Chúng tôi đến thăm anh Triệu Minh Hoàng, sau khi ca phẫu thuật thành công. Thi thoảng, anh vẫn than đau vì chưa tự ngồi dậy được. Chị Phạm Thị Ánh Tuyết đến thăm, tay một bên xách lốc sữa, một bên mang lốc nước yến vào cho anh Hoàng. “Anh thấy khỏe hơn chưa? Còn đau ban đêm không? Ngủ có tròn giấc không? Vợ chồng em có mua bánh trái, sữa và yến cho anh nè”. Những câu hỏi thăm vang lên trong phòng bệnh, khiến người xung quanh tưởng chị Tuyết và anh Hoàng là người thân. Thật ra, họ không hề có máu mủ, chỉ biết nhau qua một bài đăng tải kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội...
***
|
Anh Hoàng làm nghề thợ hồ, trên đường đi làm từ Vũng Tàu trở về Sài Gòn, vì sợ kẹt đường, anh rẽ vào lối đi rừng cao su ở ngã ba Cát Lái. Trời tối, bụi nhiều, chẳng may anh tự té ngã và bất tỉnh. Khi mở mắt dậy, anh thấy mình trong Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, chân bị treo lên, xe không còn mà số tiền 4 triệu đồng mới được lãnh cũng biến mất.
Nằm được 4 ngày, bạn ở trọ cùng anh Hoàng tại Sài Gòn đến thăm. Bác sĩ chẩn đoán anh bị gãy chân, gãy xương sườn. Chân phải làm phẫu thuật bắt ốc vào để nối lại chân, không thì hoại tử và cưa chân. Bất lực, anh về lại căn nhà trọ ọp ẹp ở Q.8 (TP.HCM) nằm chờ.
“Tôi một mình ở đất Sài Gòn mưu sinh, bố có vợ khác và lập gia đình đã hơn chục năm không gặp mặt, còn mẹ ở quê một mình, già yếu nên tôi không dám cho biết chuyện. Nghe số tiền phẫu thuật lên tới 17 triệu đồng, tôi khóc, nhờ bạn ở chung đưa về phòng trọ nằm”, anh Hoàng tâm sự.
Biết chuyện, một người cùng xóm với anh Hoàng liên hệ các nhóm làm từ thiện để xin hỗ trợ. Chị Tuyết cùng bạn mình là chị Phượng biết được liền đi xác minh. “Vì bây giờ lừa đảo cũng nhiều nên chị tôi đến tận nhà anh Hoàng để kiểm chứng bởi tôi không muốn dính thị phi, nhất là khi mình lấy tâm ra để giúp đỡ. Khi mọi chuyện đã rõ, tôi ngồi suy nghĩ, mình cũng là con người nên hiểu cái chân rất quan trọng trong sinh hoạt, làm ăn. Tiền thì mình có thể kiếm lại, nhưng giờ trễ thêm thì chân anh ấy sẽ bị cưa nên tôi chia sẻ bài viết kêu gọi bạn bè trên Facebook giúp đỡ”, chị Tuyết bộc bạch.
“Con người không hề vô cảm”
Ngay khi đăng tải nội dung kêu gọi lên trang cá nhân, chị Tuyết nhận được khá nhiều lượt yêu thích và chia sẻ. Chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, tổng cộng số tiền những người ghé ngang Facebook biết chuyện đã đóng góp được 18 triệu đồng.
Bất ngờ với kết quả từ những tấm lòng của mọi người, chị Tuyết trải lòng: “Một ngày tôi làm ăn, tiền ra vào tài khoản cũng nhiều nhưng hễ thấy tiền vào với nội dung giúp đỡ anh Hoàng thì tôi nhảy cẫng lên vui sướng, hơn cả tiền mình làm ra. Dù bạn bè kêu ứng giùm chứ không chuyển tiền liền nhưng tôi cũng vui. Khi đó, tôi cảm giác mọi người tin tưởng mình, chung tay với mình giúp đỡ một người xa lạ, nghĩa là con người không hề vô cảm”.
Chị Tuyết bộc bạch, từ ngày làm mẹ, chị tham gia nhiều hơn vào hoạt động xã hội vì hiểu được một mạng người sinh ra thiêng liêng thế nào. “Tôi đã suy nghĩ, nếu mình không giúp thì anh ấy bị cưa mất chân. Người mẹ sinh con ra lành lặn, giờ thấy con bị cưa chân sẽ khổ sở dường nào nên tôi kêu gọi mọi người chung tay quyên góp”, chị Tuyết nói.
Những tấm lòng “vàng”
Mỗi lần vào bệnh viện thăm anh Hoàng, chị Tuyết lại tay xác nách mang đủ thứ bánh trái, sữa, nước yến để anh tẩm bổ. Chị rạng rỡ, kể lại hành trình làm từ thiện gặp được những con người tốt bụng: “Đây là lần đầu tiên làm từ thiện mà tôi thấy tình người nở rộ như vậy. Phòng bệnh anh Hoàng là Giám đốc bệnh viện cho ở miễn phí; ca mổ được bác sĩ phẫu thuật miễn phí; căng tin thì hỗ trợ những phần ăn miễn phí. Tất cả mọi người đều chung tay để giúp một người xa lạ”.
|
Chị Tuyết nhớ lại, khi chia sẻ câu chuyện trên trang cá nhân, một người bạn của chị đã kêu gọi và được bác sĩ Huân (Bác sĩ Bệnh viên Tân Bình) giúp đỡ. “Ca mổ do bác sĩ Huân mổ miễn phí. Bác còn dắt chúng tôi gặp bên cung cấp ốc bắt vào chân anh Hoàng để xin giảm 50% phí”.
Đến lúc di chuyển anh Hoàng từ dưới lên phòng mổ thì cũng chỉ có chị Tuyết cùng một số y tá đỡ anh lên. Khi dúi tiền trà nước để cảm ơn, những người này từ chối. Chị Tuyết bảo: “Mình cứ quen gửi tiền cảm ơn thì họ từ chối nói: “Chị làm từ thiện sao em lấy được, mình cùng giúp đỡ thôi” thế là tôi thấy lòng mình thanh thản lắm! Tôi thấy vui vì con người không vô cảm như mình nghĩ”.
Hiện tại, tình hình sức khỏe anh Hoàng đã khá hơn. Gặp anh ở bệnh viện, anh vui mừng, nước mắt lăn dài khi nhắc đến mẹ: “Mẹ tôi già yếu, gia đình khó khăn nên khi về nằm ở phòng trọ, tôi chỉ biết phó mặc chứ không thể làm gì hơn. Để bà biết, bà không lo được, bà bệnh thêm. May mà có mấy anh chị có tấm lòng giúp đỡ rất nhiều. Tôi biết ơn lắm!”.
Bình luận (0)