Bác sĩ tâm thần kể chuyện tình người ở 'cõi điên', nỗi đau không của riêng ai!

Huy Đạt
Huy Đạt
26/02/2019 09:39 GMT+7

Dù có lúc bị bệnh nhân xem là "kẻ thù", nhưng các y bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng không bỏ cuộc. Với họ, một câu hỏi ngây dại, những câu hát vu vơ lại gieo hy vọng cho chuyến trở về từ “cõi điên”...

Bệnh viện tâm thần vốn là nơi mà khi nhắc đến người ta sẽ nghĩ ngay đến những con người có số phận bất hạnh, ngây ngây, dại dại… và là nơi mà những áng mây u ám phần nào lấn lướt những khoảng trời ngập nắng tươi vui. Thế nhưng, khi trực tiếp có mặt tại thế giới của những “người điên” tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), chúng tôi phần nào hiểu được tình cảm của những “người tỉnh” dành cho “người điên” nơi đây.
Sau khi trải qua những sang chấn do áp lực cuộc sống, những cú sốc do tình cảm, công việc, học hành hay là đáng thương hơn là do bị tai nạn chấn thương… họ lạc vào “thế giới của người điên”. Thấy chúng tôi - những "người lạ" đến thăm vào sáng sớm, nhiều người giật mình ngồi dậy nhìn, vẫy tay chào, miệng gọi tên Hiền, Hoa, Liên… nào đó một cách vô thức. Có người nhanh chân đi tránh ra chỗ khác, người thì chạy đến cười toe toét xin thuốc lá, xin bánh kẹo còn người lại sợ đắp chăn phủ đầu giả vờ đang ngủ say.
Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng là "ngôi nhà chung" của những phận người bất hạnh. Các y bác sĩ luôn mong muốn họ sẽ là những người cầm tay dắt những phận người ấy quay về từ "cõi điên" ẢNH: HUY ĐẠT
 

Sẵn sàng để bệnh nhân trút bầu uất ức

Không chỉ là tâm thần phân liệt, các bệnh nhân tâm thần còn mắc phải nhiều chứng bệnh khác như: lo âu, mất ngủ, trầm cảm, hưng cảm, nghiện rượu, “ngáo đá”… Hằng ngày, các y bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng luôn phải “gồng mình” để nỗ lực hết sức giành giật với số phận, để được nắm lấy tay bệnh nhân đưa họ trở về từ “cõi điên”. 
Tiếp chuyện chúng tôi sau buổi giao ban đầu tuần, bác sĩ Trần Nguyên Ngọc - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, người gắn bó với bệnh viện từ ngày còn là một chàng sinh viên y khoa mới tốt nghiệp. Trong suốt gần 30 năm sống chung cùng bệnh nhân tâm thần, bác sĩ Ngọc cho biết những bác sĩ, y tá và điều dưỡng  nhiều lần bị bệnh nhân uy hiếp, thậm chí tấn công dữ dội khi họ lên cơn kích động.
Mặc dù hung dữ khi lên cơn nhưng bệnh nhân tâm thần vẫn có những khoảng lặng khiến các y, bác sĩ ai nấy đều mủi lòng. Lúc bệnh nhân “nửa tỉnh nửa điên”, bác sĩ ngay lập tức trở thành người yêu, ba mẹ, anh em hay thậm chí là “kẻ thù” để bệnh nhân trải lòng, trút cơn uất ức. “Xã hội ngày càng phát triển, nhịp sống hiện đại khiến con người chịu nhiều áp lực, từ đó số lượng người mắc bệnh tâm thần ngày càng tăng", bác sĩ Ngọc chia sẻ.
Hằng ngày vào sáng sớm, các bác sĩ, điều dưỡng đánh thức bệnh nhân, giúp họ vệ sinh cá nhân và sau đó tất cả bắt đầu tập thể dục chào ngày mới ẢNH: HUY ĐẠT
Các điều dưỡng chuẩn bị cho bệnh nhân 3 bữa ăn/ngày. Sau giờ cơm thì người nhà bệnh nhân sẽ được vào thăm bệnh ẢNH: HUY ĐẠT
Những trường hợp bệnh nặng, người lớn tuổi, người khó khăn khi ăn uống sẽ được các điều dưỡng đút từng muỗng cơm ẢNH: HUY ĐẠT
"Mỗi buổi sáng sau giờ tập thể dục, ăn sáng, uống thuốc, đúng 8 giờ 30 phút tôi mở phòng đánh cờ. Tôi cùng bệnh nhân đánh cờ, để giúp bệnh nhân tập tư duy. Tôi xem bệnh nhân là bạn đánh cờ, cả 2 đều tìm được niềm vui từ việc đánh cờ này", điều dưỡng Hà Quốc Hưng chia sẻ ẢNH: HUY ĐẠT
 
"Có những bệnh nhân rất hung dữ, tấn công các nhân viên bất kỳ lúc nào. Năm ngoái, tại Khoa nam đã có một điều dưỡng tên Nhân bị bệnh nhân đánh gãy tay khi đang cố gắng khuyên cho bệnh nhân uống thuốc. Công việc đút ăn, làm vệ sinh hằng ngày cho các bệnh nhân cần phải có tình cảm, xem bệnh nhân như anh chị em ruột hay cha mẹ thì mới có thể chăm sóc bệnh được”, bác sĩ Ngọc tâm sự.
Ngày trước, sau khi các bệnh nhân được chữa trị thành công và rời bệnh viện, các bác sĩ và điều dưỡng đều không còn liên lạc với họ, không nhận người quen khi vô tình chạm mặt nhau trên đường. Bởi lẽ, các bệnh nhân có tiền sử bệnh tâm thần rất mặc cảm.
Với bác sĩ Ngọc, điều tuyệt vời nhất là khi nhìn thấy những cô cậu sinh viên, sau khi được giải thoát khỏi căn bệnh tâm thần, lại tiếp tục theo đuổi đam mê và nay đã trở thành những kĩ sư, thầy cô giáo… Họ giờ đây xem bác sĩ như cha, như mẹ còn các bác sĩ vẫn ngày ngày dõi theo những bước đi của họ khi họ trở lại cuộc sống bình thường. Từng ca bệnh có những đặc điểm riêng, hoàn cảnh phát bệnh riêng khác nhau. Ngoài điều trị bằng thuốc, các bác sĩ luôn sẵn sàng lắng nghe, để thấu hiểu tâm lý người bệnh để mong tìm được cánh cửa giải thoát cho bệnh nhân.
Giữa bác sĩ và bệnh nhân dường như tồn tại sợi dây gắn kết tình cảm như những người ruột thịt ẢNH: HUY ĐẠT
Tập thể dục kết hợp với các bài nhạc vui nhộn khiến các bệnh nhân rất thích thú ẢNH: HUY ĐẠT
Chỉnh sửa từng động tác cho khớp với bài "Việt Nam ơi" ẢNH: HUY ĐẠT
Tất cả đều tập trung ra sân Khoa Phục hồi chức năng để tập thể dục trước khi bắt đầu một ngày mới ẢNH: HUY ĐẠT

Ám ảnh bởi những kẻ vô nhân tính

Với nét mặt thoáng buồn, bác sĩ Ngọc nhớ lại câu chuyện khiến ông nhớ mãi trong suốt những năm làm nghề cứu người. Lúc còn là Trưởng khoa Nữ, bác sĩ Ngọc cho biết điều khiến những y, bác sĩ nơi đây căm phẫn nhất đó chính là sự vô nhân tính của những kẻ xâm hại tình dục các nữ bệnh nhân khiến họ mang thai. Theo lời kể bác sĩ Ngọc, ngày trước có nữ bệnh nhân tên Được (ngoài 30 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình) mắc bệnh tâm thần bẩm sinh hay đi lang thang khắp nơi. Có lần cô đi lạc đoạn đường hơn 300 km vào tận TP.Đà Nẵng, sau thời gian dài lang thang xin ăn ở đây, cô được mọi người phát hiện đã mang thai.
Lúc lên cơn kích động, chị Được quậy phá buộc nhiều người phải dùng dây trói đưa cô đến Bệnh viện Tâm thần. Bệnh viện nhanh chóng tiếp nhận và nhận ra đây là bệnh nhân cũ đã được xuất viện cách đây gần 1 năm. Qua thăm khám các bác sĩ xác định chị đang mang thai. Điều không may đã xảy đến khiến các y bác sĩ Khoa Nữ ám ảnh đến ngày hôm nay - đó là người phụ nữ  lên cơn kích động, hoảng loạn kinh hoàng nên các bác sĩ dù cố gắng hết sức vẫn không thể giữ được đứa bé.
“Đó là lần thứ 3 chị được bị người ta xâm hại tình dục dẫn đến có thai, đứa thứ 3 không may bị sẩy khi người mẹ lên cơn. Gia đình bệnh nhân quá nghèo, việc an táng cho thai nhi được bệnh viện tự sắp xếp. Tôi nhớ mãi, ngày đó làm gì có xe máy, tôi cùng vài bác sĩ người chở, người đạp xe theo để ôm chiếc quách nhỏ lên an táng tại nghĩa trang quận”, bác sĩ Ngọc nhớ lại.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thúy Trang đến từng phòng bệnh để đút cơm cho các bệnh nhân bệnh nặng. Trong ảnh chị Trang đang đút cơm cho nữ bệnh nhân tâm thần lang thang xin ăn, quê tỉnh Quảng Bình ẢNH: HUY ĐẠT
Tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, ngoài những trường hợp tâm thần do bẩm sinh, đa số bệnh nhân đều bị trải qua một cú sốc hay một kích động nặng nào đó. Nơi đây, trẻ em có, già có, mỗi bệnh nhân có một biểu hiện bệnh khác nhau, nhưng tất cả họ đều thích nói chuyện, thích được
Lần đầu cứu người cách đây hơn 10 năm, lúc đó mới ra trường, em bị ám ảnh rất nhiều. Nửa đêm về giật mình khóc ré, vì cảnh tượng bệnh nhân tự tử hiện trước mặt mình

Điều dưỡng Thúy Trang

gần gũi, thích được yêu thương.
Niềm tin và sức khỏe, thậm chí là cả mạng sống của bệnh nhân đều gửi gắm hết cho các bác sĩ, y tá và điều dưỡng. Mỗi viên thuốc được bệnh nhân uống đều đặn, mỗi nụ cười nở trên môi là cả một quá trình chăm sóc, luôn luôn bên cạnh động viên các bệnh nhân như những người thân ruột thịt.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thúy Trang (39 tuổi, điều dưỡng viên Khoa Nữ), người có thâm niên 14 năm chăm sóc cho các bệnh nhân tâm thần cho biết, điều trị bệnh tâm thần đòi hỏi sự kiên nhẫn, có bệnh nhân thì mất hàng tháng, hàng năm, thậm chí có nhiều bệnh nhân gắn với bệnh viện suốt đời.

Nhiều lần dùng kéo cắt dây cứu bệnh nhân tự tử

“14 năm làm việc chăm sóc bệnh nhân ở đây, tôi xem đây như gia đình thứ 3 của mình. Nơi mà có những người mẹ, người chị và em gái đang ngày ngày phải chống chọi với bệnh tật. Tôi chăm sóc, đút ăn, tắm rửa thậm chí là làm vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân những ngày “đèn đỏ” bằng cả trái tim. Nếu hiểu về người tâm thần, bạn sẽ thấy họ rất đáng thương, họ thiệt thòi rất nhiều”, chị Trang chia sẻ.
Chị Trang tâm sự: "Tôi và bệnh nhân rất thương nhau, có ngày không trực tôi vẫn lên bệnh viện vì sợ họ sẽ bỏ bữa, không chịu ăn" ẢNH: HUY ĐẠT
Nhiều bệnh nhân dở chứng trẻ con, chạy trốn khi đến giờ ăn. Chị Trang đi tìm tận nơi để đút cơm cho ẢNH: HUY ĐẠT
Những người bị bệnh nhẹ có thể giúp các chị điều dưỡng rửa chén bát của mình sau khi ăn ẢNH: HUY ĐẠT
 
Điều khiến chị Trang vui nhất có lẽ là tất cả người bệnh ở nơi đây luôn miệng gọi chị là con gái và xưng mẹ. “Con Trang là con gái của tui đó”, một bệnh nhân vui vẻ khoe với chúng tôi. Ngày ngày chăm sóc bệnh nhân, điều khiến chị Trang lo lắng nhất là theo dõi bệnh nhân bị trầm cảm. Chứng bệnh này khiến bệnh nhân ít nói chuyện với những người xung quanh.
Đã nhiều lần, bệnh nhân lén theo dõi điều dưỡng và bác sĩ, thấy họ vừa đi qua thì ngay lập tức tìm chỗ để tự tử. “Nhiều lần em dùng kéo cắt dây, cứu sống bệnh nhân tự tử. Lần đầu cứu người cách đây hơn 10 năm, lúc đó mới ra trường, em bị ám ảnh rất nhiều. Nửa đêm về giật mình khóc ré, vì cảnh tượng bệnh nhân tự tử hiện trước mặt mình”, chị Trang tâm sự.
Ở đây, liều thuốc quan trọng chính là nghị lực của bệnh nhân cộng với sự ân cần của đội ngũ y bác sĩ. Họ cùng đồng hành với nhau để tìm đường thoát khỏi "cõi điên".
Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đang điều trị cho gần 300 bệnh nhân tâm thần nội trú, trrong đó trên 50% là bệnh nhân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
 
(Còn tiếp)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.