Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an Lâm Đồng (Trung tâm) nằm tách biệt trên ngọn đồi cao ở Tổ Đa Phú, P.7, TP.Đà Lạt, được tỉnh Lâm Đồng chọn làm khu cách ly cho các trường hợp F1 của các ca nhiễm Covid-19. Ngoài khu nhà điều hành, hội trường, nhà bếp, nơi đây có 2 khối nhà A, B làm nơi cách ly cho 120 người.
|
Cán bộ ngủ trên bàn nhường phòng cho người cách ly
Khi đến thăm Trung tâm, PV khá bất ngờ khi thấy bàn ghế trong hội trường được kê sát lại, trải nệm làm giường ngủ. Thượng tá Đinh Văn Sáu, Phó Phòng Tổ chức cán bộ (Công an tỉnh Lâm Đồng, kiêm Giám đốc Trung tâm) cho biết: “Đó là nơi ngủ của các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Anh em ngủ đây, nhường phòng cho người đến cách ly”.
Những bàn kê sát tường mới có chỗ treo mùng, còn những bàn giữa hội trường đành phải ngủ không mùng. Ông Sáu cho biết thêm, để điều hành hoạt động khu cách ly phòng dịch, tại Trung tâm có 25 người, ngoài lực lượng công an còn có 2 “chị nuôi” và 2 y bác sĩ túc trực 24/24. Cao điểm nơi đây đón 102 người đến cách ly, nên từ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đều phải chung tay phục vụ, bất kể ngày đêm. Trong đó có 6 người “đặc biệt” hằng ngày phải vào 2 khối nhà A, B, đó là 2 y, bác sĩ đo thân nhiệt cho người cách ly, 2 nhân viên phun khử khuẩn (ngày 2 lần) và 2 chiến sĩ đưa cơm, thực phẩm cho người cách ly. Những người này được bố trí ăn riêng, ngủ riêng một khu vực để phòng lây chéo Covid-19.
|
|
Khi đến đây, người cách ly phòng dịch Covid-19 được hỗ trợ nhu yếu phẩm như xà phòng, dầu gội đầu, khăn mặt, giấy vệ sinh, khẩu trang, nước khử khuẩn… Việc ăn uống được phục vụ 3 bữa/ngày.
Chị nuôi Nguyễn Thị Ánh cho biết hằng ngày phải thay đổi thực đơn để người cách ly không nhàm chán. Các em bé dưới 6 tuổi được miễn phí phần ăn. Không chỉ vậy, trong số những người đi cách ly có cả thầy tu hoặc những người ăn chay trường, hai chị nuôi lại âm thầm làm các món chay phục vụ theo nhu cầu. Cao điểm, 2 chị nuôi phải phục vụ cho 130 người ăn.
|
Có hôm 2 chị nuôi được tiêm vắc xin Covid-19, sau đó lên cơn sốt phải nằm nghỉ, thế là từ chỉ huy đơn vị đến các chiến sĩ phải xúm tay vào để nấu nướng để kịp phục vụ người cách ly.
Một lần, sau khi đến thăm Trung tâm đúng lúc giải bóng đá Euro đang diễn ra, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo trang bị mỗi phòng 1 tivi để người cách ly có thêm điều kiện giải trí, không bị nhàm chán. Ngoài ra còn cho bắt thêm wifi, máy giặt… phục vụ người cách ly phòng dịch Covid-19.
|
Vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1.6, trong khu cách ly có 2 trẻ em đi cùng cha mẹ, Giám đốc Trung tâm đích thân đi mua quà về tặng và chúc mừng các cháu.
Người cách ly mang theo... 20 lít rượu
Thượng tá Đinh Văn Sáu cho biết, có những đêm đang ngủ ngon, nhận được điện thoại của bên y tế báo chuyển người đến cách ly. Lúc đó, toàn thể cán bộ, nhân viên phải thức giấc từ 23 giờ cho đến sáng hôm sau để túc trực đón người cách ly. Để phòng lây nhiễm chéo trong khu cách ly, những F1 được ở khu riêng, những trường hợp về từ vùng dịch ở khu riêng.
|
Có đợt, các F1 của một nhà xe liên quan đến tài xế nhiễm Covid-19 được đưa đến Trung tâm cách ly. Họ đến rất “khí thế”, trong xe còn mang theo can rượu 20 lít dự tính để nhâm nhi với nhau. Thế nhưng, theo quy định trong khu cách ly không được sử dụng rượu bia nên Trung tâm phải tạm giữ, khi hết thời gian cách ly trả lại cho họ.
Một lần khác, người nhà của người cách ly gởi nhu yếu phẩm vào, trong giỏ có cả bia, rượu, các cán bộ kiểm tra đành giữ lại, khiến người đang thực hiện cách ly (nghiện bia) khó chịu.
|
Vào ngày 16.7, ông H.Q.V. (ngụ H. Đức Trọng, Lâm Đồng) lái xe máy đưa con trai là H.L.A.T (17 tuổi) là F1 của BN 38344 đến Viện Pasteur test nhanh, con trai ông nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế gắn mã số 44189, nên ông là F1 được đưa đến Trung tâm cách ly. Do bất ngờ phải cách ly phòng dịch, ngoài bộ đồ mặc trên người, ông V. không có quần áo, tư trang gì; hoàn cảnh gia đình khó khăn. Lúc đó, anh em làm nhiệm vụ phải tặng quần áo cho ông. Tiếp đó, báo cáo đến lãnh đạo TP.Đà Lạt hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày, Tỉnh đoàn Lâm Đồng tặng thêm quần áo và nhu yếu phẩm.
|
Gần đây nhất, có 5 người dân tộc Cơ Tu từ Thừa Thiên - Huế vào Đà Lạt làm thuê, liên quan đến lái xe nhiễm Covid-19 nên thuộc diện F1 phải đến Trung tâm cách ly. Những người này cũng không có khả năng đóng tiền ăn, thiếu thốn quần áo nên Trung tâm có văn bản đề xuất và được UBND TP. Đà Lạt hỗ trợ tiền ăn trong suốt thời gian cách ly; các tổ chức đoàn thể hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm.
|
Thế nhưng, có những người do phải đi cách ly, xa nhà nên bức bối, dễ “nổi nóng” phản ứng lại các cán bộ làm nhiệm vụ. Thấu hiểu tâm lý của họ, nên anh em làm nhiệm vụ phải luôn nhỏ nhẹ, động viên để họ hợp tác phòng dịch. Có trường hợp 3, 4 giờ sáng đã dậy tập thể dục, đi lại lung tung, không tuân thủ quy định của khu cách ly phòng dịch Covid-19, anh em trực phải nhắc nhở, uốn nắn…
Người về, tâm tình ở lại
Ông Sáu cho biết, nhiều anh em bám trụ Trung tâm cả tháng mới về thăm nhà một lần. Bù lại, thường xuyên nhận được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, Ban Giám đốc Công an tỉnh và các đoàn thể. Bên cạnh đó là những tình cảm ghi nhận của những người đến cách ly là động lực để anh em tiếp tục làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 tốt nhất.
|
Bà C.T.B.T (Đà Lạt) người có 3 tuần cách ly phòng dịch Covid-19 tại Trung tâm chia sẻ: “Ở Trung tâm, chúng tôi được anh em công an và các nhân viên quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ và hướng dẫn các biện pháp phòng dịch rất tốt”.
Chị N.T.H.T cho biết: “Các cán bộ và mọi người rất nhiệt tình, nghiêm túc trong công việc. Ăn uống đồ ăn đa dạng, hấp dẫn. Các phương tiện khác đều được đầu tư trang bị rất tuyệt vời”.
Còn ông Đ.N.D nhận xét: “Tôi thấy khu cách ly sạch sẽ, ăn uống ngon, cán bộ vui vẻ, hòa nhã, tôi cảm thấy rất hài lòng”.
|
Bà N.T.N.L (ở H.Đơn Dương) chia sẻ: “Tôi rất cảm kích vì sự tận tâm của các anh chị và các cán bộ, nhân viên tại đây, đã giúp tôi hoàn thành việc cách ly phòng dịch Covid-19. Tôi cũng rất vui khi được gặp gỡ , tiếp xúc với những người xa lạ nay trở thành thân quen”.
Bình luận (0)