Liều mạng qua đường

27/10/2015 05:41 GMT+7

Một thực tế hết sức nguy hiểm đang diễn ra hằng ngày trên nhiều tuyến đường, kể cả trên quốc lộ, cao tốc... là nhiều người liều mạng leo, chui qua dải phân cách để băng qua đường xe đang lưu thông.

Một thực tế hết sức nguy hiểm đang diễn ra hằng ngày trên nhiều tuyến đường, kể cả trên quốc lộ, cao tốc... là nhiều người liều mạng leo, chui qua dải phân cách để băng qua đường xe đang lưu thông.

 
Thiết kế không hợp lý góp phần khiến các cầu vượt đi bộ dọc đại lộ Võ Văn Kiệt vắng hoe ­ Ảnh: Diệp Đức Minh
Thiết kế không hợp lý góp phần khiến các cầu vượt đi bộ dọc đại lộ Võ Văn Kiệt vắng hoe ­ Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo Phòng Quản lý và khai thác công trình hạ tầng đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), trong 9 tháng vừa qua trên địa bàn TP.HCM có 72 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người bộ hành, làm chết 65 người. Trong đó nguyên nhân do người bộ hành qua đường không đúng nơi quy định có 41 vụ, làm 38 người chết, 6 người bị thương.
Cắt kẽm, đạp cột sắt... băng đường
Thế nhưng, bất chấp nguy hiểm, nhiều người dân sống dọc hai bên QL1 hằng ngày đều không ngần ngại băng ngang dải phân cách để qua đường trong khi hàng trăm lượt phương tiện ô tô, xe gắn máy lao vun vút.
Trên QL1 đoạn từ cầu vượt An Sương (Q.12) đến cầu vượt Thủ Đức (giao nhau giữa QL1 với xa lộ Hà Nội, Q.Thủ Đức), để ngăn chặn tình trạng người dân băng qua đường, dải phân cách được lắp đặt hàng rào bằng sắt cao 2 m cùng với hàng rào cây xanh. Trên tuyến QL22 từ An Sương đến Củ Chi cũng tương tự. Vậy mà, cả hai đoạn đường trên, nhiều người bẻ cây, leo rào, thậm chí cắt luôn kẽm để tạo lối đi tắt. Điểm nóng là trước chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (P.Tam Bình, Q.Thủ Đức) chốc chốc lại có người băng ngang dải phân cách vào chợ hoặc để đón xe ở cả hai chiều. Thậm chí, không ít người còn mang theo hàng hóa cồng kềnh, luồn qua khoảng trống các dây kẽm của hàng rào để sang đường. Mặc dù những vị trí này đã được cơ quan chức năng lắp lưới thép B40 vào các khoảng trống ngăn băng đường nhưng kẽm sắt cũng bị người dân cắt luôn. Bít chỗ này, nhiều người lại phá rào chui chỗ khác, thay vì đi ngược lên gầm cầu Bình Phước cách đó 700 m qua đường.
 
Sinh viên bước vội qua đường ở nơi có dải phân cách - Ảnh: Đình Mười
Sinh viên bước vội qua đường ở nơi có dải phân cách - Ảnh: Đình Mười
Ông Nguyễn Văn Lưu, lái xe ôm trước chợ nông sản Thủ Đức, cho biết: “Nhu cầu qua lại hai bên đường rất cao. Do không có cầu vượt đi bộ nên người dân bất chấp nguy hiểm, vẫn cứ băng dải phân cách sang đường”. Cách đó không xa, hai trạm xe buýt đối diện giáo xứ Khiết Tâm (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) gần chân cầu vượt Sóng Thần, vẫn có hàng trăm lượt người thoải mái qua lại từ sáng đến tối. Tấm lưới sắt chắn ngang dải phân cách tại đây đã bị cắt đứt, các cọng kẽm được buộc chặt với nhau để tạo khoảng trống đi lại. Trong khi đó, lượng xe tải, xe container ra vào khu công nghiệp Sóng Thần rất lớn, luôn thường trực nguy cơ tai nạn giao thông.
Cũng trên QL1 đoạn từ cầu vượt Quang Trung đến cầu vượt Tân Thới Hiệp (Q.12) dài gần 3 km, dân cư đông đúc và nhiều doanh nghiệp, nhưng chỉ có ngã tư Nguyễn Văn Quá để mọi người qua lại. Vì vậy, rất nhiều người đều chọn giải pháp leo qua dải phân cách để qua đường, dù các phương tiện giao thông đi lại dày đặc. QL1 qua địa bàn Q.Bình Tân thuộc các phường Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông A, Bình Hưng Hòa A... cảnh người dân leo qua các lưới chống chói sang đường, gây mất an toàn giao thông cũng trở nên quen thuộc.
Ở ngoại thành lộn xộn, trong nội thành cũng không kém. Dọc tuyến đường Điện Biên Phủ, nhất là đoạn trước Bệnh viện Bình Dân (Q.3), Đại học Hồng Bàng, Đại học Công nghiệp TP.HCM (Q.Bình Thạnh) do không có cầu vượt cho người đi bộ, đi vòng thì xa nên nhiều người cũng liều mạng băng ngang đường.
 
Không có cầu vượt, nhiều nông dân ở Tiền Giang phải vác lúa băng ngang đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: Hoàng PhươngKhông có cầu vượt, nhiều nông dân ở Tiền Giang phải vác lúa băng ngang đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: Hoàng Phương
Cầu vượt bỏ không
Nơi không có cầu vượt thì băng đường nhưng ở nhiều nơi có cầu vượt, người dân cũng vẫn chọn cách băng ngang đường. Trên đại lộ Võ Văn Kiệt qua các quận: 5, 6, 8 có tới 8 cầu đi bộ bắc ngang đường nhưng người qua lại trên cầu rất ít, hầu như bỏ không. Lâu ngày, cầu trở thành nơi hóng mát buổi chiều cho một số người.
Đáng nói là tại những nơi đông đúc xe cộ, đường sá chật chội nguy hiểm nhưng cầu vượt vẫn không được sử dụng. Như cầu vượt đi bộ trên đường Nơ Trang Long, ngay trước Bệnh viện Ung bướu TP (Q.Bình Thạnh). Trưa 26.10, chỉ hơn 30 phút dừng chân dưới cầu vượt này, chúng tôi ghi nhận có đến vài chục người từ cổng bệnh viện băng ngang đường trong lúc phương tiện lưu thông dày đặc. Trong khi trên cầu vượt chỉ lác đác một vài người qua. Khi được hỏi lý do không đi cầu vượt, ông Thành, bệnh nhân tại bệnh viện nói: “Cầu cao đi lại mệt nên đành phải mạo hiểm chứ biết làm sao”. Do người đi lại ít nên hiện mặt cầu được người dân tận dụng trải bạt phơi cơm thừa. Theo quan sát, cầu vượt ở đây thiết kế cao 4,6 m, bậc thang dẫn lên cầu khá dốc là lý do khiến nhiều người ngại đi lại. Tương tự, cầu vượt nối giữa khu M - khu H, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, bắc ngang đường Cống Quỳnh (Q.1) cao 4,8 m, bậc thang dẫn lên cầu độ dốc quá cao, không phù hợp nhu cầu đi lại của người bệnh và thai phụ nên cũng ít được sử dụng, chủ yếu dùng đi lại giữa hai tầng lầu M và H trong bệnh viện.
Theo chuyên gia giao thông TS Phạm Sanh, giao thông cho người đi bộ ít được quan tâm trong suy nghĩ quản lý, trong các đồ án quy hoạch và tiêu chuẩn kỹ thuật. Thường nói giao thông là nghĩ đến ô tô chứ ít quan tâm xe máy và “quên” người đi bộ. Ngoài nguyên nhân chính khiến cầu vượt bộ hành ít người sử dụng là do ý thức, tâm lý chưa quen qua cầu vượt. Dù vậy, ông Sanh cũng cho rằng có một phần lỗi do thiết kế. Như cầu vượt Từ Dũ hơi cao nên người mang bầu không đi được.
Theo TS Phạm Sanh, lý do cốt lõi là khi lập dự án làm đường, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế đã quên người đi bộ, không đưa hạng mục cầu vượt vào dự án.
Ra tòa vì băng ngang đường không đúng luật
Năm 2003, TAND Q.1, TP.HCM từng đưa ra xét xử vụ một người băng qua đường không đúng luật, va chạm và làm người điều khiển xe máy tử vong. Với tội danh cản trở giao thông đường bộ, bị cáo đã bị tuyên 9 tháng cải tạo không giam giữ và bồi thường cho nạn nhân.
Cần thay đổi tư duy làm cầu vượt
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, muốn cầu vượt đạt hiệu quả cao, nhiều người sử dụng, ngành giao thông cần phối hợp với tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại hai bên đường. Chẳng hạn, tại xa lộ Hà Nội đoạn nhà ga metro Thảo Điền (đoạn qua P.An Phú và Thảo Điền, Q.2), sắp đến chắc chắn phải làm cầu vượt vì cư dân ngày càng đông, không thể đi 2 - 3 km để quay đầu. Trong khi đó, nhà ga metro Thảo Điền đang được gấp rút thi công, nếu làm cầu vượt theo cách kết nối các tòa nhà thương mại hai bên sẽ rất tiện và nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, các công trình đang xây không thấy thiết kế giải pháp cầu vượt kết nối. Khi các trung tâm thương mại hoạt động, nhiều người đi mua sắm xong ra không biết làm sao để qua đường.
“Loại cầu vượt thứ 2 mà TP.HCM cũng cần xây dựng là cầu vượt vừa dành cho người đi bộ và kết hợp cho xe gắn máy, xe đạp. Rồi đường ngầm cho người đi bộ, vừa cho xe gắn máy, có độ hở thông khí an toàn. Các tuyến đường như xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt nên được xây những loại cầu vượt như trên. Chắc chắn, sẽ có nhiều người sử dụng”, ông Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.