Nhiều năm qua, TP.HCM đã xây dựng không ít cầu bộ hành trị giá hàng tỉ đồng. Mục đích của các cây cầu này là bảo vệ sự an toàn cho người đi bộ khi băng ngang đường và hạn chế cản trở giao thông, nhưng nhiều người lại không sử dụng đến.
tin liên quan
Sài Gòn sắp có cầu vượt... bằng gỗ cho người đi bộSở GTVT TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ làm việc với Tổng lãnh sự quán New Zealand để triển khai xây dựng cầu bộ hành bằng gỗ trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh).
Chặn đầu xe qua đường
Cây cầu nối hai bên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trên đường Nguyễn Trãi (Q.5) thiết kế cầu thang nằm bên ngoài, khá thuận tiện cho người qua lại. Trên cầu phân thành 2 phần, 1 phần nối thông bên trong bệnh viện hầu như chỉ được sử dụng khi y tá vận chuyển bệnh nhân từ cơ sở bên này sang cơ sở bên kia của bệnh viện là chính. Quan sát thực tế, phần còn lại hầu như bỏ trống, không ai sử dụng. Tất cả người đi bộ, người nhà bệnh nhân, người đi đường đều chọn cách băng qua đường cho “tiện”.
|
|
Đến nay, phần cầu này được “trưng dụng” gần hết. Lối đi đã chật hẹp nhưng còn chứa đủ thứ, từ chậu cây cành lá xum xuê không ai cắt tỉa tới mấy manh chiếu ngổn ngang, rồi rác vứt la liệt... nhìn không khác gì cây cầu hoang. Lối đi lên ngay dưới chân cầu thì người bán hàng rong, trông giữ xe chiếm dụng...
Gặp một người tên Bình (ngụ Q.5, TP.HCM) vừa băng qua đường để hỏi lý do sao không sử dụng cầu vượt cho an toàn, anh phàn nàn: “Nhìn cầu thế này thì sao mà đi được. Bên Thái, bên Singapore người ta cũng có cầu, rất thuận tiện, sạch sẽ. Cầu mình thế này thì muốn đi cũng chịu. Cầu thang nằm có một bên, có đi cũng phải thêm một đoạn, băng qua luôn cho lành”.
Cây cầu bắc ngang hai phần Bệnh viện Từ Dũ (đường Cống Quỳnh, Q.1) cũng rơi vào tình trạng tương tự, dù đoạn đường này luôn luôn trong tình trạng ách tắc, xe cộ nối đuôi nhau, rồi xe chạy ra từ 2 bệnh viện, rất nguy hiểm.
Lúc 8 giờ sáng ngày 7.3, khi chúng tôi có mặt ở đây, bệnh viện đã chật ních. Nhưng hầu hết mọi người đều “hồn nhiên” băng ngang qua đường dù cây cầu vượt nằm ngay đó, thông thoáng, có cả mái che, kính chắn nắng. Cây cầu này có thang đi lên nằm ngay trong sân bệnh viện, rất thuận tiện cho người nhà bệnh nhân sử dụng. Đội phó đội bảo vệ bệnh viện này cho biết: Bệnh nhân thăm khám hay khách vào đều được hướng dẫn đi theo lối cầu bộ hành để qua tòa nhà bên. Thế nhưng, họ lại tìm cách băng sang đường. Khi được hỏi lý do tại sao có cầu không đi, câu trả lời đều là “không nhìn thấy cầu”, “không biết có cầu”.
Theo quan sát, ngay cả các y tá, bác sĩ làm việc trong Bệnh viện Từ Dũ cũng coi cây cầu trước mắt như vô hình, thản nhiên băng qua dù đường chật ních xe cộ.
|
Phần lớn các cầu bộ hành được xây dựng tại các bệnh viện ở TP.HCM đều rơi vào tình trạng trên. Cầu bộ hành trước Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh) dài 19 m, có thang lên ở cả 2 bên, rất thuận tiện cho người đi lại. Lối đi trên cầu cũng rộng rãi, sạch sẽ nhưng số phận cũng không kém phần “hẩm hiu”. Số người sử dụng cầu này rất ít, hầu hết đều là các y tá, nhân viên trong bệnh viện. Người nhà bệnh nhân, bệnh nhân hay khách tới thăm thì đến 90% chọn băng ngang dưới lòng đường.
Khu vực này xe qua lại dày đặc. Đặc biệt, do không gần cột đèn giao thông nên tốc độ, tần suất xe qua lại luôn căng thẳng. Thế nhưng, hình ảnh người mặc áo bệnh nhân chậm chạp, chặn cả đầu xe để xin qua đường hết sức phổ biến.
tin liên quan
Đề xuất xây 7 cầu vượt đi bộ có máy lạnh, thang máy ở Sài GònNgày 20.5, theo Sở GTVT TP.HCM, công ty cổ phần tập đoàn công nghiệp Quang Trung vừa có văn bản đề xuất xây 7 cầu vượt bộ hành mới, hiện đại tại một số tuyến đường trên địa bàn TP.
Khi được hỏi vì sao trên cầu an toàn mà không đi, một bệnh nhân đã lớn tuổi chép miệng: “Tôi già rồi, lại còn bệnh tật thế này, sức đâu mà leo cầu thang”. Mấy người trẻ hơn thì “xông” mình vào làn xe, khiến các loại xe lớn, xe nhỏ thường xuyên phải phanh gấp tránh người. “Đi cho nhanh”, “sang luôn cho tiện”, “quen rồi”… là câu trả lời chúng tôi nhận được từ một cuộc khảo sát bỏ túi những người bỏ rơi cầu vượt tại đây.
Phải có chế tài xử phạt
Theo hầu hết các chuyên gia, lý do chính dẫn đến việc các cầu bộ hành bị bỏ hoang là ý thức của người dân còn kém. PGS-TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông, phân tích cầu vượt không phát huy hiệu quả vì người VN chưa có thói quen đi bộ, ý thức chấp hành luật giao thông còn kém, việc gì cũng muốn làm nhanh và đơn giản.
Đồng quan điểm, PGS-TS Hồ Thanh Phong cũng cho rằng nguyên nhân người dân không dùng cầu vượt xuất phát từ tâm lý băng ngang đường vừa nhanh, vừa tiện nên “không việc gì phải tốn thời gian lên xuống cầu vượt”. TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, bổ sung thêm lý do khiến các cầu vượt không được người dân mặn mà vì cũ kỹ, không được bảo trì thường xuyên, lối lên cầu bị lấn chiếm. Từ nhận định đó, ông đề xuất, muốn cầu bộ hành đạt hiệu quả mong muốn, ngoài việc phải xây dựng khoa học, đúng vị trí và nhu cầu của người dân thì phải kèm theo các chính sách giáo dục ý thức cho người dân về vấn đề này. PGS-TS Hồ Thanh Phong đề xuất nên làm thang cuốn ở hai đầu cầu vượt, đồng thời thiết kế cảnh quan trên cầu đẹp hơn, có như vậy người dân mới thích thú sử dụng.
Ủng hộ chủ trương xây dựng cầu vượt của TP.HCM, PGS-TS Phạm Xuân Mai đề xuất để 18 cây cầu sắp tới hiệu quả, cần phải xây ở những vị trí trọng điểm, có người quản lý, hướng dẫn ở hai đầu cầu. Đồng thời phải có chế tài xử phạt những người không dùng cầu vượt mà vẫn tiếp tục băng ngang đường. Chế tài xử phạt cần áp dụng từ 3 - 6 tháng mới có thể tạo được thói quen cho người dân, còn nếu để tự giác thì rất khó.
|
Cho rằng sự thiếu hiệu quả của cầu vượt bộ hành vì chỉ phục vụ một chức năng là giúp người dân băng qua đường, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nếu cầu bộ hành chỉ nối hai bên đường thì với tình hình ý thức người dân hiện nay, có xây thêm cầu cũng không ai dùng. Sở GTVT nên liên kết cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng như tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia cảnh quan trong thành phố để thiết kế, xây dựng những cây cầu bộ hành phù hợp với tâm lý của người dân. Ví dụ, nên xây thêm những cây cầu có tính kết nối hai dự án nằm 2 bên như nối thẳng sang trung tâm thương mại, sang trạm xe buýt… chứ không đơn thuần chỉ đi lên rồi lại đi xuống.
tin liên quan
Giải pháp an toàn cho người dân qua đườngNhững giải pháp như vạch băng qua đường, đèn tín hiệu, cầu vượt, hầm chui... không chỉ giúp an toàn cho người đi bộ khi băng qua đường mà còn cho cả các phương tiện lưu thông trên đường.
“Đơn cử như đường Lê Lợi (Q.1), nếu có cầu nối thẳng vào khu Saigon Center thì đảm bảo ai cũng đi hết”, ông Sơn đề xuất và gợi ý nên làm cầu có thang cuốn đi lên để tiện cho người già, trẻ nhỏ và người bệnh. Chính quyền địa phương có trách nhiệm bảo vệ đồng thời tuyên truyền cho người dân quanh khu vực sử dụng cầu một cách có ý thức. “Nếu chưa thay đổi ngay được, thành phố có thể xem xét lắp đặt các barie chắn giữa vỉa hè và lòng đường. Bên Mỹ, Nhật cũng làm vậy. Đến khi dân không còn cách nào khác, phải đi lên cầu, thành quen với cầu rồi thì lại cho tháo ra”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận xét.
18 cầu vượt đi bộ sẽ được xây dựng trong năm 2017
Theo Sở GTVT TP.HCM, trong quý 1/2017 triển khai xây dựng 6 cầu bộ hành với tổng số vốn hơn 25 tỉ đồng từ ngân sách TP. Vị trí xây dựng tại những địa điểm sau: đường Quang Trung (Q.Gò Vấp), đường Hoàng Minh Giám (khu vực công viên Gia Định), đường Nguyễn Văn Cừ, trước Trường THPT Lê Hồng Phong (Q.5); QL1 (trước Trường ĐH Kinh tế - Luật), đường Điện Biên Phủ, tại giao lộ với đường D2. Các cầu bộ hành còn lại sẽ được triển khai trong quý 3 tại đường Nguyễn Chí Thanh (Bệnh viện Chợ Rẫy), đường Lê Văn Việt (Q.9), QL1 (trước chợ đầu mối Thủ Đức), QL1 (trước nghĩa trang liệt sĩ Bình Chánh); QL22 (khu vực Bến xe An Sương); đường Trường Chinh (nhà thờ Lạc Quang), đường Hoàng Văn Thụ (công viên Hoàng Văn Thụ)...
Đồng thời năm 2017, Sở GTVT cũng đề nghị Ban Quản lý đường sắt đô thị TP triển khai xây dựng 5 cầu bộ hành trên xa lộ Hà Nội. Các cầu bộ hành này sẽ được nối từ các nhà ga tuyến đường sắt metro.
|
Bình luận (0)