Bát nháo nhà máy gỗ dăm tại Quảng Trị, chưa cấp phép vẫn hoạt động

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
16/05/2019 08:13 GMT+7

Nhiều nhà máy chế biến gỗ dăm tại tỉnh Quảng Trị vẫn mọc lên “như nấm sau mưa” với hàng loạt sai phạm.

Chưa cấp phép vẫn hoạt động

Công ty TNHH Bắc Long Sơn (đóng tại thôn Rào Trường, xã Vĩnh Sơn, H.Vĩnh Linh) xây dựng nhà máy ngày 10.3.2019 và hiện có 23 lao động. Từ đó đến nay, công ty đã nhập hơn 3.715 tấn gỗ tràm, xuất hơn 2.613 tấn sản phẩm các loại. Do thấy có những bất thường nên UBND xã Vĩnh Sơn, UBND H.Vĩnh Linh đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra mới phát hiện công ty đang hoạt động “chui”.
Hoạt động chế biến gỗ dăm tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm Ảnh: Thanh Lộc
Cụ thể: chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư; chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng; thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp để xây dựng nhà máy chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu dừng sản xuất thế nhưng hoạt động thu mua và chế biến gỗ dăm vẫn tiếp tục.
Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, ngao ngán nói: “Về việc chấp hành pháp luật cũng như chỉ đạo của UBND xã thì Công ty Bắc Long Sơn này không thực hiện, xem thường địa phương”.
Ngày 7.5 vừa qua, UBND H.Vĩnh Linh đã có kết luận về việc kiểm tra hoạt động các nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn huyện, trong đó có Công ty TNHH Bắc Long Sơn. Theo đó, có 3 phòng ban chuyên môn cấp huyện được giao để lập biên bản xử phạt tương xứng với những sai phạm của công ty này về môi trường, đất đai, hoạt động đầu tư và trật tự xây dựng.

Sai phạm có tính hệ thống

Sau đợt kiểm tra của đoàn liên ngành của huyện tổ chức đầu tháng 5, tính riêng tại H.Vĩnh Linh có 5 nhà máy chế biến gỗ dăm thì chỉ 1 nhà máy không phát hiện sai phạm.
Đơn cử, nhà máy chế biến gỗ dăm của Công ty TNHH Đại Cát Quảng Trị đặt ngay trong Khu công nghiệp tây bắc Hồ Xá (xã Vĩnh Chấp, H.Vĩnh Linh) cũng hoạt động “chui” khi chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư; hợp đồng thuê đất không đúng thẩm quyền; không thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hiện công ty đang nợ thuế, tiền phạt vi phạm hành chính, tiền chậm nộp là 2,6 tỉ đồng. Nhà máy chế biến gỗ dăm của TNHH MTV lâm sản Khánh Hân (thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà) chưa thực hiện việc quan trắc môi trường hằng năm (2 lần/năm). Nhà máy của Công ty CP lâm sản Quảng Trị (thôn Tây Sơn, xã Vĩnh Sơn) nợ 195 triệu đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội.
Trước những sai phạm có tính hệ thống của các nhà máy gỗ dăm, ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Linh, cho biết sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu tái phạm. Theo ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Công thương Quảng Trị thì UBND tỉnh nên giao cho một cơ quan chuyên môn chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành và UBND cấp huyện để tiến hành kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất gỗ dăm trên địa bàn. Đồng thời đề xuất UBND cấp huyện tiến hành kiểm tra, kiểm soát về quản lý trên địa bàn để xử lý các vi phạm của các doanh nghiệp.
Hiện tỉnh Quảng Trị chỉ quy hoạch 12 - 13 nhà máy sản xuất gỗ dăm nhằm ổn định nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, thực tế hiện có trên 25 nhà máy gỗ dăm đang hoạt động, trong đó nhiều nhà máy hoạt động tự phát. Những nhà máy xay gỗ dăm hoạt động trái phép sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như nhà nước thất thu thuế; người lao động không được đảm bảo các quyền lợi, đặc biệt công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và môi trường không được kiểm soát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.