Bé trai 3 tuổi bị cưa hai chân do bác sĩ chẩn đoán sai

24/08/2016 21:02 GMT+7

Một bà mẹ đang kêu gọi nâng cao nhận thức cộng đồng về hội chứng sốc nhiễm độc khiến đứa con trai của mình bị cắt cụt hai chân và bảy ngón tay vào năm ngoái.

Báo Ipswich Star ngày 22.8 đưa tin mới đây, bệnh viện Ipswich ở hạt Suffolk, Anh đã chính thức thừa nhận trách nhiệm và xin lỗi gia đình của Reuben Harvey-Smith, một bé trai 3 tuổi bị cắt cụt hai chân và bảy ngón tay sau khi các bác sĩ ở bệnh viện Ipswich chẩn đoán sai về tình trạng sức khỏe của cháu bé.
Tháng 7 năm ngoái, chị Louise Harvey-Smith, mẹ của Reuben Harvey-Smith, đưa con mình đến bệnh viện Ipswich để điều trị vết bỏng do đụng phải bàn ủi. Hai ngày sau đó, chị đưa con trở lại bệnh viện để tái khám vì cháu bé lên cơn sốt cao và đau họng.
Các bác sĩ đã chẩn đoán Reuben Harvey-Smith bị viêm amidan và đã kê đơn thuốc kháng sinh cho cháu bé uống ở nhà.
Bé trai 3 tuổi bị cưa hai chân do bác sĩ chẩn đoán sai
Reuben Harvey-Smith hồi phục sau khi được phẫu thuật cắt bỏ hai chân và bảy ngón tay để cứu tính mạng Ảnh: PA
Không tin vào chẩn đoán này, chị Louise Harvey-Smith đã đưa con đi khám ở bệnh viện Chelsea & Westminster ở London, nơi các bác sĩ thông báo con chị bị hội chứng sốc nhiễm độc do vết bỏng gây ra. Hội chứng sốc nhiễm độc là tình trạng hiếm gặp, đe dọa đến tính mạng do độc tố của vi khuẩn phát tán các chất độc vào dòng máu trong cơ thể.
Tuy nhiên, do tình trạng nhiễm trùng huyết của cháu bé đã quá nguy cấp nên các bác sĩ buộc phải cắt bỏ hai chân của Reuben Harvey-Smith từ đầu gối trở xuống và bảy ngón tay để cứu tính mạng.
Chị Louise Harvey-Smith cho biết sau khi hồi tỉnh từ ca phẫu thuật, Reuben Harvey-Smith đã nhìn xuống đôi chân bị cụt và nói “đôi bàn chân đau đã mất rồi, con sẽ có đôi chân mới”.
Chị Louise Harvey-Smith cho rằng con mình sẽ được điều trị kịp thời nếu các bác sĩ ở bệnh viện Ipswich không tắc trách trong khâu chẩn đoán.
Chị đã khởi kiện bệnh viện Ipswich và đang kêu gọi nâng cao nhận thức cho cộng đồng về mối liên quan giữa các vết thương do bỏng và hội chứng sốc nhiễm độc. Chị cho biết sẽ vận động thành lập một quỹ từ thiện để cung cấp các thiết bị chân tay giả tốt hơn cho những người bị cụt tay chân.
Chị nói: “Tôi đã kiềm nén giận dữ vì cuối cùng, tôi vẫn còn con trai. Những gì tôi muốn bây giờ mà bảo đảm chuyện này không xảy ra với ai khác nữa”.
Bước đầu, bệnh viện Ipswich đã bồi thường 50.000 bảng cho gia đình của chị Louise Harvey-Smith và hai bên vẫn đang thương lượng mức bồi thường cuối cùng có thể lên đến 4 triệu bảng (118 tỉ đồng VN).
Người phát ngôn của bệnh viện Ipswich cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với gia đình của chị Louise Harvey-Smith để bảo đảm rút ra các bài học về trường hợp của Reuben đồng thời tăng cường huấn luyện thêm cho đội ngũ y bác sĩ ở khoa cấp cứu và tai nạn về nhận thức các dấu hiệu cảnh báo của hội chứng sốc nhiễm độc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.