Miệng thu nước (cống) thường được coi là nơi xả rác lý tưởng của người dân tại TP.HCM, nay được 'hô biến' trở thành những bức tranh sống động với hy vọng nâng cao ý thức người dân đồng thời tăng mỹ quan đô thị.
Những ngày qua, người đi bộ cũng như người dân sống gần giao lộ Phùng Khắc Khoan - Nguyễn Văn Thủ (Q.1, TP.HCM) tỏ ra khá thích thú khi thấy những nắp cống đầy rác ở 4 góc đường được thay thế bằng 4 bức tranh đầy màu sắc. Đây là một hoạt động thuộc chiến dịch Mùa hè xanh do Quận đoàn Q.1 khởi xướng. Theo dự tính của đơn vị này, sẽ có khoảng 44 vị trí nắp cống trên 25 tuyến đường ở Q.1 được vẽ tranh để tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường.
VIDEO: Biến nắp cống thành tranh vẽ một cách dễ thương và chống bỏ rác
Tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, một nhóm bạn trẻ đã thực hiện chiến dịch 'thay áo mới' cho các bức tường bị vẽ bậy tại TP.HCM.
Trước đó, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, vừa ký văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM và Trung tâm chống ngập TP cho phép được thực hiện vẽ tranh trang trí nắp cống ở địa bàn quận này.
Trong công văn gửi đi, UBND Q.1 đã nhận định: “Việc vẽ tranh trên nắp cống vừa tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của người dân trong việc không xả rác xuống cống, còn làm tăng mỹ quan đô thị trên đường phố”. Cả Sở GTVT TP.HCM và Trung tâm chống ngập TP đều đã có công văn đồng ý cho các đơn vị của Q.1 tổ chức vẽ tranh lên nắp cống để tuyên truyền không xả rác.
Thực tế từ lâu, hình ảnh những cống tắc nghẽn do người dân xả rác, đến mức người ta phải dùng các vật che chắn lại để rác không dồn xuống lòng cống đã trở nên quen thuộc ở khắp nơi trên địa bàn TP. Mùa khô, rác từ nắp cống bốc mùi hôi thối, mất vệ sinh. Đến mùa mưa, rác lại theo dòng chảy trôi thẳng xuống cống gây ảnh hưởng rất nhiều đến công tác thoát nước và nạo vét. Rác cũng là một trong những yếu tố góp phần làm gia tăng tình trạng ngập lụt.
Về lâu về dài, nên đặt thùng rác ngay cạnh các nắp cống. Có lắp đặt camera, đội bảo vệ trực 24/24. Xuất hiện hành vi vi phạm, xả rác bừa bãi lập tức bắt tận tay, xử phạt thật nặng, công khai để răn đe những người khác
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh
Vì thế, cách đây 2 tháng, để kêu gọi người dân không xả rác bừa bãi xuống miệng cống, Chi đoàn Thanh niên P.10 (Q.5) và sinh viên đội hình mỹ thuật - Đại học Sài Gòn đã vẽ tranh 3D lên các nắp cống trên 3 tuyến đường gồm Tản Đà, Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục. Hiện có khoảng 30 chiếc nắp cống đã được trang trí ở Q.5 với nhiều hình ảnh khác nhau, có bức tranh vẽ phong cảnh thiên nhiên, có những bức tranh minh họa các hình hoạt hình bắt mắt, sinh động.
Đại diện Chi đoàn Thanh niên P.10 (Q.5) thông tin chi phí sơn vẽ tranh cho 1 nắp cống dao động trong khoảng 5 triệu đồng tùy từng hình vẽ, tất cả đều là tiền sơn. Kinh phí chủ yếu vận động từ doanh nghiệp và các mạnh thường quân.
Bạn Tuấn Vũ (Q.1) tỏ ra rất hào hứng với hoạt động này. Thay vì những nắp cống đen đúa hôi thối thì nay được thay bằng những bức tranh sinh động, đầy màu sắc, đạt hiệu quả thẩm mỹ cao, làm đẹp cho cả đường phố và cả những hộ dân có nhà gần miệng thu nước. Ngoài ra những nội dung tuyên truyền trên nắp cống thông qua bức tranh còn giúp người dân hiểu được giá trị của việc gìn giữ môi trường xung quanh họ.
“Tuy nhiên, đối với những người ý thức kém thì việc làm này không đạt hiệu quả cao bởi họ sẽ không dành nhiều thời gian để hiểu thông điệp từ tranh đó. Vì vậy nên ghi thêm nhiều khẩu hiệu cụ thể trên những nắp cống "nghệ thuật" này” - Vũ chia sẻ.
Tại TP.HCM, nhiều bức tường, tủ điện ở các tuyến đường trung tâm bị vẽ hình ảnh, viết chữ nguệch ngoạc, trông rất xấu xí.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường - Ủy ban MTTQ TP.HCM, đánh giá: Về mặt phong trào xã hội, hoạt động này mang ý nghĩa rất lớn về phương diện giáo dục thanh niên. “Ý nghĩa giáo dục xã hội tốt, gắn tuổi trẻ vào trách nhiệm với xã hội, đất nước. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng”, ông Ninh nói.
Đi kèm chế tài xử phạt mạnh
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng: Lưu ý những bức tranh vẽ có hình ảnh, màu sắc không phù hợp có thể gây mất tập trung, ảnh hưởng người tham gia giao thông. Chính vì thế, nội dung của những tấm quảng cáo nằm trên phạm vi lòng lề đường này cần qua kiểm định của Sở Văn hóa - Thông tin. Về khổ hình, khổ chữ, màu sắc phải thông qua ý kiến, thẩm định của Sở GTVT TP.
Rõ ràng về mặt mỹ quan đô thị, việc thay thế các bề mặt nắp cống sần sùi, đen đúa bằng hình ảnh tranh vẽ sống động đầy màu sắc góp phần rất lớn vào việc tô điểm thêm hình ảnh của TP. Tuy nhiên theo ý kiến các chuyên gia, muốn đạt được mục đích hạn chế người dân xả rác, không thể chỉ trông chờ vào những bức tranh nắp cống.
Cho rằng UBND Q.1 không nên triển khai đồng loạt tại 25 tuyến đường mà chỉ nên thực hiện vẽ tranh tại một số khu phố nhất định, chuyên gia giao thông Phạm Sanh lý giải: Về mặt bằng chung, ý thức của người dân còn rất kém, vẽ thì vẽ, còn rác thì vẫn cứ xả. Vì vậy, nên thí điểm trên phố đi bộ hay tại khu trung tâm có nhiều khách du lịch, “may ra họ ý thức tốt hơn, thấy đẹp sẽ không xả rác”, ông Sanh nói.
Theo chuyên gia Phạm Sanh, mấu chốt của việc không giải quyết được tình trạng xả rác bừa bãi nơi miệng cống là do không thống nhất về mặt quản lý, bảo trì. Một vấn đề nhưng lại do 2 đơn vị quản lý nhà nước khác nhau phụ trách. Rác thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên - Môi trường, còn cống lại do Sở GTVT quản lý nên dễ dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.
“Đáng ra chỉ nên giao cho một đơn vị là Sở GTVT chịu trách nhiệm vì rác trôi xuống cửa cống làm giảm khả năng thu nước, gây ngập và đọng nước mặt đường. Vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến giao thông thì nên quy về một mối, để giao thông chịu trách nhiệm hoàn toàn việc quản lý, duy tu bảo trì thì hiệu quả sẽ cao hơn”, ông Sanh đề xuất.
Cơn mưa lớn giữa trưa 12.5 đã biến nhiều con phố ở TP.Hải Phòng thành 'sông', làm các phương tiện đi lại vô cùng khó khăn.
Cùng quan điểm không thể hy vọng một bức tranh có thể ngăn chặn tình trạng xả rác, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng cần có biện pháp răn đe, có chế tài xử phạt thật nặng đối với những người vi phạm.
“Về lâu về dài, nên đặt thùng rác ngay cạnh các nắp cống. Có lắp đặt camera, đội bảo vệ trực 24/24. Xuất hiện hành vi vi phạm, xả rác bừa bãi lập tức bắt tận tay, xử phạt thật nặng, công khai để răn đe những người khác. Lâu dần, khi ý thức người dân được nâng cao, hành động xả rác nơi công cộng trở nên vô duyên, ngượng nghịu thì những bức tranh kia mới thật sự phát huy hết tác dụng. Về vấn đề kinh phí, theo ông Ninh, bước đầu thí điểm nên xã hội hóa, không lãng phí ngân sách vì thực chất đề án không mang lại hiệu quả cao về mặt vệ sinh môi trường.
Bình luận (0)