Bệnh viện Phụ sản MêKông bị phong tỏa, bà bầu lật đật tìm chỗ khác... vượt cạn

02/06/2021 10:20 GMT+7

Nhiều sản phụ và gia đình đã đăng ký sinh tại Bệnh viện Phụ sản MêKông lật đật chạy đến hỏi thăm khi hay tin một phần nơi này bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19 đến khám .

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, chiều 1.6, cùng với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Phụ sản MêKông cũng phải tạm thời phong tỏa một phần khoa khám bệnh do có bệnh nhân dương tính Covid-19 đến khám.

Sáng 2.6: Thêm 53 ca Covid-19 trong nước tại Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh

“Không biết bệnh viện có gỡ phong tỏa trước khi tôi sinh?”

Theo ghi nhận của Thanh Niên lúc 20 giờ ngày 1.6, Bệnh viện Phụ sản MêKông vắng vẻ lạ thường. Các cổng của bệnh viện đều đã “cửa đóng then cài”, phía trước có dán bảng thông báo với dòng chữ: “Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bệnh viện Phụ sản MêKông tạm thời ngưng nhận bệnh cho đến khi có thông báo mới”. Bên trong và bên ngoài bệnh viện đều vắng lặng, chỉ còn vài bảo vệ luôn túc trực bên trong.

Trước các cổng của bệnh viện đều có dán thông báo

ẢNH: CAO AN BIÊN

Bệnh viện “cửa đóng then cài”

ẢNH: CAO AN BIÊN

Khoảng 20 giờ 30 phút, chị Hồng Nga (21 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) được chồng chở đến bệnh viện. Chị hớt hải chạy đến hỏi bảo vệ: “Bệnh viện phong tỏa đến khi nào hả chú? Mai mốt tụi con có vô khám được nữa không?”. Bảo vệ chỉ vào tấm bảng thông báo đang dán phía trước cổng rồi nói: “Phong tỏa rồi! Đợi có thông báo mới chứ bây giờ cũng chưa biết nữa”.
Sau đó, hai vợ chồng ra về trong tâm thế lo lắng. Khi được hỏi, chị Nga cho biết mình cũng sắp đến ngày sinh. Trước đó, chị đã hoàn thành các thủ tục đăng ký sinh tại bệnh viện nên khi hay tin, chị mới “ngã ngửa”. Chờ chồng đi làm về, chị cùng chồng tìm đến hỏi thăm.

Bên trong bệnh viện vắng lặng tối 1.6

ẢNH: CAO AN BIÊN

Bệnh viện phong tỏa khiến rất nhiều bà bầu lo lắng vì sắp đến ngày sinh

ẢNH: CAO AN BIÊN

“Lần trước đi khám, bác sĩ nói ngày 13.6 là tôi sinh. Nhưng mà tôi đăng ký tuần này vào rồi để cho an toàn, với lại mình cũng thích nghi với môi trường bệnh viện trước khi sinh nữa. Dịch vụ khám bệnh ở đây nhiều người nói là tốt, nên tôi cũng khá tin tưởng. Không biết bệnh viện có gỡ phong tỏa trước khi tôi đến sinh không?”, chị Nga băn khoăn.
Nếu không có gì thay đổi , chị Nga cho biết mình sẽ đăng ký sinh ở một bệnh viện mới vì không còn cách nào khác. Tuy nhiên, chị nói mình vẫn chờ xem nay mai như thế nào rồi mới tính tiếp.
Lát sau, cũng có một cặp vợ chồng chạy xe đến bệnh viện để hỏi han tình hình như thế nào. “Nghe bảo vệ nói xong, tôi thấy chắc mình không sinh ở đây được quá. Dù đã đăng ký rồi nhưng thôi, bệnh viện cũng có muốn phong tỏa vậy đâu nên mình cũng thông cảm. Mình tìm chỗ khác sinh, mong là sắp tới mẹ tròn con vuông”, chị này tâm sự.
Theo lời người dân sống gần bệnh viện, từ lúc nơi này bị phong tỏa đã có nhiều người đến hỏi tình hình. Nhiều người nói mình vẫn chờ thông báo mới nhất từ bệnh viện, mong nơi này kịp gỡ phong tỏa trước ngày sinh.

Chốt phong tỏa Covid-19 ở Gò Vấp ngày đầu linh hoạt “mở rồi đóng”

“Nghe bệnh viện phong tỏa mà... giật mình”

Cuối ngày, vợ chồng ông Quyền (65 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, bán cơm sát bệnh viện) dọn dẹp, sắp xếp lại bàn ghế, lau nhà cửa nghỉ bán. Bán cơm gần 20 năm gần bệnh viện, ông nói khách hàng của mình chủ yếu là bệnh nhân đến khám và những hàng xóm gần đó.
“Bây giờ bệnh viện bị phong tỏa vậy, thì còn buôn bán gì nữa. Thôi, dẹp luôn! Trước đó bán cũng không được bao nhiêu, nay bán cả ngày cũng được có 6 phần cơm nên thôi”, ông Quyền than.

Khu vực xung quanh bệnh viện cũng vắng người, nhà ai cũng đóng cửa

ẢNH: CAO AN BIÊN

Ông Quyền dọn dẹp quán cơm, nghỉ bán đến khi bệnh viện gỡ phong tỏa

ẢNH: CAO AN BIÊN

Tài xế Phi Long cũng lo lắng khi bệnh viện mình thường hay đón chở khách bị phong tỏa

ẢNH: CAO AN BIÊN

Lúc mới hay tin bệnh viện sát nhà bị phong tỏa, vợ chồng ông thấy “nổi da gà” vì sợ. Bán cơm gần đó, ông Quyền cho biết nếu lỡ người nhiễm Covid-19 có đến mua cơm của mình rồi “lây nhiễm lúc nào không hay thì khổ nữa”.
“Bây giờ, dịch tới sát nhà luôn rồi. Ở trong nhà mà tôi vẫn phải đeo khẩu trang chứ không dám cởi ra”, vợ ông Quyền lo lắng. Hai ông bà vẫn tiếp tục dọn dẹp quán rồi chuẩn bị đóng cửa sớm.
Trước bệnh viện, cũng là nơi đỗ xe của nhiều tài xế taxi. Anh Phi Long (33 tuổi) cho hay, từ lúc biết thông tin bệnh viện phong tỏa, anh em tài xế đều xôn xao, nhắc nhau phải cẩn thận hơn khi chở khách.
“Thường khách của tôi cũng là bệnh nhân trong bệnh viện nè, rủi mà người dương tính Covid-19 có đi taxi của tôi là xui luôn. Dù bình thường mình vẫn tuân thủ 5K khi làm việc, nhưng cũng sợ”, anh bộc bạch.
Từ chiều, bệnh viện không có người đến khám nên khách đi taxi của anh Long và anh em tài xế cũng ít lại. Anh nói sẽ tìm chỗ đón khách mới, thì mới có thể trụ được qua mùa dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.