Bên kia sông Sài Gòn có lão du mục chăn trâu giữa bán đảo Thủ Thiêm

Phạm Hữu
Phạm Hữu
25/04/2019 13:11 GMT+7

Có nhà, có gia đình hẳn hoi nhưng ông Văn Đức Tời (54 tuổi, quê Nghệ An) vẫn thích lang thang sống cuộc đời du mục làm bạn với đàn trâu, bò trên bán đảo Thủ Thiêm.

Hễ ở đâu có cỏ là có ông Tời và đàn trâu

Ở bán đảo Thủ Thiêm hiện nay, nhiều toà nhà cao tầng đã được xây dựng, các con đường đã dần hình thành, một số công trình ở nhiều bãi đất trống cũng bắt đầu khởi công. Thế nhưng lọt thỏm đâu đó những mảnh đất còn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm lại ẩn hiện hàng chục con trâu vừa gậm cỏ vừa dầm mình trong các đầm lầy đọng nước. Điều này giống như một chuyện lạ khi giữa một trung tâm thành phố sầm uất lại xuất hiện một đàn trâu như vùng nông thôn ngoại thành.
Tuy nhiên, đối với những công nhân, người dân thường qua lại ở khu đô thị Thủ Thiêm không xa lạ gì về một ông lão hằng ngày vẫn lùa đàn trâu, bò ra những khu đất trống cho ăn cỏ. Và chủ đàn trâu không ai khác là ông Văn Đức Tời.
Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, đến năm 1995 ông Tời vào TP.HCM làm công nhân ở một công ty tại Q.9. Được vài năm, ông tiếp tục ra Bình Dương để làm việc rồi bắt đầu lập nghiệp, lập gia đình và xây nhà tại đây. Rồi ông đi chăn nuôi heo ở Biên Hòa (Đồng Nai). Ông còn làm thêm nghề bốc xếp vài năm tiếp theo.
Vốn là người thích tự do phiêu du cùng sương gió, ông quyết định mua trâu về TP.HCM thả ở các bãi đất trống để nuôi bán kiếm lời. Hễ ở đâu có cỏ cho trâu ăn là có... ông Tời xuất hiện. Ban đầu ông thả trâu ở Khu Công nghiệp Sóng Thần, rồi trôi dạt về cầu Bình Triệu, ến cầu Bình Phước và từ năm 2014 đến nay cắm dùi ở khu đô thị Thủ Thiêm (Q.2).
Đàn trâu của ông Tời được thả rong trên những bãi đất trống ở Thủ Thiêm
Căn chòi nơi trú mưa nắng tạm bợ của ông Tời trong thời gian chăn trâu
Cứ mỗi chiều, ông Tời ra chợ lụm những bao rau củ về rồi cắt nhỏ cho trâu bò ăn
“Vợ tôi la chứ, nhưng làm ăn mỗi người một kiểu, la thì phải chịu. Người ta đi làm ăn mà. Tôi thích nuôi trâu vậy đó. Lâu lâu tôi cũng về thăm nhà hoặc con tôi cũng đến thăm tôi đó thôi”, ông Tời chia sẻ.

Hết đất ở Thủ Thiêm thì đi tìm chỗ khác... lại nuôi trâu bò

Mỗi ngày 2 buổi, ông Tời lùa trâu ra bãi đất cho ăn cỏ khi mặt trời chưa ló dạng. Hễ trâu ngủ thì ông ngủ, trâu thức thì ông thức đi canh. Đến chiều, khi mặt trời sắp lặn, ông Tời đánh xe máy chạy lòng vòng khu Thủ Thiêm kiếm trâu, bò để dẫn về chòi tập kết.
Lúc rảnh rỗi ông chạy xe máy ra chợ lụm những bao rau củ hay trái cây của các chủ vựa bỏ đi rồi mang về cho trâu bò ăn. Đêm xuống, ông đốt đống lửa nhỏ, kiểm đếm từng con rồi ngồi đó nhìn đàn trâu rồi đi ngủ.
Ông Tời dựng một căn chòi tạm cũng tại bãi đất trống bằng những vách gỗ cùng với vài tấm bạt. Chiếc giường là tấm gỗ đặt trên nền đất. Chòi không có điện nước, ông Tời chỉ sử dụng đèn pin và mua nước bình dự trữ. Cách chòi vài mét là nơi đàn trâu ngủ qua đêm. Lâu lâu giữa đêm, ông dậy xem... trâu còn hay mất.
Chiếc xe máy cà tàn là phương tiện di chuyển của ông
Ông Tời lùa đàn bò về điểm tập kết sau một ngày thả rong tự kiếm ăn
Có khi đàn bò tự quay về nơi tập kết mà không cần ông Tời gọi về
Việc chăn trâu giữa trung tâm thành phố với ông Tời chỉ là tạm bợ đến khi nào khu Thủ Thiêm không còn cỏ cho bò ăn ông sẽ tìm nơi khác lại tiếp tục nghiệp chăn trâu như trước đây
“Những lúc khuya 1 giờ sáng trâu bắt đầu đi ăn tôi cũng đi theo. Đi để mình biết nó ở chỗ nào mà canh. Tới chiều có khi nó tự về vì mình cho ăn quen rồi, kêu cái là nó tự đi về hà”, ông Tời kể chuyện.
Hiện tại đàn trâu của ông có khoảng mười mấy con, đàn bò khoảng 6 con, tổng cộng cũng gần 20 con. Tính ra mỗi con trâu, bò trưởng thành của ông có giá khoảng 30 triệu. Một năm ông “xuất chuồng” một lần rồi sau đó mua đàn khác về nuôi tiếp tục.
“Giờ hết đất rồi. Ngày trước đất rộng mênh mông, cỏ bao la, tôi thả hàng chục con lên tận đường Trần Não. Giờ tôi chỉ còn nuôi khoảng 2 chục con thôi”, ông Tời kể về những ngày xưa khi mới lùa đàn trâu về Thủ Thiêm.
Tuy vậy, khi hỏi về tương lai, khi vùng Thủ Thiêm hình thành, không còn cỏ cho bò ăn, ông Tời tặc lưỡi: “Mình có làm gì đâu cho ăn cho sạch cỏ vậy thôi, năm nào biết năm đó chứ biết sao được. Sau này hết chỗ thì đi. Giỏi lắm là vài ba năm chứ mấy. Giờ biết khi nào được khi đó, hết chỗ tui đi tìm chỗ khác và cũng lại chăn trâu nuôi bò thôi”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.