Bán đảo Cà Mau mỗi năm sụt lún 3 - 4 cm do khai thác nước ngầm

Lê Quân
Lê Quân
17/03/2018 09:00 GMT+7

Thông tin này được ông Triệu Đức Huy, Phó tổng giám đốc Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia, cho biết tại hội thảo khoa học Giải pháp xanh cho nguồn nước, do Bộ TN-MT tổ chức ngày 16.3.

Ông Huy cảnh báo tài nguyên nước dưới đất ở VN đang bị tổn thương, nếu không có kế hoạch sử dụng hợp lý sẽ gây ra nhiều hậu quả trong tương lai.
Theo ông Huy, tại nhiều địa phương chưa kiểm soát, giám sát được hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất, đặc biệt là các giếng khoan đơn lẻ công suất nhỏ; chưa kiểm soát được các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; chưa có quy hoạch tài nguyên nước ở quy mô lưu vực sông, quy hoạch nước và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ... Thời gian qua, ở nước ta tồn tại tình trạng khai thác vượt quá trữ lượng; mật độ giếng khoan khai thác bố trí không hợp lý...
Hậu quả của việc khai thác vượt quá trữ lượng cho phép của một số tầng chứa nước gây hạ thấp mực nước, đặc biệt tại một số địa phương như Cà Mau, ven biển ĐBSCL... Tình trạng này kéo dài nhiều năm, gây suy thoái, cạn kiệt ở một số tầng chứa nước, làm gia tăng diện tích nhiễm mặn. Nghiêm trọng nhất, khai thác nước ngầm quá nhiều là một trong những nguyên nhân gây sụt lún mặt đất. Điển hình nhất là ở khu vực bán đảo Cà Mau hiện nay có tốc độ lún trung bình 3 - 4 cm/năm và tiếp tục gia tăng theo thời gian.
PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách TN-MT, cho rằng vấn đề quản lý tài nguyên nước bền vững trở nên cấp bách trên thế giới do chỉ có 3% tổng lượng nước là nước ngọt, 97% là nước mặn.
Ở nước ta chỉ chủ động được chưa đến 30%, đa số nguồn nước còn lại phụ thuộc vào phát sinh tại ngoài lãnh thổ. Tuy nhiên, nguồn nước phát sinh ngoài lãnh thổ đang có xu hướng giảm do vấn đề tích nước làm thủy điện của nước bạn. Đồng thời, tình trạng sử dụng tài nguyên nước không hiệu quả, biến đổi khí hậu... cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.