Nghèo vẫn phải mổ dịch vụ: Nên tách bạch công - tư

08/08/2016 08:32 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết Nghèo vẫn phải mổ dịch vụ trên Thanh Niên số phát hành ngày 7.8.

Xót lòng
Đọc thông tin người nghèo phải vay nóng để có tiền mổ dịch vụ mà nhói lòng. Sao lại có tình trạng khổ như vậy ở một đất nước như chúng ta? Phải làm sao để người nghèo đỡ khổ, thậm chí được chữa bệnh miễn phí chứ không thể có sự “nhanh, tốt” trong chữa trị bệnh một cách tốn kém như vậy.
Nguyễn Thúy Nga
(P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM)
Lấy công làm tư
Đã đến bệnh viện công mà phải chịu dịch vụ tư thì quá bất cập. Nếu thế thì thà ngay từ đầu đến bệnh viện tư còn tốt hơn, được chăm sóc tận tụy, dịch vụ tốt. Đã là bệnh viện công lại thực hiện dịch vụ tư thì hóa ra bệnh viện lấy của công làm tư, bỏ túi cho từng cá nhân, cho riêng bệnh viện hay sao? Tôi nghĩ nên dẹp bỏ cái gọi là “dịch vụ” ở bệnh viện công đi. Nên cấm tuyệt đối. Công ra công, tư ra tư. Bác sĩ nào muốn có nhiều tiền thì ra bệnh viện tư mà làm.
Văn Thành Minh Quân
(P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM)
Tốt cho bệnh nhân hay bác sĩ ?
Phải tăng cường dịch vụ để cải thiện đời sống cho đội ngũ y bác sĩ thì đúng hơn. Nếu tham gia các ca mổ chương trình thì thù lao một ca mổ cho bác sĩ có khi chỉ vài chục ngàn đồng. Trong khi đó, tham gia mổ dịch vụ thì tiền thù lao cho bác sĩ gấp nhiều lần thì tại sao bác sĩ lại không ham mổ dịch vụ? Vì thế nên bác sĩ nào cũng muốn tham gia mổ dịch vụ, nhiệt tình với mổ dịch vụ hơn là mổ chương trình. Ai cũng kêu gọi lương tâm, y đức của bác sĩ nhưng với mức lương thấp, tiền thù lao ca mổ ít ỏi thì có mấy bác sĩ “trụ” được với lương tâm? Tôi nghĩ làm dịch vụ ở bệnh viện công là để tốt cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên bệnh viện hơn là cho bệnh nhân.
Huỳnh Ngọc Tân
(Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng)
Ngoài giờ - trong giờ
Nói làm dịch vụ là làm ngoài giờ thì hãy để cái phần ngoài giờ ấy cho các bệnh viện tư họ làm. Bác sĩ ở bệnh viện công, ngoài giờ hành chính, muốn tăng thêm thu nhập thì sang bệnh viện tư mà làm. Khi ở bệnh viện công thì chăm chỉ phục vụ cho người nghèo, người bệnh. Không thể cơ sở vật chất, nhân sự của bệnh viện công mà đi làm dịch vụ để thu tiền. Nên rạch ròi công tư, không nên có sự nhập nhèm lạ lùng như vậy.
Đỗ Minh Đạo
(TP.Hải Phòng)
Nguyễn Thị Thùy Dung
Y tế công - tư cần phân biệt rõ ràng. Không thể có chuyện đến bệnh viện công để “khám tư”. Chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao, người bệnh cũng cần được phục vụ, chăm sóc chu đáo. Không thể có chuyện một bệnh viện có vài phòng bệnh được trang bị máy lạnh thì gọi là dịch vụ còn lại thì dành cho bệnh nhân bình thường. Dịch vụ hay không dịch vụ cũng tự bệnh viện đẻ ra rồi thu phí cao hơn chứ thực chất thì chất lượng khám, chữa bệnh cũng như nhau thôi.
Nguyễn Thị Thùy Dung
 (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Nguyễn Thị Chín
Do khám, chữa trị dịch vụ nhanh, phục vụ chu đáo nên nhiều bệnh nhân dù không tiền cũng cố lựa chọn. Bên cạnh đó, thông tin tư vấn từ bệnh viện, bác sĩ về bệnh tình của bệnh nhân, cần thiết hay không cần mổ, khám dịch vụ... rất ít đến với bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân. Vì quá lo lắng cho bệnh tình của bệnh nhân nên hễ nghe bác sĩ nói dịch vụ sẽ mổ nhanh thì ai cũng chọn dịch vụ.
Nguyễn Thị Chín
 (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
An Phong - Duy Khang
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.