Bánh tổ phố Hội 100 năm nổi lửa những ngày trắng đêm tiễn ông Táo

Huy Đạt
Huy Đạt
28/01/2019 13:06 GMT+7

Những ngày này, người làm bánh tổ tại TP.Hội An (Quảng Nam) hối hả, tất bật nổi lửa suốt đêm để kịp cung ứng đơn đặt hàng lễ cúng tiễn ông Táo về trời hôm nay 28.1 (tức 23 tháng Chạp).

Khi chuẩn bị mâm lễ cúng tiễn ông Táo về trời, người dân xứ Quảng không thể thiếu món bánh tổ, món bánh trên mâm lễ bàn thờ gia tiên. Như lời nhắc nhớ về cội nguồn, bánh tổ có hình giống tổ chim, bên ngoài được gói bằng lá chuối, bên trong là bột nếp pha sên với đường, thêm gừng tươi và được hấp chín.
Ngót nghét một thế kỷ “nổi lửa” giữ nghề bánh tổ phố Hội
Về nguồn gốc, bánh tổ Hội An xuất hiện trong quá trình hình thành các khu phố cổ của người Hoa từ thế kỷ 16 - 17. Nhưng nhiều người cao tuổi trú tại khu phố Hội Xá (phường Thanh Hà, TP. Hội An) lại có các cách lý giải khác nhau. Có người kể, trong truyền thuyết, bánh tổ do tổ mẫu Âu Cơ làm ra để dành làm lương thực cho trăm con lên núi, xuống biển. Cũng có cách hiểu đơn giản hơn, loại bánh này làm ra chủ yếu là để cúng ông bà nên mới có tên gọi bánh tổ. 
Bánh tổ không thể thiếu trong mâm lễ cúng ngày Tết của người dân xứ Quảng ẢNH: HUY ĐẠT

 


Bánh tổ và cao lầu là 2 món ăn truyền thống, mang nét đặc trưng cho văn hóa ẩm thực của phố cổ Hội An. Ngày trước, bánh tổ được người dân làm ra chỉ đơn thuần được làm để cúng tổ tiên. Theo thời gian, nhiều người từ các địa phương lân cận cùng tìm đến để mua về làm lễ cúng. Bánh tổ Hội An còn "theo chân" du khách quốc tế có mặt khắp nơi trên thế giới.

Tất bật ngày cuối năm

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, có mặt tại làng nghề làm bánh tổ thuộc khu phố Hội Xá (P.Thanh Hà, TP.Hội An), chúng tôi bắt gặp những bàn tay thoăn thoắt, vội vã nổi lửa, đưa bánh tổ vào nồi… của người làm bánh. 
Những người phụ nữ làng nghề bánh tổ phố Hội đang hối hả chạy đua với thời gian để kịp giao bánh theo đơn đặt hàng ẢNH: HUY ĐẠT
Mặc dù đã lớn tuổi nhưng bà Mận vẫn cùng các con nổi lửa suốt đêm nấu bánh tổ ẢNH: HUY ĐẠT
 

Bà Võ Thị Mận (76 tuổi, trú khu phố Hội Xá, PThanh Hà, TP Hội An), người có hơn 50 năm theo nghề làm bánh tổ, cho biết trước đây chỉ làm bánh phục vụ các hộ gia đình trong làng những ngày Tết. Dần dần, nhiều tỉnh thành khác biết đến đặc sản bánh tổ Hội An nên đặt mua với số lượng lớn.
Muốn làm ra được chiếc bánh vừa dai, vừa dẻo, lại có độ ngọt thanh, chứ không ngọt lịm thì người làm bánh phải cần có kinh nghiệm trong việc chọn nguyên liệu. Nếp phải có hạt trắng, tròn mẩy, dẻo và thơm. Đường phải là loại đường bát nấu từ đường mía theo phương pháp cổ truyền của người Quảng.
“Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu tháng Chạp thì nhiều người tìm đến đặt hàng, để bán cho lễ tiễn ông Táo về trời và ngày Tết. Chúng tôi chuẩn bị tất cả các nguyên vật liệu từ sớm, những ngày này phải nổi lửa suốt đêm để nấu bánh cho kịp đơn đặt hàng”, bà Mận nói.
Trung bình mỗi ngày cận tết này, bà Mận cho ra lò khoảng 500 - 600 ổ bánh tổ, giá dao động khoảng 35.000 - 40.000 đồng/chiếc. Theo bà Mận, để có hương vị đặc trưng riêng tạo nên thương hiệu bánh tổ Hội An, người làm bánh phải chọn nguyên liệu rất công phu. Bánh tổ được làm từ hai nguyên liệu chính là nếp và đường.
Các khuôn bánh được đặt lên một tấm vỉ tre. Cứ 12 bánh được xếp vào một vỉ. Lần lượt xếp từng vỉ vào nồi ẢNH: HUY ĐẠT
Bánh tổ được hấp liên tục trong 5 giờ mới chín, sau đó được vớt ra để nguội ẢNH: HUY ĐẠT
Bánh tổ để nguội chờ khách đến nhận ẢNH: HUY ĐẠT
 
“Bước quan trọng nhất là chọn đường đem đi "thắng" cho thật kỹ, loại bỏ hết tạp chất và thêm ít gừng tươi cho thêm hương vị. Sau đó, trộn với bột vừa xay nhuyễn để tạo thành thứ hỗn hợp sền sệt, có màu vàng nhạt. Màu vàng dậy lên là nhờ màu đặc trưng của loại đường bát”, bà Mận chia sẻ.
Màu vàng của bánh tổ là màu đặc trưng từ đường bát ẢNH: HUY ĐAT
Người làm bánh phải đun lửa vừa phải, ổn định trong suốt 5 giờ hấp bánh ẢNH: HUY ĐẠT
 

Các khuôn bánh sau đó được đặt lên một tấm vỉ tre. Cứ 12 bánh xếp một vĩ. Lần lượt xếp từng vĩ vào nồi. Bánh tổ đem hấp liên tục trong 5 giờ thì chín, vớt ra để nguội. Nếu khách có nhu cầu bỏ mè thì khi vớt ra, người chủ nhanh tay rắc mè đã rang chín, làm sạch vỏ lên mặt bánh cho dính lại.

3 đời làm nghề bánh tổ suốt 1 thế kỷ

Hiện nay, ở Hội An số người theo nghề làm bánh tổ còn không nhiều vì bánh chỉ được làm vào dịp Tết, mang tính thời vụ nên người dân khó sống và gắn bó với nghề này. Bên cạnh đó, tiền lãi thu được từ những chiếc bánh khá ít nên số người làm bánh tổ ở Hội An hiện nay dường như chỉ còn “đếm trên đầu ngón tay”.
Xếp bánh vào giỏ để giao cho khách ẢNH: HUY ĐẠT
Những ngày này, thương lái từ khắp nơi đổ vể Hội An để lấy bánh tổ theo số lượng đã đặt hàng từ đầu thàng Chạp ẢNH: HUY ĐẠT
Từ nhỏ, bà Mận đã được cha dạy cho nghề làm bánh tổ. Bà Mận kể ban đầu bà làm bánh tổ theo hướng dẫn của cha, thế rồi cái nghiệp làm bánh tổ đã theo bà đến hôm nay, cũng đã ngót nghét hơn 50 năm. Bà Mận cho biết, đây là nghề gia truyền của gia đình bà Mận, từ đời ông nội, rồi đến cha của bà, đến đời của bà trải qua gần 100 năm.
“Làm bánh tổ lợi nhuận không cao, thế nhưng đây là nghề truyền thống của cha ông để lại nên Tết nào chúng tôi cũng phải làm. Ông cha đã quan niệm rằng, khi đặt tay vào làm bánh thì con cháu sẽ nhớ công ơn cha ông. Vì vậy, tuổi đã cao nhưng tôi vẫn cố gắng làm nghề”, bà Mận tâm sự.
Chiếc “đài” bằng lá chuối được đặt vào một khuôn đan bằng tre để giữ cho bánh không bị biến dạng khi cho vào nồi hấp ẢNH: HUY ĐẠT
Với gần 50 năm làm nghề, bà Mẫn cho biết những chiếc bánh tổ lại được bày lên mâm cúng tổ tiên ởcủa người dân xứ Quảng mang ý nghĩa “chim có tổ, người có tông” ẢNH: HUY ĐẠT
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.