Báo Thanh Niên và tôi: Bước ngoặt của cuộc đời

19/12/2015 05:14 GMT+7

Năm ấy, Báo Thanh Niên , tuy chỉ mới ra đời chưa đầy 2 năm nhưng thể hiện tầm vóc của một tờ báo lớn, thật dũng cảm, cố gắng vượt qua những áp lực rất lớn, kiên trì đấu tranh đòi lẽ công bằng trong tuyển sinh.

Năm ấy, Báo Thanh Niên, tuy chỉ mới ra đời chưa đầy 2 năm nhưng thể hiện tầm vóc của một tờ báo lớn, thật dũng cảm, cố gắng vượt qua những áp lực rất lớn, kiên trì đấu tranh đòi lẽ công bằng trong tuyển sinh.

Nguyễn Mạnh Huy (thứ 5 từ trái sang) nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế - Ảnh: Nhân vật cung cấpNguyễn Mạnh Huy (thứ 5 từ trái sang) nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khi vẫn nhận câu trả lời cay nghiệt là không được đi học, tôi cảm thấy hụt hẫng cùng cực, gần như tuyệt vọng, tự nhủ chắc có lẽ nên quay trở lại làm thợ mộc và từ bỏ hẳn ước mơ vào đại học.
Nhưng quả thật rủi may khó đoán, đôi khi có những hành động không hy vọng, chỉ mang tính cầu may, lại trở thành bước ngoặt đời người. Khi đó tôi có một người bạn buôn bán dược phẩm, hay vào Sài Gòn lấy thuốc về Quy Nhơn bán. Khi biết bạn ấy lại sắp vào Sài Gòn, tôi sực nhớ có lần tôi đọc được bài báo nói về trường hợp của một học sinh ở Bình Thuận tên Dương Thị Hà My thi đậu vào trường trung cấp nhưng địa phương không cho đi học, Báo Thanh Niên đã can thiệp và bạn ấy cuối cùng đã được đi học, nên tôi vội viết một lá thư trình bày hoàn cảnh và những nỗ lực của mình, nhờ người bạn mang vào gửi cho Báo Thanh Niên, với một hy vọng nhỏ nhoi là biết đâu mình sẽ được tờ báo can thiệp giống như trường hợp của Hà My.
Người bạn vào Sài Gòn, công việc nhiều chiếm hết thời gian nên quên mất. Đến ngày cuối, trước khi về lại Quy Nhơn, bạn mới sực nhớ, nên chạy vội đến Báo Thanh Niên và gửi thư cho cô tiếp tân của Báo. Cô ấy đọc thư và đã khóc vì thương cảm, rồi tức tốc chuyển cho Ban Công tác bạn đọc. Niềm tin và hy vọng của tôi đã không đặt nhầm chỗ. Với bản lĩnh của những người làm báo chân chính, với tinh thần dám nghĩ, dám làm và đấu tranh để xóa bỏ những bất công, các anh chị ở Báo Thanh Niên đã không ngại ngần, quyết liệt cùng với dư luận lên tiếng bênh vực và đòi quyền đi học cho tôi và những bạn trẻ khác cùng cảnh ngộ.
Tôi thật sự khâm phục và biết ơn sự can đảm, dám đương đầu với áp lực rất lớn khi đó và sự kiên trì đấu tranh vì lẽ công bằng trong tuyển sinh của Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ... và cả dư luận tiến bộ khi ấy đã tạo nên bước ngoặt cho cuộc đời mình.
Cuối cùng, sau 2 tháng kiên trì đấu tranh của Báo Thanh Niên, nhất là sau khi anh Nguyễn Công Khế đã vận động đưa sự việc của tôi và kêu gọi công bằng trong tuyển sinh ra trước Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V, đến cuối năm 1987 tôi đã được UBND tỉnh Nghĩa Bình (khi đó) cho đi học theo chỉ đạo của ông Đỗ Mười (lúc đó đang là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).
Cùng với việc tôi được đi học đại học, chế độ tuyển sinh lỗi thời theo cân đo lý lịch cũng đã bị xóa bỏ. Đó là một sự tiến bộ mà trong đó có sự đóng góp rất lớn của Báo Thanh Niên. Đúng như nhà báo Nguyễn Công Thắng, Trưởng ban Công tác bạn đọc Báo Thanh Niên, đã từng viết: “Báo Thanh Niên đấu tranh để thay đổi chế độ tuyển sinh là trực tiếp mang lại công bằng cho hàng vạn thanh niên có hoàn cảnh lịch sử đặc thù và nghiệt ngã sau chiến tranh, đồng thời đây là một đóng góp của Báo góp phần thúc đẩy tiến trình của công cuộc đổi mới đất nước”.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Báo Thanh Niên phát hành số báo đầu tiên, qua đây, tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Báo Thanh Niên. Khi tôi thật sự bi quan, Báo Thanh Niên đã đưa bàn tay nâng đỡ tôi, giúp tôi vượt qua số phận nghiệt ngã. Tôi tin rằng với chuyên môn vững vàng, với bản lĩnh của mình, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục ngày càng phát triển và vẫn mãi là tờ báo của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, là tờ báo tin cậy của người trẻ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.