Cả làng 300 năm chỉ chung thủy dùng tay và miệng 'phù phép' mây, tre

18/05/2017 14:02 GMT+7

Một ngôi làng hơn 300 năm nay, từ già đến trẻ vẫn chung thủy với các loại mây tre đan, tạo các các sản phẩm: rổ, rá, thúng, mẹt... Bàn tay và cả miệng họ điệu nghệ đến ngạc nhiên.

Rổ, rá là những vật dụng quen thuộc với người dân Việt Nam, đặc biệt là vùng bắc bộ, thường dùng để đãi gạo hoặc đựng rau, củ quả...
Trước khi xuất hiện những sản phẩm được làm từ nhựa tổng hợp, người dân chủ yếu dùng rổ, rá được đan từ cây tre hoặc cây dùng trong tự nhiên. Nhưng hình ảnh chiếc xe đạp chở cả chồng hàng rổ, rá, thúng mẹt được cạp nia đỏ đều tăm tắp bán dạo trên đường phố ngày một ít dần đi, nhưng không phải không còn.
Và có một nơi từ bao đời này, là quê hương của những món hàng thủ công dân dã, giản dị đó chính là làng mây tre đan Tăng Tiến.
VIDEO: Xem cả làng 300 năm thi nhau đan lát - Thực hiện: Lê Nam - Vũ Dương
Làng nghề này nằm ngay bên cạnh quốc lộ 1A, cách thành phố Bắc Giang khoảng 7km về hướng Tây. Đô thị hóa đã về đến tận cây tre đầu làng. Nhà cao tầng, nhà trọ... mọc lên "lỗ chỗ". Người xa quê lâu ngày trở lại xót xa trước khung cảnh làng quê không còn nguyên vẹn.
Đâu đó vẫn còn những con đường hai bên tường đỏ, phủ một lớp rêu xám của màu thời gian. Chúng tôi rảo bước thật nhanh tìm đến những nếp nhà 3 gian ngói đỏ, khi bước qua cánh cổng cũ kỹ có thể gặp được những bà, những chị vẫn đang rôm rả cười đùa, vừa nhai trầu vừa thoăn thoắt đan hàng với đôi tay khéo léo.
Không khí đan lát xôm tụ ở ngôi làng này Ảnh Lê Nam

Cụ Nguyễn Thị Bồng, 88 tuổi, không còn đủ sức để ngồi bó gối đan hàng nữa, hồi tưởng lại: "Ngày xưa vui lắm, cả làng cùng đan rổ rá. Từ trẻ con cho đến người già, không ai là không thạo việc. Chúng tôi sinh ra đã thấy bố mẹ, anh chị làm. vậy là chúng tôi nhìn rồi bắt chước làm theo. Cứ người nọ mang hàng sang nhà người kia, vừa làm vừa nói chuyện, ngồi cả dãy dài như sinh hoạt chi bộ bây giờ, vui đáo để".
"Ngày, chúng em đan rổ, đan sàng/ Tối em có buồn ngủ anh choang ống dùng", cụ Bồng cao hứng đọc lên hai câu thơ xuôi vần. "Choang" có nghĩa là "choảng". "Đi làm mà không lo làm, chỉ lo tám chuyện, tối về lại lo ngủ sớm thì các ông nhắc nhở ấy. Nhưng có ông nào choang đâu. Đọc vậy cho vui, để làm các ông mát lòng thôi", cụ bà bên cạnh chêm lời, cười vui vẻ.
Cô Hồng, người dân địa phương đang chẻ hàng Ảnh Lê Nam
Các động tác thuần thục, khéo léo và chính xác Ảnh Lê Nam

Nghe các cụ bà trong làng kể lại, cái nghề này là cha truyền con nối, không biết có từ bao giờ. Nhưng sổ sách địa phương thì có ghi chép, nghề có lịch sử hình thành từ thời Hậu Lê để lại. Trải qua bao nhiêu đời, cả làng vẫn duy trì cách làm vẫn như vậy.

Vật liệu chính để tạo ra các sản phẩm này chính là cây dùng - một loại cùng họ với trúc. Người dân mua những ống dùng dài từ 40-60 cm, được cưa sẵn  ở chợ làng về nhà sản xuất. Đàn ông thì chẻ ống dùng, cạp nia - là những công việc có phần nặng nhọc, cần sức khỏe. Còn đàn bà làm những việc khéo léo hơn như chẻ nan, đan hàng.

"Cũng tùy từng người, cả cạp nia thì một ngày nhiều nhất cũng làm được từ 15-20 cái. Còn túc tắc thì 10-15 cái", chỉ vào một chiếc rổ hoàn thiện, bà Thân Thị Na (xóm Chùa, xã Tăng Tiến) cho biết.
Những chiếc mẹt đã được cạp nia hoàn thiện. Ảnh Lê Nam

"Vậy đan ra một sản phẩm như vậy có khó không?", chúng tôi đặt câu hỏi. "Không khó chút nào, ở đây trẻ con cũng làm được. Nếu như muốn học thì chỉ một lúc là biết làm", bà Na trả lời. Tuy nhiên, tôi thầm nghĩ, đúng là không khó, nhưng máy móc thì chắc chắn không làm được, chỉ có sự khéo léo của đôi tay con người mới có thể tạo ra những thứ đẹp đẽ như vậy.



"Ngày họp chợ thì chở hàng ra bán, ngày thường có người đến gom mua. Thu nhập khoảng 100 ngàn đồng/ngày", bà Na nói thêm.
Bán ống dùng ở chợ quê Ảnh Lê Nam
Phụ nữ cưa ống dùng ở chợ Ảnh Lê Nam
Bà Thân Thị Tình (80 tuổi) đang chở dùng về làm hàng xuất khẩu Ảnh Lê Nam

Để tạo thêm đầu ra cho sản phẩm, người dân trong làng còn có thể sản xuất ra các loại mành tre như mành trải bàn ăn, mành che cửa, đệm, gối, túi xách... đều là những mặt hàng có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Tây Âu rất ưa chuộng các sản phẩm trên. Thương lái thu mua tăm dùng ngày một nhiều, người dân lại càng có thêm động lực giữ nghề, giữ nếp quê.
Chở dùng về nhà Ảnh Lê Nam

Thanh niên quê đi hết vào nhà máy, khu công nghiệp. Ít người trẻ còn mặn mà với nghề. Tuy nhiên, một lớp người vẫn còn say mê với nghề truyền thống của quê hương. "Nhiều đứa đi học ở thành phố, ở Thủ đô cứ cuối tuần rỗi rãi về nhà lại đan phụ bố mẹ, đi học xa mà vẫn không quên nghề", cô Thân Thị Suốt, người làm nghề trong làng, chia sẻ. 

Muốn tận mắt thấy được không khí làm việc sống động, trải nghiệm quá trình tạo ra những sản phẩm phong phú, bắt mắt; đồng thời thử sự tỉ mỉ, khéo léo của bản thân với các sản phẩm thủ công truyền thống, hãy ghé thăm ngôi làng mây tre đan 300 năm tuổi để cảm nhận không gian quê thuần túy bắc bộ.

tin liên quan

Bí mật ở ngôi làng... trường thọ
Các nhà khoa học tuyên bố đã tìm được chìa khóa của sự trường thọ ở một ngôi làng Acciaroli ở miền tây nam Ý, nơi cứ mỗi 10 người lại có một vị phải sống hơn 100 năm tuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.