân nghèo.
Người Việt Nam mình, đặc biệt là các bệnh nhân nghèo cần cơm hơn cà phê”.
Bác sĩ Hiển chia sẻ ý tưởng.
Ý tưởng đó nhận được sự ủng hộ của bác sĩ Võ Xuân Sơn (Phòng khám quốc tế Exson, từng công tác tại khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) và lan tỏa ra trong một nhóm y bác sĩ.
Đêm nhạc Blouse trắng được tổ chức tại quán cà phê Somewhere (đường Trường Sơn, phường 15, Q.10, TP.HCM) vào tối thứ 7 mỗi tuần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.