Chăn nuôi lợn đạt mục tiêu kép: Tăng đàn và kiểm soát dịch tả lợn châu Phi

24/12/2020 14:24 GMT+7

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết ngành chăn nuôi lợn đang cơ bản đảm bảo mục tiêu kép: vừa tăng đàn vừa kiểm soát được dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi.

Đàn lợn cả nước đã phục hồi trên 85%

Theo Cục Chăn nuôi, đến nay, đàn lợn cả nước đã phục hồi được trên 85% so với thời điểm trước khi “cơn bão” dịch tả lợn châu phi càn quét khắp các địa phương trên cả nước. Hiện tổng đàn lợn đạt trên 26 triệu con. Có được thành quả này, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Bộ NN-PTNT, các địa phương và người chăn nuôi đã quyết liệt trong việc kiểm soát dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi, và đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn với những cách làm rất hiệu quả.
Ông Dương cho hay, sau khi ngăn chặn được dịch tả lợn châu Phi, các tỉnh, thành tổ chức tái đàn, tăng đàn với nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho đàn lợn. Trong đó, các “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước như Đồng Nai, Bình Phước, Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên… đã đạt được những kết quả khả quan. Theo ông Dương, trong năm 2020, nhiều địa phương hỗ trợ con giống, hỗ trợ con nái với mức 2 triệu đồng/con, có nơi lên tới 5 triệu đồng/con; hỗ trợ chế phẩm vi sinh cho các cơ sở chăn nuôi tái đàn.
Kiểm tra chất lượng con giống

Kiểm tra chất lượng con giống

Văn Giang

Ngành chăn nuôi, thú y và các địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học và tuyên truyền, vận động chủ trang trại áp dụng; tăng cường biện pháp quản lý về an toàn, chất lượng con giống.
“Chúng ta làm quyết liệt lắm thì vừa rồi mới tái đàn được nhanh như vậy. Vừa phòng dịch, vừa triển khai chính sách tái đàn để dịch không bùng phát, đảm bảo nguồn cung thịt lợn trên thị trường. Cơ bản chúng ta đạt mục tiêu kép này”, ông Dương nói.

Đảm bảo an toàn thì mới tái đàn

Ông Dương cho rằng, thị trường thịt lợn vẫn còn ở mức cao trong một thời gian dài nữa, việc tái đàn, tăng đàn lợn là cần thiết. “Phải đảm bảo an toàn thì mới tái đàn. Khi chưa đảm bảo điều kiện thì không được tái đàn”, ông Dương nói và lưu ý, vệc tái đàn phải thực hiện theo đúng khuyến cáo của ngành chăn nuôi và ngành thú y.
Theo ông Dương, khi tái đàn, phải tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là con giống phải hoàn toàn khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở đảm bảo, không bị dịch bệnh, đặc biệt là không được “dính” dịch tả lợn châu Phi. Trong “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi, cả nước đã bảo vệ được đàn giống gốc (đàn giống cụ, kỵ), giữ được khoảng 100.000 con giống gốc, đủ để nhân giống phục vụ tái đàn. Có con giống khỏe mạnh, người chăn nuôi cần kiểm soát tốt nguồn thức ăn, nước uống, sử dụng các chế phẩm vi sinh, nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn…
Chỉ tái đàn lợn khi đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi

Chỉ tái đàn lợn khi đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi

Ngọc Thắng

Với những trang trại tái đàn lần đầu sau khi hết dịch, ông Dương lưu ý, cần có thăm dò, nuôi tháng đầu nếu không tái dịch thì mở rộng quy mô dần lên. Các trang trại tái đàn bình thường rồi thì yên tâm khi tiếp tục tái đàn.
Hiện dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tấn công đàn lợn của nhiều địa phương. Nguy cơ dịch bùng phát là rất cao, các chuyên gia khuyến cáo, các địa phương và người chăn nuôi không được lơ là mất cảnh giác trong phòng chống dịch, đặc biệt là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch khi tái đàn.
Theo hướng dẫn về việc tái đàn lợn do Bộ NN-PTNT ban hành, chủ trại nuôi cần tổ chức vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc khử trùng thường xuyên. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn vào nuôi. Trong trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
Kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh. Nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô để giảm thiểu lợn giữa các ô chuồng tiếp xúc với nhau. Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.