Báo Thanh Niên trao tiền bạn đọc hỗ trợ đến tận tay người dân vùng thiên tai

30/06/2018 17:33 GMT+7

Ngày 29.6, Báo Thanh Niên bắt đầu hành trình hỗ trợ những gia đình có người thân không may thiệt mạng hoặc đang còn mất tích trong lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Con đường từ TP.Lai Châu đi lên trung tâm H.Sìn Hồ lối qua địa bàn H.Phong Thổ dù cơ bản đã thông xe nhưng vẫn còn khó đi với nhiều đoạn đá rơi chưa kịp dọn. Chúng tôi phải đi đường vòng tránh vượt quãng đường gần 70 km lên khu 3, TT.Sìn Hồ thăm gia đình chị Choảng Seo Mẩy (32 tuổi), có chồng là Tẩn A Xoang (34 tuổi) bị lũ cuốn.
Chị Mẩy kể, sau bữa cơm trưa ngày 25.6, anh Xoang cùng một số người hàng xóm ra suối bắt cá. Nước suối khi ấy không lớn, còn lội được sang bên kia bờ để úp cá. Nhưng khoảng 2 giờ, lũ quét bất ngờ tràn về, nên anh Xoang không kịp chạy thoát. Gia đình huy động anh em hàng xóm đi tìm, đến 5 giờ 30 phút thì phát hiện thi thể lẫn trong đất đá cách vị trí bị lũ cuốn đi gần 200 m. Chị Mẩy mất chồng. Còn 5 đứa trẻ, nhỏ nhất mới 3 tuổi, học lớp mầm; cháu lớn chuẩn bị lên lớp 8, vĩnh viễn mồ côi cha.
Trước khi bị lũ cuốn, anh Xoang là giáo viên công tác tại Trường tiểu học số 2 xã Tả Ngảo (H.Sìn Hồ), tiền lương mỗi tháng gần 6 triệu đồng anh đưa cả cho vợ dành dụm nuôi con. Chị Mẩy không có việc làm ổn định, chỉ chạy chợ bán hàng lặt vặt. “Cuộc sống của 6 mẹ con rồi đây sẽ rất khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng để nuôi các cháu ăn học nên người cho chồng an lòng nơi chín suối”, chị Mẩy mắt đỏ hoe nói.
Nhà ở ngay TP.Lai Châu nhưng bà Vũ Thị Mai Phương (55 tuổi) cũng gánh chịu nỗi đau tột cùng khi có chồng là ông Dương Ngọc Hưng (58 tuổi) bị lũ cuốn trôi mất tích trong ngày 24.6 tại trang trại cá tầm ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, H.Tam Đường. Bà Phương kể, sáng 24.6, mưa lớn khiến nước kèm theo đất đã chảy xuống ao cá tầm. Khi thấy cá lóp ngóp dồn lại cuối ao, vợ chồng bà Phương người đầu ao người cuối ao dồn cá đưa sang ao khác. Nhưng đến đợt tràn nước thứ hai, bùn đất từ đồi sạt xuống cuốn theo ông Phương ở phía cuối ao mất tích. Dù ngay sau đó, chính quyền địa phương cùng gia đình tìm kiếm khắp đoạn suối này trong suốt nhiều ngày, nhưng vẫn chưa có kết quả.
“Dù chưa tìm được người nhưng gia đình vẫn phải làm đám tang để hương hồn anh ấy còn có chỗ đi về”, bà Phương nói. Cũng theo bà Phương, trang trại cá tầm rộng 12.000 m2 với hệ thống nhà xưởng, thiết bị trị giá gần 20 tỉ đồng là toàn bộ vốn liếng, mồ hôi công sức làm lụng từ năm 2013. Ngoài nỗi đau tột cùng mất đi người chồng bao năm đồng cam cộng khổ, toàn bộ khối tài sản bị lũ cuốn sạch sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh trắng tay.
Ông Vũ Văn Luật, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, cho biết đến ngày 29.6, ngoài 16 người chết do mưa lũ và sạt lở đất, toàn tỉnh vẫn còn 9 người đang mất tích, trong đó có 4 người ở vụ sạt lở đất, lũ quét tại bản Nậm Há 1, xã Noong Hẻo (H.Sìn Hồ). Cũng theo ông Luật, những người đang mất tích đều ở những khu vực có địa hình phức tạp, không thể đưa máy móc thiết bị vào hỗ trợ nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Nhưng ở đây, các lực lượng quân đội, công an và người dân địa phương vẫn tích cực đào bới các vị trí khả nghi với quyết tâm cao nhất để tìm kiếm.
Chia sẻ với bà con, ngày 29.6, những phần quà hỗ trợ đầu tiên do bạn đọc gửi đến đã được Thanh Niên trao trực tiếp mỗi suất 5 triệu đồng cho những gia đình có người chết và mất tích trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Trong những ngày tới, Báo Thanh Niên tiếp tục các hoạt động cứu trợ đồng bào dân tộc vùng núi phía bắc bị mất tài sản, thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.