Giải pháp an toàn cho người dân qua đường

28/10/2015 08:27 GMT+7

Những giải pháp như vạch băng qua đường, đèn tín hiệu, cầu vượt, hầm chui... không chỉ giúp an toàn cho người đi bộ khi băng qua đường mà còn cho cả các phương tiện lưu thông trên đường.

Những giải pháp như vạch băng qua đường, đèn tín hiệu, cầu vượt, hầm chui... không chỉ giúp an toàn cho người đi bộ khi băng qua đường mà còn cho cả các phương tiện lưu thông trên đường.

Cầu vượt trên đường Cống Quỳnh trước Bệnh viện Từ Dũ không có lối lên xuống thuận tiện - Ảnh: Diệp Đức MinhCầu vượt trên đường Cống Quỳnh trước Bệnh viện Từ Dũ không có lối lên xuống thuận tiện - Ảnh: Diệp Đức Minh
Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, đề xuất TP.HCM cần quy hoạch tổng thể và giao cho một đơn vị có chức năng tư vấn, tổ chức thực hiện việc xây cầu vượt, hầm bộ hành.
Ông cho rằng lâu nay cứ thấy chỗ nào thiếu là xây cầu vượt, dẫn đến không hợp lý. Nhiều cầu vượt tại TP.HCM có thiết kế rất bất cập, xây quá cao khiến người đi bộ qua đường không đi được, hoặc rất khó đi. Điển hình như cầu vượt bộ hành Điện Biên Phủ đoạn trước chợ Văn Thánh cũ, P.25, Q.Bình Thạnh. “Trước đây tôi đã từng có ý kiến với Sở GTVT về vấn đề bất hợp lý cầu vượt nhưng chưa được tiếp thu. Đi trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, đoạn trước Trường đại học Công nghệ, nhìn cảnh sinh viên băng ngang hằng ngày tôi thấy rất lo lắng”, ông Trường bày tỏ.
Chú trọng giải pháp giáo dục
Cho rằng TP.HCM là địa phương đầu tiên cả nước làm cầu vượt cho người đi bộ trong đô thị, bắt đầu từ gần 20 năm nay, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, đánh giá nhìn chung các cầu vượt cho người đi bộ tại TP chưa phát huy hiệu quả cao, chưa đạt được mục đích giảm tai nạn giao thông cho người đi bộ băng ngang qua đường.
Theo Sở GTVT TP.HCM, 4 cây cầu bộ hành đầu tư bằng nguồn vốn cấp bách sẽ được xây dựng trên các tuyến đường: Điện Biên Phủ (3 vị trí: trước Bệnh viện Bình Dân, Q.3; gần Trường ĐH Công nghệ, cơ sở 1, Q.Bình Thạnh; gần Trường ĐH Hồng Bàng, Q.Bình Thạnh); QL1 (trước Trường ĐH Kinh tế - Luật và siêu thị Co.op Mart, Q.Thủ Đức). Riêng tuyến QL1 (đoạn từ nút giao Thủ Đức đến ranh tỉnh Long An) và QL22, Sở GTVT đã giao các khu quản lý giao thông đô thị tiến hành rà soát, đề xuất các vị trí cụ thể cần thiết xây dựng cầu vượt bộ hành nhằm bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Theo ông, nguyên nhân chính là do thói quen sử dụng cầu vượt và ý thức của nhiều người đi bộ chưa cao. Ngoài ra, một số cầu vượt đặt quá sớm khi người dân chưa có nhu cầu, thiết kế chưa phù hợp. Chẳng hạn như cầu vượt Từ Dũ, không có lối lên xuống thuận tiện và tổ chức giao thông rõ ràng.
TS Phạm Sanh cho rằng, với tốc độ đô thị hóa quá nhanh và mật độ dân cư tăng cao, đã đến lúc TP.HCM cần quan tâm đầu tư những công trình dành cho người đi bộ băng qua đường trong đô thị. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm các công trình đã làm, để giảm tai nạn giao thông và phát huy hiệu quả, phải có các nghiên cứu điều tra khảo sát có tính khoa học và quy trình thực hiện theo thông lệ quốc tế. Cụ thể, đó là các điều tra khảo sát về nhu cầu băng qua đường, mô phỏng các hành vi ứng xử của người đi bộ, mô phỏng tương tác giữa người đi bộ và dòng xe hỗn hợp… Từ đó mới đưa ra nhiều giải pháp từ thấp đến cao và có lộ trình thực hiện như vạch băng qua đường có đèn tín hiệu cho người đi bộ, rồi đến làm cầu vượt, hầm chui. “Ngoài ra, phải chú trọng giải pháp giáo dục, kiên quyết xử phạt vi phạm hành vi qua đường không đúng luật, tăng cường hệ thống biển báo cho người đi bộ”, ông Phạm Sanh phân tích.
Sẽ xây dựng thêm 14 cầu vượt
Trả lời Thanh Niên về vấn đề an toàn cho người đi bộ, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng đường bộ - Sở GTVT TP.HCM, cho biết sắp tới Sở sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình tiện ích đảm bảo an toàn giao thông cho người bộ hành như xây dựng cầu vượt, hầm chui, đèn vỗ (đèn tín hiệu giao thông cho người đi bộ)... Cụ thể, TP sẽ triển khai xây dựng 14 cầu vượt đi bộ, gồm 4 cây cầu bằng nguồn vốn cấp bách sau khi được UBND TP chấp thuận chủ trương và 10 cây cầu kêu gọi xã hội hóa dưới hình thức nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng và sẽ được khai thác, cho thuê quảng cáo trên cầu để thu hồi vốn.
Trước mắt, Sở GTVT sẽ rà soát, bổ sung vạch sơn đi bộ tại các vị trí đông người đi bộ; duy tu thường xuyên các vạch đi bộ bị mờ; bổ sung hệ thống báo hiệu như lắp đèn chớp vàng, biển báo đường người đi bộ cắt ngang; cải tạo tiểu đảo tại các vị trí giao giữa vạch đi bộ và dải phân cách nhằm tạo vị trí dừng chờ an toàn cho người bộ hành trên các tuyến đường lớn như Phạm Văn Đồng, QL1, xa lộ Hà Nội…
Thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục rà soát và nghiên cứu đề xuất các giải pháp để thu hút người dân sử dụng các cầu vượt này như: bổ sung thêm mái che, sơn lại cầu, cải tạo sửa chữa các bậc thang lên xuống thuận tiện hơn, bổ sung các công trình tiện ích khác… Sở GTVT cũng yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường chấn chỉnh trật tự lòng lề đường nhằm bảo đảm không gian dành cho người bộ hành trên vỉa hè được an toàn.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, ngoài việc phối hợp với UBND các quận, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm lối đi vào cầu vượt, sắp tới Ban ATGT TP cũng yêu cầu các bệnh viện tuyên truyền vận động sử dụng cầu vượt khi qua đường; kiểm tra nhắc nhở những trường hợp không chấp hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.