Bí mật đám cưới giả: Cưới... chạy bầu

Như Lịch
Như Lịch
26/03/2018 08:15 GMT+7

Cô dâu hoặc chú rể được thuê đến đóng vai.

Nhìn bên ngoài, đám cưới giả không khác gì đám cưới thật: cũng cô dâu chú rể sánh bước, cũng bạn bè, họ hàng hai bên tham dự, cũng ca nhạc xập xình, cũng đủ mâm quả, rượu trà. Chỉ có một điều không thật, đó là cô dâu hoặc chú rể: họ được thuê đến đóng thế vai.
Qua hơn hai tháng thâm nhập thực tế của PV Thanh Niên, bí mật về đám cưới giả sẽ được tiết lộ qua những câu chuyện với đầy đủ cung bậc cảm xúc...
Những cô dâu “đơn thân”


10 - 20% khách hàng là nam giới, người đồng tính
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có 4 - 5 công ty sự kiện, cho thuê nhân sự quảng bá công khai việc họ thường xuyên tổ chức dịch vụ đám cưới “danh nghĩa”. Các công ty này đều có trụ sở chính đóng ở Hà Nội và đặt chi nhánh tại TP.HCM cùng một vài tỉnh, thành khác. Theo một số người cung ứng dịch vụ này, có khoảng 10 - 20% khách hàng là nam giới (chưa muốn hay không muốn lấy vợ nhưng đành thuê cô dâu để cưới giả do bị gia đình thúc ép, hoặc có cha mẹ lớn tuổi, bệnh tật muốn con yên bề gia thất), người đồng tính (nam lẫn nữ) và một số trường hợp khác.

Đầu tháng 1.2018, tôi nhận được cuộc điện thoại của một người quen tên là H.: “Em làm nghề báo, biết chỗ nào tổ chức đám cưới giả giới thiệu cho anh với!”. Theo lời H., cô bạn thân thuở nhỏ của anh trót có bầu hai tháng với “ai đó không rõ” nên đang trong tình cảnh khó xử: không muốn phá thai, nhưng cô rất sợ gia đình và bản thân bị gièm pha về chuyện “không chồng mà chửa”. Vì vậy, cô nhờ anh tìm thuê chú rể và một số người đóng thế vai nhà trai để gấp rút tiến hành đám cưới.
Hôm sau, tôi chưa kịp hồi âm thì anh H. gọi điện báo rằng anh đã “nhắm” được một chỗ và định đến đặt cọc luôn. Đó là công ty V. (trụ sở đóng tại Hà Nội, có chi nhánh trên đường Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM). Tôi tức tốc “phi” tới địa chỉ của công ty này.
Chúng tôi gặp ông T., phụ trách chi nhánh. Theo ông T., phần lớn khách hàng của dịch vụ này là các “cô dâu đơn thân”, tức là những người sắp làm mẹ đơn thân muốn “hợp thức hóa” cái bầu. Ông T. đưa ra nhiều gói dịch vụ, trong đó mức giá phổ biến là 30 - 40 triệu đồng. Ông còn cho hay công ty ông từng tổ chức những gói trên 100 triệu đồng, đặc biệt có đám cưới từ 400 - 500 triệu đồng, tùy theo yêu cầu của khách hàng và khoảng cách địa lý, phương tiện di chuyển.
Săm soi một lúc rồi gọi điện trao đổi với “cô dâu giấu mặt”, anh H. quyết định chọn gói có giá tổng cộng 55 triệu đồng. Gói này gồm ba buổi: Ra mắt (chú rể, quà ra mắt, phương tiện); Dạm ngõ (mẹ chú rể, một đại diện ăn nói, một giỏ trầu cau - rượu thuốc, một xe 4 chỗ ngồi); Ăn hỏi và cưới (chú rể, mẹ chú rể, một đại diện họ, 4 người bà con, 5 người bạn chú rể, 5 tráp lễ, 2 xe du lịch, ảnh cưới...). Theo thỏa thuận, tất cả các công đoạn trên sẽ thực hiện trong vòng một tháng và đám cưới sẽ diễn ra ở một tỉnh miền Đông Nam bộ.
Đám cưới giả cũng đầy đủ thủ tục
Tuy đây là dịch vụ cưới giả và cho thuê nhân sự nhưng trong hợp đồng trao cho khách hàng, đại diện công ty V. ghi là “Hợp đồng tổ chức sự kiện”. Ký hợp đồng xong, anh H. vừa rút 5 triệu đồng đặt cọc vừa nói như phân trần: “Cái này tốn 55 triệu đồng, cộng với các khoản khác, tính ra cũng mất gần 200 triệu đồng. Có người khuyên mình hãy thuyết phục cô bạn suy nghĩ kỹ đi, tốt nhất là thú thật với gia đình chứ đừng làm đám cưới như vậy, bởi khi gia đình biết thì hậu quả khó lường. Họ còn bảo số tiền đó để nuôi em bé sẽ tốt hơn. Nhưng, cha mẹ cổ rất khó tính, em bé không có điều kiện chào đời thì làm sao có vế sau là nuôi con?”.
“Báo trước hai ngày vẫn làm được !”
Trong vai khách hàng, chúng tôi đã đến công ty T.T (chi nhánh trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM) để tìm hiểu về dịch vụ đám cưới giả. Gặp tôi, một người tên Ng. giới thiệu là đại diện công ty này ở phía nam.
Ông Ng. vào đề: “Nhiều người không đúng khi gọi dịch vụ này là đám cưới giả, mà nó là đám cưới danh nghĩa vì về cơ bản, nó thật đến 70 - 80%. Chỉ có điều là họ không sống thật với nhau thôi”.
Trước khi cho tôi xem các gói dịch vụ, ông Ng. quả quyết: “Khi chị nói về điều kiện, độ khó dễ của gia đình, tôi sẽ tư vấn cho chị nên làm đơn giản hay như thế nào. Về khả năng thì bên tôi tổ chức cực kỳ chuyên nghiệp, thậm chí chị báo trước hai ngày vẫn làm được”.
Một cô dâu tham gia dịch vụ “cưới chạy bầu” Ảnh: H.T
Theo ông Ng., một đám cưới “danh nghĩa” thường có bốn bước. Bước một là ra mắt: Chú rể đến thăm nhà gái, ăn bữa cơm để thưa chuyện về thời gian đại diện nhà trai sẽ xin đến đặt vấn đề cưới hỏi. Bước hai là dạm ngõ: cha mẹ hoặc người đại diện họ nhà trai sẽ đến bàn bạc cụ thể về đám cưới. Bước ba là cưới hỏi. Bước cuối là lại mặt: Sau đám cưới vài ngày, chú rể sẽ quay lại nhà cô dâu thăm hỏi.
Ông Ng. cho rằng tùy từng gia đình mà có thể bỏ bớt bước thứ nhất hoặc bước cuối cùng, nhưng hai bước dạm ngõ và tổ chức đám cưới là phải có.
“Khi bên chị cho thông tin, bên tôi sẽ viết cho chị một kịch bản cực kỳ chính xác và phù hợp, rồi mình chiếu theo đó thực hiện. Kịch bản đó là chú rể làm nghề gì, cha mẹ như thế nào, đám cưới xong vợ chồng ở đâu... rồi mình chiếu theo đó thực hiện. Ngoài ra, bên tôi sẽ bảo hành nhân sự cho chị tối thiểu 5 năm, ví dụ sau đám cưới bên chị cần thuê tiếp chú rể đó thì bên tôi sẽ đáp ứng”, ông Ng. nhấn mạnh.
Không những vậy, ông Ng. còn khẳng định nếu khách hàng có nhu cầu, phía công ty sẽ cung cấp giấy đăng ký kết hôn với giá 6 triệu đồng. Ông Ng. giải thích: “Bình thường chị làm không được giấy đó đâu. Muốn làm khai sinh cho con, chị phải có giấy đăng ký kết hôn mới làm được. Mà muốn có giấy đăng ký kết hôn thì tôi nói thẳng luôn nha: thường những cô gái không đám cưới được với người đó bởi họ có vợ con rồi, họ không ly dị nên không bao giờ làm được giấy khai sinh cho con chị. Giấy đăng ký kết hôn bên tôi gần như thực 100%, nó chỉ... không có trong sổ bộ thôi. Chị cầm cái giấy đó để làm công chứng hay bất cứ gì đều được hết”.
Ông Ng. trấn an tôi rằng các dịch vụ này diễn ra một cách kín đáo, bí mật, những người ngoài cuộc không bao giờ biết được.
Hai điều cấm kỵ
Đại diện chi nhánh công ty T.T lưu ý “hai điều cấm” đối với khách hàng: Thứ nhất, sau khi cưới vài năm, chỉ báo với gia đình là vợ chồng không hợp, cãi nhau suốt hoặc làm ăn kinh tế thất bại dẫn đến chia tay chứ không được nói lý do chú rể ngoại tình. Vì nói như vậy sau này vô tình gặp lại người nhà khách hàng, chú rể rất dễ bị hành hung (từng có chú rể thuộc công ty T.T bị đánh vì lý do này). Thứ hai, không được nói đây là đám cưới dịch vụ.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.