Hiện ở TP.HCM tính đến ngày 31.5 đã có 5 điểm phong tỏa cách ly tập trung, 49 điểm phong tỏa, cách ly, giám sát tại nhà
Mấy ngày qua, các bài đăng của người dân TP.HCM trên mạng xã hội kể chuyện bất ngờ bị cách ly do liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Bên cạnh đó, nhiều người cũng chia sẻ câu nói vui liên quan đến dịch: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, y tế phường chưa tới để căng dây”.
“Ở nhà ngủ tự nhiên bị cách ly”
Anh Nguyễn Hoàng Sơn (27 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) vừa đăng lên mạng xã hội câu chuyện của chính mình với tựa: “Ở nhà ngủ tự nhiên bị cách ly”. Theo lời kể, anh ở gần gia đình có 5 người dương tính Covid-19 nên cả hẻm được căng dây, yêu cầu cách ly tại nhà. Nhìn thấy y tế mặc đồ bảo hộ kín mít đến khu phố, anh hốt hoảng, nhưng khi bình tâm lại, anh tự trấn an mình và “tự tìm niềm vui trong cảnh khốn khó”.
|
Anh nói: “17 giờ ngày 29.5 phát hiện ca nhiễm, 18 giờ căng dây cách ly hẻm, mọi thứ diễn ra rất nhanh, tôi động viên mình xem đây là kỳ nghỉ 21 ngày trong một năm làm không nghỉ. Đến 20 giờ, tôi bật ti vi lên coi phim, rồi chuyện gì tới sẽ tới. Đến nay tôi thấy rất thoải mái, đọc tình hình bên ngoài còn thấy thấy ở trong nhà lại may mắn”.
Anh Sơn nhận xét, cuộc sống trong hẻm cách ly không có gì quá căng thẳng vì lực lượng công an chốt chặn luôn niềm nở khi người dân nhờ mua vài món cần thiết, dân quân cũng chạy ngược xuôi hỗ trợ công tác chống dịch.
|
Mấy ngày qua khu phố bị cách ly, anh Sơn dậy sớm, tập thể dục, nấu ăn, lau nhà, quét dọn, chăm chó mèo, đọc mấy cuốn sách mua năm trước, sống một cuộc sống mà anh cho rằng đã bỏ quên mấy năm trước.
“Thấy nhiều người lo lắng cách ly có đáng sợ không nên tôi đã chia sẻ lên mạng xã hội trải nghiệm của mình, để lan tỏa những năng lượng tích cực”, anh chia sẻ.
“Cách ly không có gì đáng sợ”
Chị V.N.T.P (25 tuổi, ngụ P.12, Q.8) cũng kể, sáng 30.5, đang ngủ thì chị nghe tiếng cả xóm ồn ào, nhìn qua cửa sổ thấy công an đứng căng dây từ đầu đường đến tiệm sinh tố chị yêu thích, cả trăm hộ gia đình trong đó.
“Tôi hoang mang thật sự, loạn hết cả lên vì không biết nên làm gì. Rồi sao đi làm? Cách ly? Không có tiền để dành? Đồ ăn đâu ra? Ngàn lẻ một câu hỏi chạy lòng vòng. Sau đó, tôi mới nghe tin 2 người trong xóm nhiễm Covid-19, cả con đường bị rào nhanh chóng chỉ trong vài phút”, chị P. nhớ lại.
|
Nhưng ít phút sau đó, chị P. đã lên được kế hoạch cho 21 ngày sống chậm. Nói là kế hoạch, thực ra đó là chủ yếu làm những việc mà trước tới giờ chưa có nhiều thời gian dành cho nó như: xem vài bộ phim, viết tản văn, đọc sách,…
“Nhưng vẫn điêu đứng một chút vì cách ly hơi đột ngột, nếu không có chuẩn bị về kinh tế sẽ rất khó khăn. Tôi báo cho công ty để nghỉ làm, những ngày nghỉ sẽ không được tính lương, ở Sài Gòn mà ko có tiền thì tiêu. Nhưng chống dịch mà, phải đặt an toàn cộng đồng lên trên hết”, chị P. bộc bạch.
Tầm trưa, quan chức năng phát tờ khai y tế, phiếu xét nghiệm. Đến khoảng 16 giờ 30, chị P. được gọi ra để làm xét nghiệm. Mỗi người xếp hàng đứng cách nhau 2m, nộp phiếu và đợi gọi tên.
|
Chị P. chia sẻ: “Mình thấy y bác sĩ trang bị kín mít, chuẩn bị 1 que khá dài, đầu tròn cuốn bông như tăm bông, bảo mình ngồi quay mặt lại, ngược hướng bác sĩ. Sau đó, bác sĩ dùng que ấy đưa sâu vào mũi, “sâu lắm nha”... không đau lắm nhưng mà hơi khó chịu. Cảm giác khó chịu sẽ tồn tại khoảng 30 phút. Và không đáng sợ như mọi người nghĩ đâu”.
Sau 2 ngày cách ly, chị P. cho rằng mọi thứ trôi qua khá nhẹ nhàng, dù không có quá nhiều đồ dự trữ nhưng chị cũng không quá lo vì khu cách ly nằm gần chợ. Khi cần gì đột xuất chị có thể nhờ dân quân trực mua giúp hoặc đặt shipper giao đến.
Theo chị P., cách ly không đáng sợ, nhưng vì diễn biến dịch phức tạp lúc này, người dân ở TP.HCM nên chuẩn bị sẵn một vài đồ dùng cần thiết, lỡ ngủ dậy bị căng giây thi cũng thoải mái hơn. Tuy nhiên, chị P. cho rằng, điều cần chuẩn bị nhất vẫn là tinh thần.
Bình luận (0)