Cảnh giác với dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này tái phát, lây lan trên diện rộng là rất cao, các địa phương và người chăn nuôi cần quyết liệt phòng chống.

Cả nước còn 307 ổ dịch

Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, dịch tả lợn châu Phi bùng phát trong năm 2019 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi nước ta. Với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, tổng lực của cả nước, dịch bệnh nguy hiểm này đã cơ bản được khống chế. Cục Thú y cho hay, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch xảy ra tại hơn 1.500 xã của 50 tỉnh, thành phố. Đây đa phần là các ổ dịch nhỏ lẻ và các địa phương đã nhanh chóng được khoanh vùng, kịp thời ngăn chặn lây lan ra diện rộng. Tổng số lợn bị tiêu hủy trong năm 2020 là 86.000 con, chỉ bằng 1,5% so với năm 2019. Hiện 96% số xã trên cả nước “sạch” bệnh.
Theo thống kê, hiện vẫn còn 307 ổ dịch tại 29 tỉnh, thành phố ở cả 3 miền của đất nước chưa qua 21 ngày, gồm: Quảng Bình, Ninh Bình, Cao Bằng, Đắk Lắk, Nghệ An… Ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y, khuyến cáo: “Dù dịch cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ tái phát, lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề vẫn luôn hiện hữu”.
Nguyên nhân, theo ông Long, vi rút dịch tả lợn châu Phi có khả năng còn lưu hành, tồn tại trong môi trường, đàn lợn và sản phẩm từ lợn khá cao, trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc chữa.
Cán bộ thú y phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại khu trang trại bị dịch tả lợn châu Phi

Cán bộ thú y phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại khu trang trại bị dịch tả lợn châu Phi

Minh Hải

Chăn nuôi nhỏ lẻ ở nước ta vẫn phổ biến khiến việc tăng cường áp dụng biện pháp an toàn sinh học ngăn ngừa dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Thời tiết diễn biến bất thường gây bất lợi cho đàn lợn nhưng lại tạo thuận lợi cho vi rút phát triển.
Trước nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2021 sắp tới, việc tăng đàn, tái đàn và hoạt động giết mổ, buôn bán lợn, các sản phẩm từ lợn nếu không kiểm soát tốt sẽ làm gia tăng nguy cơ phát tán nguồn bệnh, khiến dịch bệnh lây lan mạnh.

Quyết liệt phòng chống

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vừa có chỉ thị yêu cầu các tỉnh, thành tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ đông xuân, trong đó có dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Long, thời gian tới, để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh khác trên đàn gia súc, các địa phương cần tổ chức tốt tháng tổng vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh theo yêu cầu của Bộ trưởng NN-PTNT trong chỉ thị nêu trên. Các tỉnh, thành và lực lượng thú y hướng dẫn người dân áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường chủ động giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và kịp thời xử lý dứt điểm ổ dịch.
Chốt kiểm soát phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Chốt kiểm soát phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Minh Hải

“Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn; ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn trái phép. Các địa phương biên giới cần tổ chức lực lượng ngăn chăn triệt để việc “tuồn” lậu lợn giống, lợn thịt, sản phẩm từ lợn từ các nước vào nội địa…”, ông Long khuyến cáo.
Theo ông Long, các “bài” phòng chống dịch tả lợn châu Phi đều đã có, quan trọng là chính quyền địa phương, lực lượng thú y và người chăn nuôi quyết liệt triển khai trên thực tế. “Bộ NN-PTNT, Cục Thú y đã thành lập nhiều đoàn công tác, tuần nào cũng về các địa phương kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, đốc thúc công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Các địa phương và người chăn nuôi cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, thực hiện đúng khuyến cáo của cơ quan thú y, chấp hành nghiêm quy định về phòng chống dịch để bảo vệ đàn lợn an toàn trước sự tấn công của các dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có dịch tả lợn châu phi”, ông Long lưu ý.
Cán bộ thú y chôn lấp lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Cán bộ thú y chôn lấp lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Phúc Ngư

Vấn đề quan trọng là các địa phương cần khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của luật Thú y, nhất là tại cơ sở theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20.5.2019 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27.11.2019 của Quốc hội, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18.6.2019 của Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20.2.2019 và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 10.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm lực lượng tổ chức phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.