Bình tĩnh trước dịch bệnh:​ Những bàn tay nắm lấy bàn tay!

02/04/2020 07:36 GMT+7

Ngày cuối tháng 3, vì cần tư liệu, tôi dong xe chạy về hướng Thủ Đức (TP.HCM). Qua QL1A, dòng xe thưa thớt chuyển động, phỏng vấn “xa cách” với vài người thấy có gì khang khác, hóa ra tin “cách ly xã hội” đã lan tỏa!

1. Một lúc, điện thoại báo ít nhất 5 tin nhắn của bạn bè gửi qua messenger văn bản Chỉ thị 16 của Thủ tướng về việc cách ly xã hội. Trong đầu hình dung, chưa bao giờ như lúc này, sự nghiêm khắc với cuộc chiến chống dịch được đẩy lên cao trào đến vậy.
Một nhà báo đã nghỉ việc, vốn thường phản biện nhiều chính sách, có khi sự “chê bai” đẩy lên một cách thẳng thắn hơi... thái quá. Ngay lập tức, cũng viết lên Facebook với tinh thần ủng hộ rất cao: “Bà con cần phải bình tĩnh, chờ sự hướng dẫn cụ thể. Không nên hốt hoảng, lo lắng quá mức để rồi có những phản ứng tiêu cực hoặc tích trữ hàng hóa quá mức cần thiết. Ủng hộ Chính phủ chống dịch chính là bảo vệ bản thân mình, gia đình và cộng đồng!”.
Trao đổi với mấy người bạn, ai cũng bày tỏ rằng ủng hộ cuộc chiến chống dịch lúc này là ủng hộ sự sống còn. Những thông tin đại dịch, về số người nhiễm, tử vong dồn dập bay về từ các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Mỹ, châu Âu như một “làn sóng ngầm” thúc đẩy con người ta phải “hành động và hành động” để bảo toàn mạng sống. Lúc này sự đồng thuận là trên hết!

Việt Nam công bố bệnh nhân 213, 214, 215, 216, 217, 218 mắc bệnh Covid-19

2. Trở về nhà, đang giấc trưa lơ mơ. Nghe ngoài con hẻm lao xao. Tiếng chị hàng xóm rủ một người bạn cùng đi siêu thị. “Mua nhiêu ngày?”, chị kia: “Nhà em mua một tuần”. Có tiếng cười của anh chồng: “Mấy bà làm như sắp đói đến nơi rồi”. Chị vợ: “Đài báo nói 2 tuần, nhà mình mua một tuần là OK rồi gì nữa. Nay phải tính theo ngày ông ơi”. Vậy rồi tiếng máy xe rồ đi.
Bật Zalo thấy có tin nhắn, cậu con trai còn đi khảo sát thị trường cho công ty sữa đang ở Cần Thơ: “Tình hình này chắc con ở lại, trọ nhà anh đại lý, lúc nào “tháo” cách ly thì về”. Nhắn dặn dò giữ gìn, thực hiện theo chỉ dẫn về phòng dịch, cậu dán nhãn cười và rằng “Con nhớ rồi. Luôn chấp hành”. Nhưng, “máu nghề nghiệp” trỗi dậy, lại phỏng vấn ngắn: “Mãi lực sữa mấy bữa nay ra sao?”. Trả lời: “Dạ, mãi lực chung có giảm, nhưng lượng khách hàng đến đại lý thì mua số lượng nhiều hơn chút, để trữ dùng dần”. “Còn công suất nhà máy có giảm chế biến không, có thiếu hụt sản phẩm không?”. Trả lời: “Sữa cũng là nhu yếu phẩm, nhà máy dư sức chạy. Mà con nghĩ chẳng có mặt hàng nào thiếu đâu”. Vậy cũng yên tâm!

Thủ tướng chính thức công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc

3. Ngồi nghĩ lan man, sực nhớ ngày mai (1.4) giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lại nghe vang vọng trong đầu một khúc trong bản nhạc Xin mặt trời ngủ yên mà nhạc sĩ viết có đoạn: “Ôi nhân loại mặt trời, và em thôi này đôi môi xin thương người. Ôi nhân loại mặt trời trong tôi...”. Bỗng liên tưởng một điều, chưa bao giờ con người lại xích gần nhau đến vậy, dù khoảng cách cơ học cần phải xa nhau, là để phòng dịch bệnh.
Sự cách ly đôi khi có thể muôn trùng nhưng lại giống bên cạnh. Như hôm qua, một đồng nghiệp gửi vô nhóm bạn bè câu chuyện sử dụng bài thuốc dân gian Việt Nam của một chị Việt kiều từ Mỹ mới gửi về, kể câu chuyện người mẹ ở nhà nhắn qua cho chị có thể dùng cách nấu nồi xông lá tắc hay sả, vỏ chanh và dầu xanh để tăng cường trị bệnh, kèm với uống thuốc tây hạ sốt, đã thấy thuyên giảm hơn rất nhiều. Và chị muốn nhắn về cho bạn bè ở Việt Nam khi cần thì có thể thực hành!

Đại dịch Covid-19: Bạn đã hiểu hết những từ này chưa?

Những câu chuyện nghe hằng ngày, những bàn tay nắm lấy bàn tay trên mạng đã thành một bài test động viên khá hiệu nghiệm cho những ai “yếu bóng vía” trong mùa dịch Covid-19. Bởi vậy, khi đọc bài thơ Tháng ba, những ngày không yên tĩnh của nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên viết ngày 28.3: “Thêm một ngày nữa trong cuộc chiến/những con số/không ai muốn đếm/thêm một ngày lo âu/Thôi thì cứ xanh biếc như bầu trời/ngoài kia/không nguôi hy vọng/về một bình yên không xa...”, lại thấy đầy lên hy vọng và tin rằng sự yên tĩnh bởi cách ly lúc này, là để bình yên cho ngày mai...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.