Câu chuyện Hội An

09/06/2019 07:16 GMT+7

Hơn 11 giờ đêm mới tới được khách sạn ở Hội An để hôm sau có lớp giảng, nhưng tôi tá hỏa nhận ra mình quên xếp theo áo sơ mi.

Tôi vọt ngay ra phố cổ, vì Hội An giờ đó đã ngủ, cửa hàng đóng cửa hết rồi. Tôi chỉ có chút hy vọng mong manh là sẽ có cửa hàng nào đó còn mở cửa phục vụ khách du lịch. Cũng đóng cửa hết cả rồi. May quá, còn một cửa hàng bán đồ lưu niệm du lịch đang dọn hàng đóng cửa.
Tôi hỏi hai cha con chủ cửa hàng đang loay hoay lo dọn dẹp: “Có bán áo sơ mi không anh?”. Cái gật đầu và câu trả lời rặt giọng Quảng: “Có, anh mua áo chi?” khiến tôi thiếu điều nhảy cẫng lên.
Nhưng còn một khó khăn nữa. Tôi không mang theo tiền mặt đủ để mua. Thói quen dùng thẻ thanh toán khiến tôi rơi vào nghịch cảnh trong trường hợp này. Tôi sắm luôn giọng Quảng: “Quanh chỗ ni có chỗ mô rút tiền được không anh?”.
Chao ôi là phiền! Bắt người ta lục lại thùng quần áo đã đóng lại để lấy ra cái áo mình cần. Giờ chẳng lẽ bắt người ta chờ thêm mình đi rút tiền. Tệ nhất cũng phải mươi mười lăm phút nữa. Mà khuya quá rồi.
“Chú cứ đi rút tiền đi, con chờ không sao đâu”. Tôi cảm ơn rối rít, vì nói thật là sáng mai nếu không có cái áo mua được này thì chẳng lẽ tôi lên lớp với một cái áo thun nhàu nát trên người do mặc đi đường?
Gần mười lăm phút sau tôi quay lại. Hai cha con tắt gần hết đèn của quán, ngồi chờ ông khách phiền phức. Không nâng giá bán. Không kể lể công chờ. Họ đưa áo cho tôi, lấy tiền rồi ra về, sau khi hỏi lại tôi một câu đơn giản: “Mai mặc đỡ đi nghe!”. Họ nói “mặc đỡ”, là vì cái áo bán cho tôi là một cái áo kiểu hàng lưu niệm, được may với những đường cắt và đường chỉ cẩu thả, mặc vào như thể trang phục màu mè để đi biển.
Tôi mua được cái áo, trong một hoàn cảnh hoàn toàn cá biệt của bản thân. Tôi chẳng hài lòng gì về cái áo ấy cả, vì nói thật mặc vào tôi trông như thể chú cá 7 màu. Nhưng tôi biết ơn sự giúp đỡ của cha con chủ cửa hàng đồ lưu niệm đã ráng chờ một ông khách phiền phức trong đêm khuya.
Thử thoát ra trường hợp của tôi để đặt câu hỏi chung hơn cho những người từ nơi xa đến một địa điểm du lịch như Hội An, mỗi khi họ cần một thứ gì đó rất bất chợt, nhưng rất cần thiết. Thì sẽ thế nào?
Ảnh: Huy Đạt
Hội An sẽ cần gì để đáp ứng được những nhu cầu bất chợt như thế của người phương xa đến đất mình du lịch. Chắc chắn, rồi, là cần những mô hình dịch vụ 24/7. Cái này thì chắc chắn là để thị trường lo. Thị trường sẽ cảm nhận và đón đầu các nhu cầu dịch vụ để phục vụ. Thị trường sẽ tự biết cách để đáp ứng hay không đáp ứng, với mức giá nào cho những dịch vụ này.
Nhưng thế đã đủ chưa? Là chưa. Cần thêm một yếu tố nữa, là cái tinh thần giúp đỡ người phương xa trong hành xử của người dân địa phương. Bán một cái áo có khi không đơn giản là bán một cái áo, để có thêm một khoản lời, mà là thực hành một sự giúp đỡ người phương xa. Và sâu xa trong chất lượng dịch vụ của một vùng đất, đó chính là điều khách phương xa mong đợi nhất ở một vùng đất.
Lúc quay về khách sạn tôi mới kịp quay ra để tâm đến sự yên tĩnh của đêm Hội An. Tôi thả mình thong dong chứ không vội vã như lúc đi. Những con đường nhỏ nhỏ và tôi tối như thể đường quê. Hội An có thể sẽ lớn hơn, sẽ ồn ào hơn, như thể để cố vươn lên nổi bật hơn trên bản đồ du lịch. Nhưng cũng có thể nổi bật mà không cần lớn hơn và ồn ào hơn. Là nổi bật dựa vào con người ấm áp và hồn hậu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.