“Chưa khi nào tôi thấy kiệt sức và bất lực như lúc này. Nhìn hai con vật vã đau đớn, tôi ước gì có thể chịu thay chúng”, anh nghẹn ngào nói.
|
Suốt 6 năm vợ chồng anh Hải lấy bệnh viện làm nhà, bỏ bê công việc theo bệnh tật của con. Hiện Nhi tiếp tục điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng mono thể M4 (dòng tủy).
Bác sĩ điều trị cho biết nếu đưa cháu Nhi về và ngưng điều trị thì chỉ kéo dài sự sống được chừng 4 - 5 tháng, nếu hóa trị, xạ trị thì tùy vào đáp ứng điều trị. Và ghép tủy là phương pháp tốt nhất, mang lại hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, ca ghép tủy cả tỉ đồng là điều không tưởng đối với gia đình của anh Hải. Anh cho biết con gái đầu của anh là Nguyễn Ngọc Ánh Như, dù mới 10 tuổi và thể trạng không được tốt nhưng nghe nói có thể lấy tủy của mình để có thể cứu sống em vẫn sẵn sàng.
“Nhưng tôi biết xoay đâu ra số tiền lớn như vậy, rồi những đứa còn lại cũng bệnh tật, vợ phải bỏ việc chăm con, khó càng thêm khó...”, anh Hải bất lực nói.
Cách đó vài tầng lầu, ở Khoa Nhi cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc, đứa con trai út bé bỏng của anh cũng đau đớn trong vòng tay mẹ, liên tục phải thở ô xy. Cháu Quốc Hưng từ khi sinh ra cũng liên tục được điều trị tại đây với nhiều biến chứng của dị tật phổi bẩm sinh.
Gần 2 năm nay, vợ anh là chị Võ Thị Ngọc Yên (37 tuổi) phải nghỉ làm công nhân ở khu công nghiệp để ở bệnh viện chăm sóc các con. Một mình anh Hải với đồng lương ít ỏi từ công việc cứu hộ biển bữa đi, bữa nghỉ, phải gánh gồng cho cả gia đình 5 người, với bệnh tật triền miên. Hỏi về những ngày sắp tới, anh bần thần: “Cứ bên các con được ngày nào hay ngày đó, dù đau đớn, dù cảm thấy thật bất lực!”.
Bình luận (0)